Tổng cục Môi trường khuyên người Hà Nội 'không ra ngoài' vì chất lượng không khí kém

Lê Quân
Lê Quân
10/11/2019 13:38 GMT+7

Trong buổi sáng ngày 10.11, trạm quan trắc không khí của Tổng cục Môi trường tại quận Long Biên liên tục cảnh báo chất lượng không khí kém , người dân không nên ra ngoài.

Cụ thể, lúc hơn 7 giờ sáng nay, trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí AQI tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, TP.Hà Nội ở mức kém. Kèm theo ghi nhận này là khuyến cáo người dân không nên ra ngoài.
Một trạm quan trắc không khí khác của Tổng cục Môi trường ở TP.Việt Trì (Phú Thọ) cũng cảnh báo chất lượng không khí ở mức kém.
Đến hơn 12 giờ trưa nay, chất lượng không khí ở hai trạm quan trắc này tiếp tục ở mức kém. Kèm theo là khuyến cáo người dân không nên ra ngoài.
Trong khi đó, lúc hơn 8 giờ sáng nay, kết quả của hệ thống quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cũng cho thấy 3 điểm đo ở quận Đống Đa, Tây Hồ, Long Biên đều ở mức không lành mạnh. Đến hơn 12 giờ trưa nay, hệ thống quan trắc không khí của Đại sứ quán Mỹ ghi nhận chất lượng không khí đã tốt lên nhưng vẫn còn 2 điểm ở mức không lành mạnh là tại quận Tây Hồ và quận Đống Đa.
Lúc 12 giờ 30 phút cùng ngày, hệ thống quan trắc không khí PAM Air cũng hiển thị kết quả màu đỏ hầu hết bao trùm khu vực TP.Hà Nội, lác đác một số điểm màu cam, thể hiện chất lượng không khí ở TP.Hà Nội sáng nay luôn ở mức xấu, không lành mạnh, có hại cho tất cả mọi người. Người dân nên hạn chế ra ngoài.

Ứng dụng quan trắc chất lượng không khí PAM Air cũng cảnh báo chất lượng không khí ở Hà Nội không đảm bảo

Ảnh Chụp lại màn hình

Tương tự, ứng dụng của hệ thống quan trắc, cảnh báo chất lượng không khí Air Visual cũng liên tục cảnh báo chất lượng không khí ở mức màu đỏ, có hại cho tất cả mọi người trong cả buổi sáng nay.
Kết quả quan trắc chất lượng không khí của Tổng cục Môi trường những đầu tháng 11 cũng thể hiện, chất lượng không khí tại Hà Nội đang có xu hướng giảm, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, những ngày 1 - 4.11 nồng độ PM2.5 về cơ bản vẫn đạt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT, chất lượng không khí chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, đến các ngày 5 – 6.11, nồng độ PM2.5 đã vượt quy chuẩn tại hầu hết các trạm, chất lượng không khí cũng theo đó ở mức xấu, kém.
Theo Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí nghiêm trọng thường diễn ra từ đêm đến sáng và chiều tối. Chất lượng không khí được cải thiện vào buổi chiều.
Lý giải cho điều này, Tổng cục Môi trường cho biết, nồng độ bụi PM2.5 thường tăng cao vào khoảng nửa đêm, buổi sáng do khoảng thời gian này lặng gió, hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Buổi trưa đến chiều, ánh năng mặt trời đốt nóng lớp không khí sát mặt đất, các chất gây ô nhiễm không khí được phát tán nên chất lượng không khí được cải thiện. Đến buổi tối, nhiệt độ của lớp không khí sát mặt đất giảm nhanh hơn các lớp phía trên do quá trình quá trình bức xạ hồng ngoại, dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt.
Tổng cục Môi trường cũng đưa ra cảnh báo, những ngày tới, khu vực Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng. Người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.
Để theo dõi thông tin về chất lượng không khí, người dân nên thường xuyên cập nhật qua website của Tổng cục Môi trường như cem.gov.vn; aqicn.org của Đại sứ quán Mỹ; PAMAir, Air visual… Từ cuối tháng 8 đến nay, khu vực Hà Nội đã trải qua 4 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong đó, có đợt ô nhiễm không khí từ cuối tháng 9 kéo dài nhiều ngày.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.