TP.HCM: Cử tri bức xúc chuyện đại biểu Quốc hội 'vừa đá bóng vừa thổi còi'

03/12/2019 14:28 GMT+7

Cử tri mong muốn số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên 50% để tránh tình trạng đại biểu 'vừa đá bóng, vừa thổi còi'...

Sáng 3.12, tổ đại biểu đơn vị số 1 gồm ông Trần Lưu Quang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM; thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP.HCM và ông Lâm Đình Thắng, Phó bí thư Q.Bình Thạnh, tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4 sau kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Tăng đại biểu chuyên trách lên 50%

Hàng trăm cử tri đến hội trường Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Q.4 để tham dự buổi tiếp xúc cử tri. Cử tri Nguyễn Hữu Châu (Q.3) nêu thực tế hiện nay nhiều đại biểu Quốc hội đóng 2 vai, vừa vai chính quyền vừa vai đại biểu nên không có nhiều thời gian cho chuyên môn. Bên cạnh đó, nhiều bộ ngành không muốn tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. "Tôi đề nghị gia tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40 - 50%”, cử tri Châu nói.
Về vấn đề xây dựng trái phép, ông Châu cho rằng cần có hội nghị chuyên đề về đất đai trên phạm vi cả nước để lập lại trật tự trong lĩnh vực xây dựng. Đối với TP.HCM, các đại biểu giám sát để tăng cường hiệu lực, hiệu quả không để xảy ra tình trạng cán bộ không dám chịu trách nhiệm, không dám ký hồ sơ các dự án.

Cử tri Hoàng Thị Lợi (Q.1, TP.HCM) đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách

Ảnh: Sỹ Đông

Đồng tình, cử tri Hoàng Thị Lợi (Q.1) cũng đề nghị tăng đại biểu chuyên trách để giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm bởi cử tri cho rằng các đại biểu kiêm nhiệm không họp thường xuyên lại hay "bay đi bay về" giải quyết công việc làm tốn thời gian và chi phí của nhà nước.
Cử tri Lợi cũng đề nghị Ban Thường vụ Quốc hội nên đổi mới cách làm luật. "Quốc hội có thể thành lập các công ty luật cùng các chuyên gia có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm thực tế biên soạn luật chứ không nên giao cho các bộ ngành hoặc Chính phủ. Thời gian qua, nhiều luật hoặc nghị định do các bộ soạn thì có nhiều bất cập", cử tri Lợi cho biết.
Nhiều cử tri nêu thực tế mô hình chính quyền như hiện tại giống như hình tháp ngược, cán bộ cấp cao rất nhiều nhưng càng xuống dưới càng teo tóp. Điều này không phù hợp bởi các chính sách của nhà nước triển khai xuống dân đều thông qua chính quyền cơ sở. Với thực tế ở TP.HCM, không nên quy định máy móc cấp phường có bao nhiêu dân bởi ở khu vực trung tâm thành phố có những phường dân không đông nhưng lại có nhiều nhà hàng, khách sạn và cơ quan hành chính trọng yếu của chính phủ. Cán bộ ở các phường này phải làm rất nhiều việc so với các phường khác.

Cử tri Hoàng Thị Tuyết Mai (Q.4) bức xúc trước việc đường lưỡi bò có trên nhiều ấn phẩm, trang phục được công dân Trung Quốc mang sang Việt Nam

Ảnh: Sỹ Đông

Vấn đề chủ quyền quốc gia cũng được nhiều cử tri gửi đến tổ đại biểu Quốc hội bởi thời gian gần đây phía Trung Quốc sử dụng nhiều hình thức truyền bá đường lưỡi bò phi pháp. Cử tri Hoàng Thị Tuyết Mai (Q.4) dẫn chứng bộ phim Everest Người tuyết bé nhỏ được trình chiếu trong đó có bản đồ hình lưỡi bò gây ra sự phẫn nộ lớn nhưng chỉ bị phát hiện bởi khán giả.
"Có ngẫu nhiên không khi đường lưỡi bò xuất hiện trên đồ lưu niệm, trên mũ và ấn phẩm mà công dân Trung Quốc mang sang Việt Nam và các nước khác. Hàng loạt người nổi tiếng phát ngôn, công khai ủng hộ đường lưỡi bò và bây giờ là đưa lên phim ảnh trình chiếu khắp thế giới", cử tri Tuyết Mai đặt câu hỏi và bày tỏ sự bức xúc trước sự phản ứng lẻ tẻ, bị động của cơ quan chức năng.
Cử tri cho rằng Chính phủ cần có chiến lược nhất quán, tổng thể, khoa học và thuyết phục về chủ quyền trên các lĩnh vực để nâng cao nhận thức của người trẻ.

Tiếp tục kiến nghị mô hình chính quyền đô thị

Thay mặt tổ đại biểu giải đáp những câu hỏi của cử tri, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cảm ơn những ý kiến mang tính xây dựng của cử tri. Ông Quang đánh giá việc xây dựng pháp luật ở Việt Nam ngày càng tốt hơn, luôn điều chỉnh để luật ra sau tốt hơn luật trước.
Về chống tham nhũng, ông Quang cho rằng công tác chống tham nhũng hiện đang được tiến hành quyết liệt, nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý, tịch thu tài sản và bảo vệ người tố cáo. Riêng TP.HCM, Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật được đánh giá mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang trả lời các câu hỏi của cư tri

Ảnh: Sỹ Đông

Liên quan đến vụ việc truyền bá bản đồ có đường lưỡi bò vào Việt Nam, ông Trần Lưu Quang cho biết vừa rồi ở TP.HCM, Công ty lữ hành Saigontourist sử dụng một số ấn phẩm của đối tác ở Trung Quốc. Sau khi phát hiện, thành phố đã xử lý rất nghiêm.
"Vừa rồi, Thường trực thành ủy giao các sở ngành chuyên môn tính toán lại những việc đã xử lý xem đã đủ liều lượng chưa, để có những động thái thích hợp, tiếng nói mạnh mẽ về việc này", đại biểu Trần Lưu Quang thông tin tới cử tri.
Về mô hình chính quyền đô thị, ông Quang cho biết về nguyên tắc xây dựng pháp luật phải có tính phổ quát để áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế ở các thành phố lớn cũng đặt ra sự điều chỉnh pháp luật cho phù hợp. Như hai phường Bình Hưng Hòa A và Bình Hưng Hòa B (Q.Bình Tân) có dân số hơn 110.000 người tương đương với quy mô lớn hơn một số huyện ở tỉnh nhỏ. Dù vậy, tổ chức bộ máy cũng chỉ ở cấp phường, công an chưa tới 40 người trong khi công an huyện tỉnh khác thì khoảng 150 người. Trong khi đó, tình hình ở các phường phức tạp hơn, nhiều vấn đề phát sinh về an ninh trật tự.
"Nếu áp dụng vào chung cả nước thì không phù hợp mà cần có cái riêng mà cụ thể là chính quyền đô thị. Sở Nội vụ đang tham mưu để trình UBND TP.HCM có ý kiến với Quốc hội cho phép làm như Hà Nội", Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.