TP.HCM 'ai ở đâu, ở yên đó': Ngày thứ hai vắng vẻ

Bích Ngân
Bích Ngân
24/08/2021 11:08 GMT+7

Từ 0 giờ 23.8 đến hết ngày 6.9, TP.HCM siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 , 'ai ở đâu ở yên đó'. Ngày thứ hai thực hiện nghiêm quy định này, đường phố ở TP vắng bóng người qua lại.

Hôm nay (24.8) là ngày thứ hai TP.HCM siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, "ai ở đâu ở yên đó” đến hết ngày 6.9.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, khoảng 7 giờ ngày 24.8 tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 36 Phan Đăng Lưu, Q.Phú Nhuận, có đông lực lượng để thực hiện siết chặt giãn cách xã hội, gồm: CSGT, quân đội, Công an phường...

Người dân chấp hành quy định mang giấy đi đường do cơ quan chức năng cấp

Ảnh: Bích Ngân

Trong khoảng thời gian từ 7 giờ - 8 giờ 30 phút, lượng phương tiện đổ về đây thưa thớt. Theo quan sát của chúng tôi, người dân lưu thông qua đây chủ yếu là: cán bộ, nhân viên y tế; lực lượng vũ trang; nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm; người dân đi tiêm vắc xin; nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phẩm)... Đa phần các trường hợp này đều mang theo giấy ra đường  theo đúng mẫu quy định của UBND TP.HCM và được cho qua nhanh chóng.

Đường sá TP.HCM vắng tanh ngày đầu “ai ở đâu ở yên đó” chống Covid-19

Trường hợp người dân đi tiêm vắc xin thì cán bộ yêu cầu xuất trình giấy hẹn của UBND phường, xã, CMND/CCCD thì được cho đi nhanh chóng.

Quân đội phối hợp Công an và các lực lượng chuyên môn khác kiểm tra giấy ra đường nghiêm ngặt

Ảnh: Bích Ngân

Khoảng 7 giờ 15 phút, anh Q.T.T. (ngụ Q.1) là nhân viên giao hàng của đơn vị phân phối lương thực, thực phẩm đến chốt xuất trình giấy xét nghiệm âm tính xin qua. Qua kiểm tra, công an nhận thấy giấy xét nghiệm có dấu sửa chỗ hạn sử dụng nên yêu cầu anh T. vô làm việc với cán bộ UBND phường.
Cán bộ UBND phường mới giải thích cho anh T. quy định mới của UBND TP.HCM là 
nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong khu chế xuất, khu công nghiệp phải có giấy ra đường do Sở Công thương cấp. Anh T. lúc này mới vội lấy giấy ra đường do Sở Công thương cấp xuất trình. Do anh T. có giấy ra đường đúng quy định nên cán bộ tại chốt cho anh T. tiếp tục lưu thông.

Người dân chấp hành quy định mang theo giấy ra đường do TP cấp

Ảnh: Bích Ngân

Cùng lúc này, nam thanh niên (ngụ Q.Gò Vấp) trên người đang mặc đồng phục nhân viên một siêu thị cũng được công an mời vào làm việc vì xuất trình giấy ra đường do công ty, xí nghiệp cấp nhưng đã hết hạn. Nam thanh niên giải thích: "Hôm nay em lên công ty em lấy giấy mới. Mấy anh coi công văn của công ty giùm em chứ em không biết làm sao". 
"Vì em không biết nên cứ vào chỗ xếp hàng, giữa khoảng cách đi rồi cán bộ sẽ giải thích cho em hiểu", cán bộ trực chốt nói. Khi nam thanh niên này vào làm việc thì có cung cấp thêm giấy ra đường đúng mẫu quy định nhưng không có dấu mộc của cơ quan cấp giấy. Sau khi xem xét, cán bộ UBND phường chỉ nhắc nhở và cho nam thanh niên này tiếp tục lưu thông
Cũng trong khoảng thời gian từ 7 - 8 giờ 30 có chừng chục trường hợp được cán bộ yêu cầu vào làm việc, giải thích cặn kẽ rồi cho đi. Tuy nhiên cũng có một trường hợp ra đường không mang theo giấy đi đường nên bị lập biên bản.

Lực lượng trực chốt kiểm tra giấy tờ đi đường của người lưu thông và nhanh chóng cho những người có giấy tờ hợp lệ đi 

Ảnh: Bích Ngân

Một cán bộ trực tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 này cho biết, hôm nay là ngày thứ hai thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt người dân ra đường, do đó lượng người dân ra đường có giảm so với ngày đầu. Bên cạnh việc lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, cán bộ chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền để người dân kịp thời nắm bắt.
Cùng ngày, theo ghi nhận của chúng tôi tại đường Điện Biên Phủ (Q.3) lúc 6 giờ 45 phút cũng vắng người qua lại, chủ yếu là xe cấp cứu, xe lực lượng tuần tra, kiểm soát.

Bất ngờ vì thấy bộ đội vào tận hẻm trao túi an sinh tới người dân TP.HCM

Như Thanh Niên đã thông tin, từ ngày 23.8, nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM trước ngày 15.9, các quận, huyện và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngày 22.8, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã có hướng dẫn triển khai thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 23.8 đến ngày 6.9. Cụ thể, TP.HCM yêu cầu thực hiện nghiêm nhà cách ly nhà; tổ dân phố/tổ nhân dân cách ly tổ dân phố/tổ nhân dân; khu phố/ấp cách ly khu phố/ấp; phường, xã, thị trấn cách ly phường, xã, thị trấn để phòng, chống dịch Covid-19.
Ban chỉ đạo giao Công an TP.HCM phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM và UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức tại các chốt kiểm soát bắt đầu tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Những trường hợp ra đường phải có giấy đi đường, dấu hiệu nhận diện, riêng công chức thì mặc đồng phục theo hướng dẫn của thành phố.
Người dân TP.HCM được yêu cầu ở yên trong nhà, các tổ hậu cần địa phương, tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố...), công an, quân đội sẽ "đi chợ hộ" người dân 1 lần/tuần, phân phối trực tiếp đến người dân (hộ dân trả tiền)...
Cũng trong ngày 22.8, UBND TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị 11 về tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Cụ thể, “xây dựng mỗi phường, xã, thị trấn; mỗi cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài phòng, chống dịch”, người dân là “chiến sĩ” trong phòng, chống dịch để yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu thì ở đó”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.