TP.HCM kẹt xe không chỉ giờ cao điểm

05/08/2017 07:32 GMT+7

Đó là thực trạng được “mổ xẻ” tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP.HCM tổ chức vào chiều qua 4.8.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP.HCM có đến 335 người chết, hơn 1.440 người bị thương trong hơn 1.800 vụ TNGT. Đề cập đến nguyên nhân gây nhiều TNGT, theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, cho hay một phần do tình hình giao thông hiện nay rất phức tạp, mật độ người và phương tiện giao thông ngày càng tăng, ùn ứ diễn ra hằng ngày tại các tuyến đường trọng điểm... Tính đến 15.6.2017, TP.HCM quản lý hơn 8 triệu phương tiện, trong đó gần 700.000 ô tô, còn lại là xe gắn máy 2 bánh.
Mỗi tháng thêm 30.000 xe đăng ký mới
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết gần đây lượng xe đăng ký mới tăng quá nhiều, trung bình mỗi tháng TP.HCM có thêm 30.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó ô tô chiếm 15% (trước đây chỉ khoảng 10%).
Ô tô tải hiện có khoảng 210.000 chiếc. Ngoài ra chưa tính đến lượng ô tô hoạt động theo mô hình Grab, Uber.
Ông Huỳnh Trung Phong cho rằng cách tổ chức giao thông cũng có nhiều dấu hiệu bất ổn, xuất hiện nhiều nút "thắt cổ chai" do lượng phương tiện lưu thông từ đường rộng, thông thoáng chuyển sang đường nhỏ, hẹp hoặc đang thi công công trình... Điển hình như khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình), hầm vượt sông Sài Gòn (Q.1 và Q.2), khu vực cầu Kênh Xáng trên đường Dương Bá Trạc (Q.8). Theo ông Phong, có những khu vực không có đường nhánh phù hợp để điều tiết phương tiện vào giờ cao điểm, như đường Trường Sơn nối Q.Tân Bình với Q.Gò Vấp, đi ngang sân bay Tân Sơn Nhất dẫn đến kẹt xe, ùn tắc thường xuyên.
Ông Phong cũng thừa nhận nạn lấn chiếm lòng lề đường còn phổ biến, đặc biệt là tình trạng dừng, đậu xe trái phép cũng là nguyên nhân gây nên kẹt xe, mặc dù PC67 ra quân thường xuyên để xử phạt.
Sẽ cấm xe tải vào một số khu vực trung tâm
Tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường thừa nhận có tình trạng chưa đồng bộ về hạ tầng, tạo nên những điểm nghẽn giao thông, dẫn đến ùn tắc, xe cộ lưu thông khó khăn.
Đề xuất nhiều giải pháp giải quyết nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông, ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng nên kiên quyết không cấp phép xây dựng các cao ốc, công trình tập trung đông người trên một số trục đường, xử lý dứt điểm các bãi xe khách trung chuyển không phép, xóa bỏ tình trạng “bến cóc xe dù”. Theo ông Tường, TP.HCM cần sớm xây dựng và hoàn thành quy trình xử phạt nguội (qua camera, thiết bị giám sát hành trình...) nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của người tham gia giao thông.
Chủ trì hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận hạ tầng giao thông TP gần đây có chuyển biến, trong đó có việc hoàn thành nhiều công trình đường, cầu vượt ở các “điểm nóng”, nhưng tình trạng ùn tắc vẫn còn thường xuyên. “Các dự án giao thông đường bộ mở rộng ra vẫn không theo kịp số lượng phương tiện đang tăng cao, dân số hiện nay của TP.HCM cũng đã lên 13 triệu người. Chúng ta đi trên đường, dù không phải vào giờ cao điểm nhưng vẫn kẹt, vẫn ùn tắc thường xuyên”, ông Phong nói.
Trong những tháng còn lại của năm 2017, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành TP thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, Sở GTVT tiếp tục tính toán phân làn, phân luồng giao thông hợp lý; đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng (Q.1); đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông Sài Gòn từ Q.1 về Q.Thủ Đức, xem xét việc cấm ô tô tải nhỏ vào một số khu vực trung tâm TP.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng yêu cầu các sở ngành khẩn trương hoàn chỉnh đề án các phố đi bộ ở trung tâm TP; đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP...
Dẹp “loạn” vỉa hè chỉ đạt được kết quả bước đầu
Ông Nguyễn Thành Phong nhìn nhận công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại các quận, huyện “chỉ đạt được kết quả bước đầu”.
Ông Phong yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện tăng cường lập lại trật tự, không để tái lấn chiếm; truy trách nhiệm chủ tịch phường, xã ở đó xem có triển khai giải pháp gì không... “Mấy tháng trước tôi yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại nơi buôn bán hợp lý cho người dân liên quan đến vỉa hè, lòng đường, đến nay không biết các anh có làm không? Việc này tôi sẽ trực tiếp kiểm tra. Các anh không được giao cho phường, xã vì mỗi nơi làm một kiểu là không được”, ông Phong nói và nhấn mạnh: “Đảm bảo mỹ quan trên vỉa hè cũng phải tính đến làm sao cho người dân có điều kiện sinh sống tốt, chứ cũng đừng làm máy móc quá. Sự nỗ lực của chúng ta cuối cùng cũng để phục vụ người dân, nếu làm không khéo thì thành ra gây khó cho người dân”.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội của Q.1 cũng do ông Nguyễn Thành Phong chủ trì, Phó chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải cho rằng bộ mặt đô thị của trung tâm TP.HCM nhếch nhác như hiện nay là "không thể chấp nhận được". "Đoàn liên ngành do tôi dẫn đầu mấy tháng trời làm liên tục, họ không dám lấn chiếm, nhưng sau khi tạm dừng thì lại tràn ra chiếm hết vỉa hè”, ông Hải nói và đề nghị được toàn quyền xử lý sai phạm ở vỉa hè, xử lý cả cán bộ phường làm theo kiểu “cho có”. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cho rằng lãnh đạo Q.1 cần hội ý với nhau, làm sao để không có tình trạng tái chiếm.
Yêu cầu báo cáo nạn “hung thần” xe ben
Liên quan loạt bài Khiếp đảm “hung thần” xe ben đăng trên Thanh Niên, phản ánh nạn xe ben có dấu hiệu được “bảo kê”, thường xuyên chạy từng đoàn vào nội đô, vượt đèn đỏ gây mất an toàn giao thông, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản người đi đường, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định đó là chuyện không thể chấp nhận được. “UBND TP.HCM sẽ yêu cầu Công an TP báo cáo để chấn chỉnh ngay”, ông Phong nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.