Tổng lực sơ tán dân tránh bão

15/11/2020 05:44 GMT+7

Cả ngày 14.11, người dân, chính quyền và lực lượng chức năng các tỉnh miền Trung dốc toàn lực, tranh thủ từng phút từng giờ để chằng chống nhà cửa, sơ tán dân... chạy bão số 13 .

Trước cơn bão số 13 được coi là trận cuồng phong đang đổ bộ vào đất liền, tất cả người dân sống ở vùng nguy hiểm đều phải di dời, từ cụ bà 84 tuổi đến cháu bé 1 tháng tuổi. Đến cuối chiều 14.11, công tác sơ tán dân của tỉnh Quảng Trị vẫn tiếp tục. Tại nhiều địa phương ven biển của tỉnh này, chính quyền và ngành chức năng cấp tập đưa dân đến nơi an toàn.

Cụ bà 83 tuổi trước bão số 13: "Chưa bao giờ bão lụt dữ như năm ni"

Ngư dân nằm bờ né bão

Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND H.Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết do ảnh hưởng bão số 13, từ 9 giờ sáng 14.11, đảo này đã xuất hiện gió mạnh cấp 8 - 9, biển động với sóng cao từ 4 - 5 m, mưa rất lớn.

Tuy chưa vào bờ nhưng bão số 13 đã có cường độ mạnh và được nhận định không thua gì cơn bão số 9. Cùng với việc di dời dân, UBND H.Lý Sơn đã cấm tất cả tàu thuyền ra biển, đưa hơn 600 tàu cá, tàu chở khách, tàu vận chuyển hàng hóa, ca nô, bè nuôi hải sản vào cảng neo đậu, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Tại Trạm y tế xã Triệu An (H.Triệu Phong), một trong những vị trí sơ tán tập trung của xã miền biển này, có khoảng 50 người đang trú ẩn, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ, phụ nữ. Tại đây có những cụ già như cụ bà Nguyễn Thị Thỉ (84 tuổi), cụ Trần Thị Mánh (83 tuổi), đồng thời cũng có trẻ sơ sinh chỉ hơn 1 tháng tuổi. Chị Lê Thị Bình (thôn Tường Vân, xã Triệu An) cho biết trước thông tin về trận cuồng phong, được sự vận động của chính quyền và bộ đội biên phòng từ sáng sớm, chị cùng 2 con nhỏ, trong đó có cháu bé sơ sinh chỉ hơn 1 tháng tuổi đã lên xe quân đội đến trú ẩn ở Trạm y tế xã Triệu An.
Để tránh bão, Quảng Trị đã di dời tổng cộng 8.258 hộ với 21.352 nhân khẩu. Từ 19 giờ ngày 14.11, toàn bộ người dân Quảng Trị được khuyến cáo sẽ không ra đường để đảm bảo an toàn.

Bão số 13 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, khắp nơi mưa lớn

Đà Nẵng cũng đã sơ tán gần 26.500 người của gần 7.700 hộ dân trong kế hoạch sơ tán 92.000 người. Đối với 41 cẩu tháp của 24 công trình, đã hạ xuống mức thấp nhất và giằng chống vào sàn, cột với mức kiên cố gấp 3 quy định.
Từ chiều 14.11, tại Đà Nẵng bắt đầu có mưa và gió càng mạnh lên khi trời về tối. TP.Đà Nẵng cũng đã phong tỏa các cây cầu có cao trình lớn trong chiều cùng ngày, không có người và phương tiện qua cầu để đảm bảo an toàn.

Lực lượng chức năng gia cố lại bờ kè Cẩm Nhượng (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)

ẢNH: TÂN KỲ

Đường phố Đà Nẵng vắng hoe, nín thở trước giờ cuồng phong bão số 13 đổ bộ

Tại Quảng Nam, tính đến 17 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã tiến hành di dời gần 72.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh nằm trong diện có nguy cơ nguy hiểm đến nơi an toàn để phòng tránh bão số 13. Đối với khu vực miền núi có khả năng sạt lở lớn, tỉnh đã sơ tán 10.000 hộ dân ở 93 điểm có nguy cơ cao. Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết tập trung đưa những người già yếu, những nhà có nguy cơ sụp đổ đến trường học, trại của quân đội để trú ẩn cho qua cơn bão; những người nào không chấp hành sơ tán sẽ cưỡng chế quyết liệt.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã di dời 21.291 hộ với 70.780 người ở các khu vực nguy hiểm, xung yếu và các hộ dân có nhà cửa yếu, người già, neo đơn đến nơi an toàn.

Quảng Bình có 107 điểm nguy cơ sạt lở trước giờ bão số 13 đổ bộ

Riêng Hà Tĩnh di dời hơn 17.600 người dân. Trao đổi với PV Thanh Niên, anh Phạm Trung Thành, Bí thư Huyện đoàn Nghi Xuân (Hà Tĩnh), cho biết vào sáng 14.11, đơn vị này đã huy động toàn bộ đoàn viên thanh niên ở 17 xã trên địa bàn để giúp người dân chằng néo nhà cửa và đưa hơn 2.000 người dân ở vùng xung yếu đi trú bão. Riêng tại xã Cẩm Nhượng (H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), vào sáng 14.11, địa phương này cũng đã huy động hơn 200 người dùng rọ đá để thực hiện gia cố tạm thời bờ kè Cẩm Nhượng, đoạn qua địa phận của thôn Hải Nam bị sóng đánh gây sạt lở nghiêm trọng do mưa lũ xảy ra trước đó. Còn Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh cũng đã huy động 43 tàu, xuồng, ô tô cùng 600 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi bão số 13 đổ bộ.
Tổng lực sơ tán dân tránh bão

Lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Trị giúp dân xã Triệu An (H.Triệu Phong, Quảng Trị) chằng chống nhà cửa trước bão

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình, hiện trên địa bàn có 107 điểm nguy cơ sạt lở cao; gây ảnh hưởng đến 4.019 hộ/14.767 khẩu. Có 108 hộ/438 khẩu tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh đã di dời từ trước khi có cơn bão số 13. Để phòng tránh bão, lực lượng chức năng địa phương tiếp tục tổ chức di dời 231 hộ/953 khẩu tại các huyện: Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Ninh, Tuyên Hóa và TX.Ba Đồn. Ngoài ra, Quảng Bình đã triển khai phương án ứng phó, sẵn sàng di dời dân khỏi vùng nguy hiểm, vùng ven biển, cửa sông; dự kiến di dời 20.290 hộ/76.069 người dân trong trường hợp khẩn cấp với bão cấp 12 - 13.

Bão số 13: Chú bé hơn tháng tuổi và chuyến chạy bão đầu đời ở Quảng Trị

9/13 cơn bão ảnh hưởngViệt Nam

Tổng lực sơ tán dân tránh bão

Tổng hợp: Hoàng Sơn - Đồ họa: Hồng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.