TP.HCM gian nan chống ngập

29/11/2018 08:00 GMT+7

2 ngày sau cơn mưa lịch sử do ảnh hưởng của cơn bão số 9 khiến nhiều khu vực ở TP.HCM chìm trong biển nước, nhiều điểm trên địa bàn thành phố vẫn ngập nặng.

102 tuyến đường chìm trong biển nước
[FLYCAM] Sài Gòn từ trên cao trong trận ngập lịch sử vì bão số 9
Trận mưa lịch sử kéo dài từ 7 giờ ngày 25.11 đến rạng sáng ngày 26.11 do ảnh hưởng của cơn bão số 9 đã nhấn chìm toàn TP.HCM trong biển nước. Theo báo cáo của Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP(Trung tâm chống ngập), sau trận mưa lớn, trên địa bàn TP đã xảy ra ngập tại 102 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 10 - 70 cm. Nhưng thực tế kinh khủng hơn con số thống kê.
Mưa, ngập nước đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Mưa, ngập nước đường Đinh Bộ Lĩnh (Q.Bình Thạnh) ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT

[VIDEO] Người Sài Gòn nhớ đời với trận ngập thâu đêm suốt sáng vì bão số 9
Trong đêm 25.11, các quận 12, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh… hầu hết các tuyến đường đều ngập sâu tới cả mét như đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Phan Huy Ích, Huỳnh Tấn Phát… khiến giao thông toàn TP gần như tê liệt. Hàng loạt phương tiện xe máy, ô tô chết máy nằm la liệt giữa đường. Hình ảnh người dân bì bõm đẩy xe, té ngã chìm dưới biển nước; chật vật di chuyển đồ đạc; tát nước từ nhà... thật sự ám ảnh. Nghiêm trọng hơn, mưa lớn kèm gió mạnh còn khiến nhiều cây xanh bật gốc, đổ ngã đè làm tử vong người đi đường.
Không chỉ chậm, tình trạng ai lo làm việc người nấy, Sở Giao thông chăm chăm nâng đường, Sở Xây dựng chăm chăm cấp phép, Trung tâm chống ngập chạy theo sau xử lý đang làm biến dạng TP. Tất cả tuyến đường tại TP.HCM dần trở thành tuyến đê bao khổng lồ, tạo hàng trăm điểm trũng, thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến bão đã qua nhưng nhiều tuyến đường tại TP vẫn chưa thể hết ngập
TS Hồ Long Phi (Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM)

Đáng nói, 2 ngày sau khi cơn bão đi qua, dù không còn mưa nhưng nhiều tuyến đường nước vẫn ngập tới đầu gối khiến cuộc sống của người dân đảo lộn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (ngụ tại đường số 5, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức) cho biết: Nhà chị nằm ngay mặt đường, chịu ngập nặng tới gần nửa người vào đêm mưa lịch sử 25.11 nên hai vợ chồng phải đưa em bé 3 tuổi sang nhà bà ngoại ở gần đó trú tạm. Đến sáng ngày 27.11, nước vẫn còn tới đầu gối nên gia đình chị vẫn chưa thể về nhà.
“Toàn bộ đồ đạc trôi nổi lềnh bềnh trong nhà nhưng chưa thể dọn được. Mưa lớn, nước lên quá nhanh nên khi đi chỉ kịp cố dắt cái xe máy để chở em bé chứ không mang theo được gì. Hai vợ chồng vẫn phải nghỉ làm chờ nước rút để dọn dẹp lại. Hơn 10 năm sống tại TP.HCM, chưa bao giờ tôi chứng kiến trận ngập nào kinh khủng như thế này”, chị Huyền chưa hết hoang mang. Ám ảnh hơn cả có lẽ là hình ảnh hàng loạt xe hơi ngâm nước cả đêm vì tài xế chỉ còn cách lội bộ thoát thân khi phố bị biến thành sông.
Đại diện Trung tâm chống ngập cho biết đây là trận mưa lớn nhất trong lịch sử, chưa từng xảy ra tại TP.HCM về cả thời gian và lưu lượng. Lượng mưa lớn nhất đo được là 401 mm (trạm Tân Sơn Hồ), kết hợp cùng với đỉnh triều lên cao (đỉnh triều đo tại trạm Phú An vào lúc 16 giờ 30 ngày 25.11 là +1,29 m) trong khi tần suất thiết kế cống hiện nay, theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM, đến năm 2020 với tuyến cống cấp 3 là mưa 75,88 mm; tuyến cống cấp 2 là 85,36 mm; kênh, rạch chính cấp 1 là 95,91 mm trong 3 giờ; đỉnh triều thiết kế là +1,32 m, nên tình trạng ngập sâu là không thể tránh khỏi.
“Ngay tối 25.11, Trung tâm chống ngập đã huy động toàn bộ nhân lực gần 700 người, vận hành gần 30 máy bơm công suất lớn, cùng các đơn vị chức năng suốt đêm hỗ trợ vớt rác tại khắp các hố ga trên các tuyến đường bị ngập nhưng rõ ràng chỉ có thể hỗ trợ thoát nước một phần, không thể giải quyết được lập tức toàn bộ các tuyến đường”, vị này thừa nhận.
[VIDEO] Bão số 9 đổ bộ, đường phố TP.HCM khắp nơi ngập thành sông
Hơn 10 năm chống, ngập biến thành lụt
Hơn chục năm nay, dù TP.HCM đã tìm đủ phương án, đổ rất nhiều tiền vào hàng loạt dự án chống ngập nhưng tình trạng ngập lụt không giảm mà ngày càng nghiêm trọng. Chỉ một trận mưa nhỏ cũng khiến nhiều tuyến đường “thất thủ”.
Nhìn lại báo cáo tổng kết tình hình xóa giảm ngập năm 2018 của Trung tâm chống ngập, hầu hết các dự án, biện pháp đã thực hiện được đều thuộc công tác quản lý, duy tu, nạo vét các đường cống, miệng thu nước, một số đoạn kênh, rạch.
Nước nào cũng vậy, muốn chống ngập phải hoàn thiện cả 4 giải pháp: hoàn thiện hệ thống thoát nước; khép kín cống đê ngăn triều; bố trí đầy đủ trạm bơm và xây dựng hệ thống hồ điều tiết. Ước tính đến giờ, TP.HCM mới đi được khoảng 30% quãng đường, gần như mới chỉ giậm chân tại chỗ, muốn hết ngập ít nhất cũng phải chờ hơn 20 năm nữa.
TS Hồ Long Phi

