TP.HCM: Chợ tự phát nơi ngưng nơi 'nới'

21/06/2021 06:28 GMT+7

Theo Chỉ thị 10 , chợ tự phát tại TP.HCM tạm ngưng hoạt động; chợ truyền thống được hoạt động nhưng phải đảm bảo giãn cách, quy định 5K nhằm đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh…

Theo ghi nhận của Thanh Niên trong ngày đầu áp dụng Chỉ thị 10 tại nhiều địa bàn quận, huyện và TP.Thủ Đức (TP.HCM), việc hoạt động của chợ truyền thống được phường, xã kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, nhiều người buôn bán tự phát cho rằng họ khá lúng túng trước quy định mới.

Tiểu thương nổi cáu với cán bộ đi dẹp chợ tự phát phòng dịch Covid-19

Xung quanh chợ Thạch Đà (đường 59, P.14, Q.Gò Vấp), phường yêu cầu đóng cửa các điểm kinh doanh không cố định trên vỉa hè. Sau khi được nhắc nhở, một số tiểu thương chấp hành, dọn dẹp các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc áp dụng Chỉ thị 10 quá gấp khiến nhiều hàng hóa đã nhập về chưa kịp bán sẽ hư hỏng, gây thiệt hại. Anh Đỗ Duy Hòa, quê Thái Bình, nói: “Tôi mong muốn được bán hết hôm nay để đẩy hết số hàng đã nhập về rồi sẽ đóng cửa nghỉ. Đến khi tình hình dịch ổn định, chính quyền cho bán lại thì chúng tôi bán tiếp, nếu không thì vẫn nghỉ dài dài”.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chủ tịch UBND P.14 (Q.Gò Vấp), cho biết sau khi có Chỉ thị 10, lực lượng của phường phải căng sức để tuyên truyền nhắc nhở, thậm chí phải xử phạt một số trường hợp không chấp hành. Bên cạnh đó, phường cũng nhắc nhở người dân khi đi mua hàng không được mua của các điểm kinh doanh không cố định, lấn chiếm lòng lề đường.
Tại khu chợ Hiệp Bình (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức), mặc dù lực lượng chức năng đã treo thông báo để cảnh báo “khu vực có nguy cơ cao dịch bệnh Covid-19, yêu cầu người dân không tụ tập, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc”, tuy nhiên 2 bên đường Hiệp Bình, người dân vẫn tấp nập mua bán.
Có những sạp hàng tụ tập 5 - 7 người khách, không giữ khoảng cách an toàn. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, cho biết phường đã ra thông báo tạm dừng hoạt động chợ Hiệp Bình từ 12 giờ trưa 20.6. Cũng trong chiều 20.6, phường đã tiến hành rà soát tại các khu chợ tạm trên địa bàn phường để dừng các hoạt động buôn bán tại đây.

Miễn dịch cộng đồng là gì và vắc xin quan trọng ra sao trong đại dịch Covid-19?

Còn tại khu chợ tự phát trong con hẻm trên đường Chu Văn An, P.12, Q.Bình Thạnh, phần lớn sạp hàng bán ven đường đã được dọn dẹp, nghỉ bán. Tại đây, chỉ có những hộ kinh doanh các mặt hàng như thịt, cá… vẫn còn nán lại bán cho khách.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch UBND P.12, cho biết từ 4 giờ ngày 20.6 phường đã xuống chợ để vận động người dân tại đây tạm dừng việc kinh doanh, buôn bán phòng chống dịch Covid-19. Do một số hộ không biết thông tin tạm dừng chợ tự phát đã lấy hàng về bán, phía phường cũng cho các hộ này làm cam kết bán hết hàng trong ngày 20.6 và từ ngày 21.6 sẽ nghỉ bán.
Tương tự, theo quan sát của Thanh Niên, tại chợ tự phát trong con hẻm 285 Cách Mạng Tháng 8 (Q.10, TP.HCM) ngày thường rất nhộn nhịp nhưng nay vắng lặng hơn cả ngày tết. Một đoạn đường 17, P.Tân Quy (Q.7, TP.HCM) vốn luôn tràn ngập các loại xe bán hàng với đủ tiếng rao, tiếng loa ồn ào từ sáng sớm đến tận tối mịt thì nay cũng vắng lặng. Chỉ còn những điểm bán thực phẩm thiết yếu phía trong nhà mới được phép mở cửa.
Chị Hà chuyên bán rau ở chợ này cho hay ngay từ tờ mờ sáng, cán bộ phường và trật tự đô thị đã đi thông báo phải nghỉ bán và những người như chị vội vàng mong bán cho hết để nghỉ sớm. “Chỉ mong việc đóng cửa này không kéo dài nhiều ngày vì tụi tui còn phải kiếm sống. Giờ mấy ổng kêu nghỉ mình phải nghỉ thôi vì nếu không bị phạt nhiều tiền lắm”, chị Hà thở dài nói.

Sáng 21.6: TP.HCM thêm 33 ca Covid-19, ghi nhận tổng cộng 1.966 bệnh nhân

Quản chặt

Ngày 20.6, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, nhìn nhận một số chợ tự phát chưa được xử lý nghiêm nên vẫn còn tập trung đông đúc. Do đó, TP.HCM quyết định tập trung giải tán, chợ truyền thống cũng được siết chặt quy định phòng dịch hơn, chỉ có những tiểu thương đăng ký quầy, sạp, gian hàng mới được buôn bán.
Đối với chợ đầu mối, Sở Công thương yêu cầu tiểu thương phải ghi nhật ký bán hàng (bán cho ai, số điện thoại) để khi có tình huống phát sinh thì đẩy nhanh tốc độ truy vết.    
Sỹ Đông
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.