TP.HCM: Bệnh viện tư gồng mình điều trị Covid-19

Duy Tính
Duy Tính
29/08/2021 14:28 GMT+7

Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép cơ sở y tế tư nhân điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng.

Điều trị bệnh Covid-19 hiện theo nguyên tắc Nhà nước chi trả, những bệnh khác kèm theo do Bảo hiểm y tế chi trả. Nhưng hiện nay các cơ sở y tế tư nhân tự xoay xở để tồn tại như thu viện phí từ bệnh nhân, vận động bệnh nhân đóng góp, hoặc “gồng mình” điều trị miễn phí cho bệnh nhân...

Chịu búa rìu dư luận, lấy "giá vốn" để cứu bệnh nhân

TP.HCM hiện có 7 bệnh viện tư tham gia điều trị Covid-19, gồm: Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện FV, Bệnh viện quốc tế City và Bệnh viện Gia An 115.
“Trong đợt dịch này, nếu bệnh viện đóng cửa thì “nhục” lắm, phải mở cửa đồng hành cùng ngành y tế cứu bệnh nhân và chấp nhận búa rìu dư luận. Bệnh viện tư điều trị Covid-19 sẽ bị áp lực về tài chính, áp lực từ dư luận và áp lực từ quá tải bệnh nhân”, ông Đặng Văn Thanh, Tổng giám đốc Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn mở đầu câu chuyện.
Theo ông Thanh, hầu hết cơ sở y tế tư nhân mở ra đều phải vay vốn, có khi vay đến 50 - 70%, Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn cũng vậy. Nhưng trong điều trị Covid-19, đến nay bệnh viện cũng chưa nhận đồng nào từ Nhà nước hay quỹ bảo hiểm. Trong khi đó, lãi vay ngân hàng không hề giảm, phí thuốc men, vật tư, lương y bác sĩ… thì phải trả. Đó là điều bất cập.

Một bệnh nhân Covid-19 nằm ICU hàng tháng thì viện phí có thể lên đến cả tỉ đồng

BVCC

“Bệnh viện đang có hơn 160 bệnh nhân Covid-19, trừ những bệnh nhân hồi sức cấp cứu thì phải lo cho bệnh nhân ăn ngày 3 bữa, thuốc men, chăm sóc đầy đủ. Hơn 300 người, trong đó có 50 bác sĩ, 170 điều dưỡng, kỹ thuật viên lo điều trị, chăm sóc cho những người đó. Vậy lấy tiền ở đâu để mua thuốc điều trị, lương nhân viên...”, ông Thanh đặt vấn đề.
Ông Thanh tính, một bệnh nhân mắc Covid-19 bình thường thì mỗi ngày tốn chừng 6 - 10 triệu đồng; còn bệnh nhân phải vào điều trị chăm sóc tích cực (ICU) thì tiêu tốn từ 25 - 40 triệu đồng/ngày, có bệnh nhân nằm cả tháng. Đó là bao gồm các khoản tiền giường, thuốc men (có loại thuốc hơn 10 triệu đồng/mũi), chăm sóc… Số tiền cao - thấp tùy vào tình trạng bệnh nhân. Với bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc trong ICU thì bệnh viện phải bồi dưỡng thêm tiền.
Nhưng quy định không cho y tế tư thu phí từ bệnh nhân Covid-19. Nếu thu thì bệnh nhân sẽ không chịu nổi vì viện phí rất cao.
“Tiền không có, bệnh viện phải vận động các nhà hảo tâm, bệnh nhân có điều kiện đóng góp theo “giá vốn” mà bệnh nhân được điều trị, có nghĩa là thuốc men thì xem như bệnh viện đi mua giúp bệnh nhân. Có bệnh nhân đóng góp cao hơn, có bệnh nhân nghèo thì miễn phí”, ông Thanh nói và cho biết thêm, 1 tháng qua bệnh viện lỗ hơn 10 tỉ đồng, nếu bệnh nhân không ủng hộ thì bệnh viện mất 30 tỉ đồng, nhưng đành phải chấp nhận. Hiện nay đóng góp của bệnh nhân là chỉ để bệnh viện tồn tại chứ không ai lấy lời trên bệnh nhân Covid-19.
“Huy động được đồng nào hay đồng đó để cứu bệnh nhân chứ chi phí chi ra là không đủ”, ông Thanh nói.
Cũng theo thông Thanh, bệnh viện tư mở ra để cùng y tế công điều trị Covid-19. Những người mắc bệnh có điều kiện cũng chạy vào y tế công thì sẽ mất chỗ cho người nghèo, thay vào đó họ có thể ra y tế tư và trả tiền trị bệnh, để dành chỗ ở bệnh viện công cho người nghèo và ngân sách chi trả. Nói như vậy không có nghĩa bệnh viện tư không nhận người nghèo, vẫn tiếp nhận và điều trị miễn phí. Nếu tạo điều kiện cho y tế tư thì sẽ chia sẻ rất nhiều cho y tế công và sẽ hạn chế quá tải.