Trong khi các dự án lớn, mang tính chất quyết định đang trong giai đoạn triển khai, chưa triển khai hoặc bất động. Đơn cử, dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh - “rốn ngập” của TP, sau thời gian dài chuẩn bị, dự kiến khởi công vào đầu tháng 11 nhưng vẫn chưa có động tĩnh. Loạt dự án hạn chế ngập nước do triều cường tại 13 tuyến đường (tăng 2 tuyến so với 2017) trên địa bàn toàn TP vẫn chưa được triển khai.
Cá biệt, dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” do Trung Nam Group làm chủ đầu tư, được kỳ vọng sẽ trở thành “vị cứu tinh” cho vùng diện tích 570 km² với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM, đang phải treo cẩu nằm chờ giải quyết loạt vướng mắc.
[VIDEO] Nửa đêm khổ sở vì đường phố thành biển nước do bão số 9
Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, khu vực trung tâm cần có 6.000 km cống các loại nhưng hiện nay hệ thống cống chỉ đạt gần 70%, tương đương 4.176 km. TP mới hoàn thành cơ bản 2 nhà máy xử lý nước thải trên tổng số 12 nhà máy theo quy hoạch, thực hiện được khoảng 64/149 km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn (cống Nhiêu Lộc - Thị Nghè), các hạng mục khác đang triển khai.
Theo Trung tâm chống ngập, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập của TP giai đoạn 2016 - 2020, cần kinh phí 73.379 tỉ đồng nhưng đến nay, tổng tất cả nguồn vốn bao gồm ngân sách TP, hỗ trợ từ T.Ư, cổ phần hóa... mới được 26.852 tỉ đồng, còn cần huy động 46.527 tỉ đồng.
TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết từ cách đây gần 20 năm, các chuyên gia tư vấn Nhật Bản cảnh báo và dự kiến TP.HCM phải cần tới 6 tỉ USD mới có thể giải quyết được tình trạng ngập. Sau này, TP bổ sung thêm một số hạng mục cống, đê bao chống triều cường nên con số này được đẩy lên 8 tỉ USD, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng.
Đường thành đê bao, biến Thành phố thành vùng trũng
Cũng theo TS Hồ Long Phi, tất cả nguyên nhân dẫn đến việc không có đủ kinh phí cho công tác chống ngập, tình trạng ngập kéo dài tại TP.HCM hiện nay đều do cơ chế. Đầu tiên, TP.HCM không có kế hoạch, phương án phòng chống ngập. Điều này được minh chứng rất rõ thông qua việc “thả cửa” cho bất động sản phát triển ồ ạt, các dự án lấn chiếm kênh rạch mọc lên không có quy hoạch, phát triển đô thị tràn lan tại các khu vực lẽ ra phải được giữ lại làm chỗ thoát nước.
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư cho việc chống ngập cũng không có kế hoạch, lộ trình cụ thể. TP không chủ động trong việc thu hút vốn vào các dự án chống ngập, làm theo kiểu giật gấu vá vai, mang từng dự án ra kêu gọi đầu tư một cách manh mún, không có kế hoạch, khiến việc chống ngập trở nên bị động, thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu vốn, trễ hẹn.
[VIDEO] Thợ sửa xe kiếm tiền triệu nhờ Sài Gòn ngập nặng sau bão số 9
Đặc biệt, sự phối hợp không đồng bộ giữa các cơ quan quản lý cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến TP.HCM chống mãi không hết ngập. Trong đó, Trung tâm chống ngập là đơn vị được giao phụ trách, xử lý ngập nước trên địa bàn TP nhưng lại không có chức năng quản lý nhà nước, không được chủ động xét duyệt các dự án. Mỗi dự án, riêng phần xét duyệt cũng mất ít nhất 6 tháng, có dự án lên tới 3 năm. Đến khi tổ chức triển khai, có tới 3 - 4 đơn vị cùng tham gia như Sở GTVT, Sở NN-PTNT... dẫn đến tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, khiến dự án càng chậm.
“Không chỉ chậm, tình trạng ai lo làm việc người nấy, Sở Giao thông chăm chăm nâng đường, Sở Xây dựng chăm chăm cấp phép, Trung tâm chống ngập chạy theo sau xử lý đang làm biến dạng TP. Tất cả tuyến đường tại TP.HCM dần trở thành tuyến đê bao khổng lồ, tạo hàng trăm điểm trũng, thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến bão đã qua nhưng nhiều tuyến đường tại TP vẫn chưa thể hết ngập”, vị này phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.