TP.HCM cần khoảng 970.000 tỉ đồng đầu tư giao thông

13/10/2020 14:53 GMT+7

Trong giai đoạn 2020 - 2030 TP.HCM ước tính cần khoảng 970.000 tỉ đồng, riêng năm 2021 cần khoảng hơn 32.000 tỉ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông cấp bách, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc, kẹt xe...

Ngày 13.10, Sở GTVT TP.HCM cho biết vừa có văn bản đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận nghiên cứu chủ trương đầu tư 55 dự án về hạ tầng giao thông ngay trong năm 2021, trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương kế hoạch trung hạn 2021 - 2025. Để đầu tư các dự án này, Sở GTVT đề xuất cân đối từ ngân sách TP.HCM khoảng 81.750 tỉ đồng và 68.613 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa qua hình thức đối tác công tư và nguồn vốn khác; trước mắt trong năm 2021 cần 32.878 tỉ đồng.

Ưu tiên các dự án cấp bách

Theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM về danh mục dự án cần cấp bách thông qua chủ trương đầu tư, có các dự án khép kín đường vành đai 2 có tổng mức đầu tư gần 23.800 tỉ đồng, gồm 2 đoạn phía Đông - đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà nội dài khoảng 3,6 km; đoạn 2 từ xa lộ Hà nội đến đường Phạm Văn Đồng dài khoảng 2,5 km, gồm 2 nút giao hoàn chỉnh (nút giao Bình Thái và nút giao với đường Phạm Văn Đồng) và đoạn 4 ở phía Tây, từ Quốc lộ 1 theo đường Hồ Ngọc Lãm, vượt sông Phú Định và kết nối đến đường Nguyễn Văn Linh, dài khoảng 5,3 km.

Hệ thống đường vành đai, các trục giao thông kết nối vùng đô thị TP.HCM

ẢNH: NGUYÊN VŨ

Ngoài ra còn có các dự án giao thông kết nối vùng để phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của TP.HCM trong vùng đô thị TP.HCM cũng đã được đề xuất đồng bộ.
Theo đó, các dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành và xa lộ Hà Nội (phía Đông) và cao tốc TP.HCM - Trung Lương (phía Tây) đã được đưa vào khai thác, TP.HCM sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; cải tạo mở rộng các trục giao thông hướng tâm gồm Quốc lộ 13 (kết nối với Bình Dương, Bình Phước, Tây Nguyên), Quốc lộ 22 (kết nối với Tây Ninh, Campuchia), Quốc lộ 1 và Quốc lộ 50 (kết nối với các tỉnh miền Tây Nam bộ); xây dựng nút giao An Phú (Q.2), đường song hành Phan Văn Hớn, song hành Quốc lộ 50 với tổng chi phí đầu tư khoảng hơn 40.000 tỉ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa của toàn vùng Nam Bộ đi các vùng, miền khác trong nước và xuất khẩu ra khu vực quốc tế.
Trong khu vực nội đô, Sở GTVT TP.HCM cho biết tiếp tục đầu tư các công trình trọng điểm kết nối các khu vực như dự án cầu đường Nguyễn Khoái (Q.4), cải tạo mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây dựng nút giao Đài Liệt sĩ (Q.Bình Thạnh), đường Lê Văn Khương (Q.12), xây dựng các cầu Thủ Thiêm 4 (nối Q.2 với Q.7), cầu Cần Giờ (nối Nhà Bè với Cần Giờ); đồng thời nâng cấp, mở rộng một số cây cầu yếu, đầu tư cho hệ thống giao thông thủy...

Cầu Cần Giờ dự kiến được đầu tư giai đoạn 2021 - 2025

ẢNH: NGUYÊN VŨ

“Điểm nóng” Cát Lái, Tân Sơn Nhất sẽ giải quyết ra sao?

Đối với 2 “điểm nóng” tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) và cảng Cát Lái (Q.2), theo Sở GTVT TP.HCM, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công, cần hơn 1.670 tỉ đồng để nâng cấp mở rộng đường Thân Nhân Trung (Q.Tân Bình), mở rộng đường Trường Chinh từ Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình), xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu (Q.9).
Đặc biệt, trong kế hoạch đề xuất của Sở GTVT TP.HCM, 2 tuyến đường trên cao số 1 (từ Cộng Hòa - Lăng Cha Cả - Điện Biên Phủ - cầu Thủ Thiêm 1) dài khoảng 9,5 km và tuyến trên cao số 5 (từ Trạm 2 đi theo Quốc lộ 1 đến An Sương) dài khoảng 21,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 32.900 tỉ đồng đã được đưa vào danh mục lập đề xuất chủ trương đầu tư với kỳ vọng là công trình giao thông đột phá, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông theo hướng Bắc - Nam và dọc hành lang đường Quốc lộ 1 phía bắc của TP.HCM.

Cảnh ùn tắc giao thông ở TP.HCM

Ảnh: NGỌC DƯƠNG

Ngày 13.10, trả lời PV Thanh Niên, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030” (gọi tắt là đề án) đã được Sở GTVT chủ trì thực hiện, hoàn thiện trong tháng 9.2020.
Đề án này đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương thực hiện và thống nhất về nguyên tắc các nội dung cơ bản để trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM, nhằm tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án có tính chiến lược, quan trọng, cấp bách...
Ông Trần Quang Lâm cho biết đề án ước tính cần khoảng 970.000 tỉ đồng, trong đó 49% từ nguồn vốn ngân sách, còn lại từ nguồn vốn Trung ương, ODA, xã hội hóa.
Về nguồn lực đầu tư, ông Trần Quang Lâm cho biết trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp nên TP.HCM sẽ cần tập trung xây dựng các cơ chế chính sách để huy động đa dạng các nguồn vốn đầu tư.
Cụ thể, các dự án áp dụng công nghệ, kỹ thuật cao như đường sắt sẽ sử dụng nguồn vốn ODA; các dự án có đủ điều kiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư thì áp dụng loại hợp đồng BOT như đường trên cao, đường song hành Quốc lộ 50, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái... Các dự án lớn, kết nối liên vùng như vành đai 3 và vành đai 4 đề xuất Bộ GTVT sớm triển khai từ nguồn vốn Trung ương...
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh thu hút nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư, kiến nghị Chính phủ hướng dẫn chi tiết luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.