TP.HCM: 102.598 bệnh nhân hồi phục, hơn 5,8 triệu người đã tiêm vắc xin Covid-19

Nếu mắc Covid-19 nặng, viện phí có thể lên đến cả tỉ đồng

Theo đại diện Bệnh viện FV, hiện bệnh viện có 5 giường hồi sức và 60 giường điều trị Covid-19.
“Covid-19 cũng là một loại bệnh truyền nhiễm, bệnh viện điều trị như thế nào thì thu giá thế ấy, cũng như các loại bệnh khác, nhưng riêng Covid-19 thì thu thêm phí cách ly. Một số bảo hiểm có thanh toán cho điều trị Covid-19, một số bảo hiểm thì không”, vị này nói.
Ngoài ra, bệnh nhẹ thì nằm phòng thông thường, còn bệnh nặng thì phải nằm ICU và mỗi loại phòng – giường, bác sĩ thăm khám, điều dưỡng chăm sóc… đều có giá khác nhau và tùy tình trạng người bệnh.
ICU cho bệnh nhân bình thường thì có giá 15 - 20 triệu/ngày, còn với bệnh nhân Covid-19 sẽ cao hơn vì sử dụng máy thở, xét nghiệm, dịch vụ đi kèm máy móc, thiết bị… nên có thể lên đến 40 - 50 triệu đồng/ngày. Có bệnh nhân nặng chi phí ICU lên đến 1 tỉ đồng/đợt điều trị, thậm chí là vài tỉ đồng. Nếu không thu tiền bệnh nhân, lấy gì bệnh viện hoạt động?
“Liên quan đến Covid-19, bệnh viện chưa nhận được hỗ trợ gì ngoài việc thu của bệnh nhân”, đại diện Bệnh viện FV nói. Vị này cho biết thêm, tại Bệnh viện FV, nhiều người nước ngoài cơ nhỡ, không có tiền thì bệnh viện vẫn nhận điều trị miễn phí.
Viện phí điều trị bệnh nhân Covid-19 rất cao
Có thể người trả viện phí điều trị Covid-19 đến thời điểm này cao nhất là bệnh nhân 91 - phi công người Anh. Chi phí điều trị cho phi công người Anh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từ 18.3 - 22.5.2020 là khoảng 3,5 tỉ đồng, tại Bệnh viện Chợ Rẫy trên 1 tỉ đồng (thời gian điều trị từ 22.5 - 26.6.2020). Số tiền này do công ty bảo hiểm của bệnh nhân 91 chi trả.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nếu 1 bệnh nhân Covid-19 nặng nằm tại khoa ICU người lớn trong1 tháng thì tổng viện phí điều trị có thể hơn 1 tỉ đồng.
Một lãnh đạo Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM) cũng cho biết, hiện bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 với 150 giường bệnh, 34 giường hồi sức.
“Bệnh viện không thu tiền bệnh nhân nhưng chưa nhận được tiền từ Nhà nước và bệnh viện đã tự ứng trước. Vì vậy, nên cho thu tiền những người có điều kiện để bệnh viện có nguồn kinh phí tồn tại”, vị này nói và cho biết thêm: "Các chi phí cho bệnh nhân Covid-19 đắt đỏ, ngoài thuốc men thì còn dụng cụ, đồ bảo hộ… rất tốn kém. Nhân viên chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nếu không tăng thu nhập cho họ thì nguy cơ họ bỏ việc là rất lớn. Thôi thì nắm chắc phần lỗ trong tay”, vị này nói.
Kiến nghị cho phép bệnh nhân và bệnh viện tư thỏa thuận chi phí bù bắp
UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế và Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận cho phép cơ sở y tế tư nhân điều trị bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ tương ứng.
Trong trường hợp ngân sách nhà nước đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi trả cho các bệnh viện tư nhân.
Trước mắt, trong thời gian chờ ý kiến của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, TP.HCM sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm; chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
Đối với phần ngân sách nhà nước bảo đảm, trước mắt thanh toán cho các cơ sở y tế tư nhân chi phí điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư số 13/2019 và Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế.
Đối với các nội dung chưa được kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nêu trên thì thanh toán theo chi phí thực tế phát sinh nhưng đảm bảo định mức chi và mức giá thanh toán tương đương với mức thực hiện của các cơ sở y tế công lập.
Riêng phần chênh lệch giữa chi phí ngân sách thanh toán và chi phí thực tế phát sinh thì các cơ sở y tế tư nhân cân đối thực hiện, bao gồm cả việc cho phép cơ sở y tế tư nhân thỏa thuận với bệnh nhân để bù đắp chi phí. Trong trường hợp bệnh nhân Covid-19 cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí điều trị thì thực hiện theo cam kết để trang trải chi phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.