TP.HCM 'gánh' 2.300 tấn rác thải công cộng mỗi ngày

11/07/2018 13:51 GMT+7

Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết rác thải xả ra nơi công cộng ở TP.HCM là 2.300 tấn/ngày và hiện lượng rác sinh hoạt tăng 6%.

Ngày thứ 2 của kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa 9, các đại biểu (ĐB) thảo luận về việc xử lý rác thải tại TP.HCM và cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại.
ĐB Trần Thanh Trí (Q.12) cho rằng việc thu gom rác ở TP.HCM hiện nay chưa tốt, một số rác lớn như bàn ghế, nệm... tổ thu gom rác không chịu thu gom. Muốn được thu gom thì phải trả thêm tiền, vì vậy để tiết kiệm, người dân chờ đến khuya mang ra... sông đổ.
"Chuyện rác thải kỳ họp nào cũng bàn nhưng chính quyền không xử lý được. Tôi thấy rằng cơ chế xử lý không răn đe, tôi từng chứng kiến bắt quả tang đối tượng đi xe tải đổ 1,2 tấn rác ra sông nhưng chỉ phạt 500.000 đồng", ĐB Trí lo ngại.
ĐB Trí cũng cho rằng không nên dùng sức người để nạo vét, cần có sáng kiến kỹ thuật, dùng cơ giới đưa rác từ cống, sông lên vừa nhanh vừa tiện lợi. Ông Trí kiến nghị HĐND TP.HCM nên đề nghị xã hội hóa hoạt động này, cần đấu thầu, tổ chức cho tư nhân đứng ra thực hiện và để họ có chức năng xử phạt.
ĐB Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM, cho rằng luật xử phạt về môi trường có nhưng lực lượng hành chính không đủ để xử lý. Vì vậy, ĐB Quang đề nghị nên "xã hội hóa" lực lượng xử phạt, không cần tăng biên chế nhưng lực lượng tư nhân đứng ra thực hiện và xử phạt.
Giải đáp thắc mắc của các ĐB về vấn đề xử lý rác thải, ĐB Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, thừa nhận có trách nhiệm của Sở TN-MT, thực tế đã có chế tài xử lý nhưng cơ quan chức năng khó xử lý. 
Theo ĐB Thắng, hiện nay có tình trạng xe đẩy đi thu gom ở hộ gia đình ra điểm hẹn thì chỉ có các thùng nhỏ đi gom, nhưng thùng này di chuyển trên đường phố dễ gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là trách nhiệm của Sở TN-MT, Sở đang đề xuất thiết kế thùng đựng rác chia làm 2 ngăn để phân loại rác ở các hộ gia đình.
Hiện nay rác sinh hoạt gia tăng 6%, rác được thải ra nơi công cộng 2.300 tấn/ngày, nếu lượng rác thải này không được thu gom xử lý triệt để thì gây ô nhiễm khu công cộng, ngẹt nước, người dân bức xúc. Bên cạnh tuyên truyền thì phải xử lý nghiêm. Về chế tài, mức thấp nhất 500.000 đồng, cao nhất là 7 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trao đổi với đại biểu Ảnh: KHẢ HOÀ
Trả lời vấn đề các ĐB thảo luận, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh đã đến lúc xem lại công tác quản lý nhà nước và hành vi xả rác của người dân. Riêng vấn đề áp dụng công nghệ vào việc thu gom rác thải thì cần phải cân nhắc vì ảnh hưởng đến nguồn sống của công nhân thu gom rác.
TP.HCM bỏ ra 4.000 tỉ đồng/năm để xử lý rác và duy tu thoát nước
Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết một năm TP.HCM bỏ ra 1.132 tỉ cho công tác duy tu cho đơn vị là khối quận huyện là 600 tỉ đồng và trung tâm chống ngập gần 600 tỉ đồng để thực hiện công tác duy tu thoát nước. TP.HCM cũng bỏ ra 2.848 tỉ đồng cho công tác vận chuyển, xử lý rác ở quận huyện, trong đó kinh phí quét rác là 700 tỉ đồng, kinh phí vận chuyển rác là 553 tỉ đồng, kinh phí phân loại rác là 88 tỉ đồng, còn kinh phí cho khâu xử lý hơn 1.500 tỉ đồng. “Coi như 2 khoản xử lý rác và duy tu thoát nước thì một năm TP.HCM bỏ ra gần 4.000 tỉ đồng”, bà Thắng nói.
Đối với quỹ tiền lương, bà Thắng cho cho biết lương của công nhân Công ty thoát nước đô thị trung bình 9.900.000 đồng, hơn tí xíu mức 8.900.000 đồng của 50 doanh nghiệp mà Sở Tài chính khảo sát. Ngoài ra công nhân ở Công ty thoát nước được trang bị găng tay, bảo hộ che chắn từ chân đến ngang ngực từ 30 - 50.000/người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.