TP.HCM đề xuất mới để gỡ vướng chung cư cũ: Người trong cuộc băn khoăn

15/01/2021 08:45 GMT+7

Trước đề xuất mới của TP.HCM về việc chỉ cần 50% cư dân đồng ý là tháo dỡ chung cư cũ, nhiều cư dân không khỏi băn khoăn...

Liên quan vấn đề cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ nhằm đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn, UBND TP.HCM vừa có đề xuất mới: Đối với các chung cư cũ cần tháo dỡ để xây dựng mới theo kế hoạch do Nhà nước thực hiện chỉ cần 50% cư dân đồng ý thay vì phải toàn bộ cư dân như quy định hiện hành.
Trước đề xuất trên, nhiều cư dân sống ở một số chung cư cũ tại TP.HCM cảm thấy băn khoăn.

"Có còn được quay về"

Nhiều cư dân chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) tin rằng chung cư này "còn ở được trên chục năm nữa" vì nền móng chắc. Họ cũng cho biết "khoan tính chuyện bao nhiêu phần trăm đồng ý" mà lo lắng "trước hết việc tháo dỡ, di dời chung cư sẽ ảnh hưởng đến kế sinh nhai của rất nhiều thế hệ gia đình" khi chưa rõ việc bồi thường hay thống nhất thỏa thuận với chủ đầu tư.
Ông Đ.Đ.T (70 tuổi, cư dân chung cư Nguyễn Thiện Thuật) cho biết gia đình ông buôn bán ở đây đã 40 năm. “Quán bún bò của tôi đã mấy chục năm, nhờ giữ chân khách mà con cái mới ăn học đàng hoàng. Khách quen ở đây, mình dời đi sao được, ai mà biết được chung cư này cải tạo xong rồi tôi có được về đây ở nữa hay không?”, ông T. lo lắng. 

Nhiều cư dân chung cư Nguyễn Thiện Thuật (Q.3) băn khoăn chuyện sinh nhai của họ ra sao nếu chung cư bị tháo dỡ

Ảnh: Nhật Linh

Tương tự, ông Thành (60 tuổi, cư dân sống lô B tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật) cho biết toàn bộ thu nhập của gia đình ông đều nhờ vào kế sinh nhai ngay tại chung cư: “Tôi ở tầng trệt, nhận giữ xe trong nhà. Vợ tôi ở nhà nhận giữ trẻ để kiếm thêm thu nhập. Nhà tôi sống nhờ hết vào cái chung cư này”, ông Thành nói. Ông Thành nói thêm: “Cái chung cư này chắc lắm. Tới đời cháu tôi bảo đảm vẫn còn xài được mà” khi được hỏi về "tỷ lệ 50%".
Còn bà Hoa (50 tuổi), bán quán nước ở một góc chung cư Nguyễn Thiện Thuật, lo lắng bà không biết phải chuyển đi đâu để bán...
Câu chuyện ông T., ông Thành, bà Hoa... là câu chuyện của những người nhiều khả năng nằm trong "50% không đồng ý" nếu được hỏi về chuyện tháo dỡ chung cư cũ. Với họ, điều khúc mắc vẫn nằm ở chỗ "liệu cải tạo, xây mới, thay đổi thì mình có còn được quay về?".

"Không vấn đề gì?"

Liên quan đến đề xuất chỉ cần 50% cư dân đồng ý thay vì phải toàn bộ cư dân như quy định hiện hành để tiến hành tháo dỡ, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM, câu chuyện lại có thể... rất khác.
Khảo sát nhanh một số người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ, họ cho hay căn họ của họ "chỉ để dành cho thuê trọ" nên việc di dời hay bao nhiêu phần trăm đồng ý thì tháo dỡ, cũng không có vấn đề gì. Trên thực tế, tại nhiều chung cư cũ, chính chủ của nhiều căn hộ cũng đã... dọn ra ngoài sinh sống.
Thế nhưng, nhiều hộ dân tại chung cư Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) lại băn khoăn việc "chỉ cần 50%"...
Chị N.L.T.G, cư dân chung cư Thanh Đa, nêu ý kiến "ít nhất cũng từ 70 - 90% cư dân đồng ý chứ”. Còn anh M., cư dân chung cư Bùi Viện (Q.1), thắc mắc liên quan đến đề xuất này có phải quy định hết cho các loại chung cư kiểm định B, C, D không. “Riêng tại chung cư Bùi Viện, những khúc mắc về phương án di dời, bố trí tạm cư từ năm trước đến nay vẫn còn giậm chân tại chỗ...”, anh M. nói.

TP.HCM đề xuất nhiều giải pháp gỡ vướng cho chung cư cũ

UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Xây dựng một số đề xuất góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 101/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cũ nhằm đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, xây dựng mới các chung cư cũ trên địa bàn.
Theo đó, TP.HCM có hàng loạt chung cư xuống cấp chưa được tháo dỡ, xây dựng mới do gặp vướng mắc tỷ lệ cư dân đồng thuận, xử lý phần diện tích thuộc sở hữu nhà nước trong chung cư…
Để tháo gỡ vướng mắc này, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo 2 phương án áp dụng cho trường hợp nhà nước trực tiếp đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ hư hỏng nặng, nguy hiểm. Thứ nhất, quy định cụ thể chỉ thực hiện phương thức bồi thường, tái định cư bằng căn hộ. Thứ hai, vẫn quy định 2 phương thức bồi thường bằng tiền hoặc căn hộ, nhưng bổ sung thêm quy định nhà nước sẽ thực hiện cưỡng chế khi có từ 50% chủ sở hữu chấp thuận phương án; các chủ sở hữu bị cưỡng chế sẽ được bồi thường, hỗ trợ bằng tiền theo giá trị trung bình của các chủ sở hữu đã chấp thuận.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung vào dự thảo về tỷ lệ đồng thuận của các chủ sở hữu tại hội nghị nhà chung cư để lựa chọn chủ đầu tư đối với chung cư cấp C (nguy hiểm cục bộ) là 80%. Mặt khác, UBND TP.HCM cũng đề xuất phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có khả năng xảy ra khi thực hiện các dự án theo kế hoạch đã được phê duyệt như nhà nước tham gia hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời tiền sử dụng đất tính theo dự án nhà ở thương mại, chủ đầu tư không được miễn mà phải đóng 50% tiền sử dụng đất.
Sỹ Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.