TP.HCM: 10 quận, huyện chưa kéo giảm tỷ lệ vi phạm xây dựng như kế hoạch

13/08/2020 14:51 GMT+7

Trong đợt 2 phong trào thi đua 200 ngày ở TP.HCM, có 10 quận, huyện chưa kéo giảm số tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng như kế hoạch đề ra.

Sáng 13.8, TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết phong trào thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các quận, huyện và Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cho biết về nội dung thực hiện Chỉ thị số 23/2019 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng là một nội dung quan trọng, TP.HCM đặt mục tiêu đợt 2 đạt 65% kế hoạch đề ra.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, tính đến ngày 15.7, tổng số công trình vi phạm trật tự xây dựng là 451 công trình, bình quân 2,1 vụ/ngày. So với 6 tháng đầu năm 2019 là 8,5 vụ/ngày thì bình quân số vụ vi phạm của 7 tháng đầu năm 2020 giảm 6,4 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 74,7%. Trong đó, 3 địa phương có tỷ lệ giảm vi phạm xây dựng không phép, sai phép cao là Q.12 (82,6%), Q.Thủ Đức (75%) và Q.9 (74%).
Dù vậy, có 10 quận, huyện không đạt chỉ tiêu giảm 65% tỷ lệ vi phạm xây dựng không phép, sai phép gồm các quận: 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và 3 huyện: Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trong buổi khảo sát tình hình vi phạm trật tự xây dựng ở H.Bình Chánh hồi tháng 5.2020.

Ảnh: Nguyên Vũ

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá cao hướng dẫn xây dựng nhà ở của Sở Xây dựng ban hành vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân xây nhà hợp pháp.
Ông Nhân cũng đề nghị các quận, huyện tiếp tục kiểm tra, xử lý công trình vi phạm, đảm bảo đến thời điểm kết thúc đợt thi đua 200 ngày (ngày 23. 9) đạt 80 - 85% kế hoạch đề ra. Riêng 10 quận chưa đạt kế hoạch đợt 2 thì đến ngày 23.9 đảm bảo 75% theo tiến độ chung của TP.HCM đề ra.

'Cảm ơn chiến sĩ áo trắng'

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thông tin trong số 10 ca nhiễm mới được phát hiện thì 8 ca nhiễm có yếu tố dịch tễ liên quan đến Đà Nẵng và 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay khi đến thành phố, chưa phát hiện ca lây lan trong cộng đồng và không có trường hợp tử vong, không có nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo.
Việc duy trì con số “không có trường hợp tử vong” trở nên cực kỳ quan trọng đối với công tác phòng chống dịch của thành phố.

Nhân viên y tế Q.Bình Thạnh hướng dẫn người dân khai báo y tế.

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Thay mặt lãnh đạo TP.HCM, ông Phong ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cống hiến lớn lao, thầm lặng, tận tâm hết mình trong cuộc chiến phòng chống dịch của những chiến sĩ áo trắng. Đồng thời, cảm ơn người nhà, gia đình của những thầy thuốc và cán bộ ngành y tế đã thông cảm, đồng hành và chia sẻ những khó khăn, thách thức, luôn là hậu phương vững chắc để các chiến sỹ áo trắng có thể yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Phong cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến đông đảo người dân thành phố đã luôn đồng hành cùng chính quyền trong cuộc chiến nhiều gam go và chưa xác định ngày kết thúc.
Về kinh tế, mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, TP.HCM bước vào trạng thái bình thường mới nhưng tình hình dịch bệnh ở một số địa phương khác có những diễn biến phức tạp đã tác động không nhỏ đến kinh tế TP.HCM. Từ ngày 1.5 đến ngày 31.7, hơn 12.000 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, kéo theo hàng chục ngàn người lao động mất việc làm, tác động nặng nề đến tăng trưởng kinh tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.