TP.HCM chịu trách nhiệm chọn công nghệ xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

17/07/2020 19:15 GMT+7

Bộ Xây dựng khẳng định người quyết định đầu tư là UBND TP.HCM và chủ đầu tư chịu trách nhiệm đối với quyết định lựa chọn công nghệ xử lý nước thải cho dự án vệ sinh môi trường TP.HCM.

Bộ Xây dựng vừa có ý kiến phản hồi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM về việc ứng dụng công nghệ xử lý nước thải MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) cho nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè thuộc gói thầu XL-02 dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM.
Theo đó, gói thầu XL-02 được Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu ngày 7.3.2019, đơn vị trúng thầu là liên danh Acciona Agua S.A.U (Tây Ban Nha) và Vinci Construction Grands projects (Pháp) với đề xuất công nghệ MBBR (Moving Bed Biofilm Reactor) cho nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè.
Bộ Xây dựng lưu ý chủ đầu tư và nhà thầu khi lựa chọn công nghệ áp dụng cho dự án cần tuân thủ các nguyên tắc theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 80/2014. Cụ thể, đảm bảo hiệu quả xử lý của công nghệ, tiết kiệm đất xây dựng, quản lý, vận hành và bảo dưỡng phù hợp với điều kiện của địa phương, chi phí đầu tư hợp lý, đảm bảo hoạt động ổn định khi có thay đổi bất thường về chất lượng nước đầu vào, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường cũng như đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Hệ thống thu gom nước thải dẫn về nhà máy xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn

Ảnh: Ngọc Dương

Cần lấy ý kiến nhà khoa học

Theo Bộ Xây dựng, công nghệ MBBR là mô hình công nghệ kết hợp giữa dây chuyền xử lý nước thải bằng phương pháp bùn hoạt tính truyền thống với các giá thể sinh học nhằm tăng hiệu suất phản ứng tại các bể phản ứng trong quá trình xử lý.
Do đó, chủ đầu tư và nhà thầu cần nghiên cứu, đánh giá và báo cáo UBND TP.HCM để xem xét, quyết định lựa chọn công nghệ áp dụng bảo đảm phù hợp với điều kiện của thành phố nhằm tối ưu hóa quá trình xử lý. Trong quá trình thiết kế, thẩm định, cần lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn của địa phương nhằm có thêm cơ sở để đánh giá công nghệ được lựa chọn.
Bộ Xây dựng khẳng định người quyết định đầu tư (UBND TP.HCM) và chủ đầu tư chịu trách nhiệm đối với quyết định lựa chọn công nghệ xử lý nước thải cho dự án.

Nước kênh Nhiều Lộc - Thị Nghè sẽ được xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn

Ảnh: Sỹ Đông

Về công tác thẩm định thiết kế cơ sở đối với gói thầu XL-02, Bộ Xây dựng viện dẫn điểm b, khoản 3, Điều 57 luật Xây dựng cho thấy thì công tác thẩm định thiết kế công nghệ của dự án thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP.HCM, còn công tác thẩm định thiết kế cơ sở của dự án thuộc trách nhiệm của Sở quản lý xây dựng chuyên ngành tại địa phương.
Trước đó, Báo Thanh Niên thông tin gói thầu XL-02 có giá trị 307 triệu USD được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị chọn liên danh Acciona - Vinci bỏ thầu hơn 240 triệu USD. Khi nộp hồ sơ, Acciona - Vinci đề xuất sử dụng công nghệ sinh học để vượt qua vòng sơ tuyển. Nhưng trong quá trình dự thầu, liên danh này lại đề xuất thay đổi sang công nghệ xử lý nước thải MBBR.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.