Tổng thư ký Quốc hội: 'Lần sau chúng tôi sẽ không cho đi nhờ chuyên cơ nữa'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
18/10/2019 16:45 GMT+7

Việc 9 người đi nhờ chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn tại Hàn Quốc hồi năm 2018 là vấn đề được báo chí đặt ra tại họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV chiều 18.10.

"Đến giờ tôi cũng không biết 9 người bỏ trốn là ai"

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về các giải pháp rút kinh nghiệm việc 9 người đi theo chuyên cơ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ trốn tại Hàn Quốc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, 9 người bỏ trốn tại Hàn Quốc không phải đi cùng đoàn mà đi theo một diễn đàn kinh tế thương mại riêng do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức. "Vì thế, tôi không dùng từ đi cùng mà nói là đi nhờ chuyên cơ", ông Phúc nói.
Theo ông Phúc, đây không phải là lần đầu tiên có chuyện đi nhờ. "Các đoàn trước nay đều thế cả", ông Phúc thông tin.
Ông Phúc giải thích, trong quá trình chuẩn bị đoàn của Chủ tịch Quốc hội thăm Hàn Quốc, Bộ Kế hoạch - Đầu tư lập danh sách đoàn tham gia diễn đàn. "Đây là việc chỗ Bộ Kế hoạch - Đầu tư, họ lập danh sách, gửi cho Bộ Công an thẩm định nhân thân từng người một, lập danh sách rồi đề nghị Văn phòng Quốc hội cho đi nhờ chuyên cơ", ông Phúc nói.
Tổng thư ký Quốc hội cũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Văn phòng Quốc hội đã kiên quyết gửi văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Công an trục xuất đối tượng đang bỏ trốn tại Hàn Quốc về Việt Nam.
"Phía Hàn Quốc cũng phối hợp rất tốt trong xử lý vấn đề này", ông Phúc thông tin.
Theo ông Phúc, cơ quan nhà nước muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi nước ngoài, tiếp xúc để tìm kiếm cơ hội làm ăn nhưng lợi dụng việc này thì không tốt chút nào.
"Vậy biện pháp nào để xử lý. Chúng tôi lần sau không cho đi nhờ nữa là tối ưu nhất. Diễn đàn riêng thì tự đi thôi, để tránh hiểu sai việc đó", ông Phúc nói và khẳng định 9 người bỏ trốn sử dụng visa do Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với một công ty du lịch để làm thị thực chứ không sử dụng hộ chiếu ngoại giao.
Liên quan tới việc vì sao chưa công bố danh tính 9 người đi cùng đoàn Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn tại Hàn Quốc, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn cho biết, đến giờ ông cũng không biết vì Bộ Kế hoạch - Đầu tư quản lý và đến giờ Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang cầm hộ chiếu của 9 người này.

Đại biểu xin nghỉ thì Quốc hội cho nghỉ, đó là lẽ thường tình

Cũng tại họp báo, nhiều phóng viên quan tâm việc thời quan qua có một số đại biểu Quốc hội sau khi bị kỷ luật Đảng thì đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ vì lý do sức khỏe khiến cử tri và dư luận không đồng tình.
"Bao giờ thì người dân được thực hiện quyền bãi nhiệm đối với các đại biểu", phóng viên đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vừa rồi có một số trường hợp đại biểu bị nhiễm vì 2 lý do là kỷ luật Đảng và vì lý do sức khỏe.
"Trong luật quy định khi đại biểu Quốc hội có đơn nghỉ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Đại biểu có đơn xin nghỉ thì Quốc hội cho nghỉ thôi. Đó cũng là lẽ thường tình", ông Phúc nói.
"Như trường hợp ông Hồ Văn Năm, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, vừa rồi bị kỷ luật về Đảng. Sau đó, trong quá trình cân nhắc, chắc cũng suy nghĩ nhiều thì ông Năm có làm đơn xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chấp thuận đơn xin nghỉ", ông Phúc nói thêm.
Còn về quyền bãi nhiệm tư cách đại biểu của cử tri, ông Phúc cho biết, trong Hiến pháp và trong luật có quy định nhưng hiện chúng ta chưa có quy trình này, chưa có hướng dẫn quy trình, hướng dẫn chi tiết cụ thể việc này. "Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao cho Ban Công tác đại biểu nghiên cứu quy trình này", ông Phúc thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.