Tổng cục Môi trường khuyến nghị người dân hạn chế ra ngoài tránh ô nhiễm không khí

Lê Quân
Lê Quân
01/10/2019 16:30 GMT+7

Để tránh ô nhiễm không khí , Tổng cục Môi trường khuyến nghị người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, nên hạn chế ra ngoài.

Khuyến nghị này được ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - Môi trường (Bộ TN-MT), nêu ra tại cuộc họp giao ban báo chí tại Ban Tuyên giáo T.Ư sáng nay, 1.10.
Các khuyến nghị này tiếp tục được đăng tải trên Cổng thông tin của Tổng cục Môi trường để người dân nắm bắt cụ thể, chi tiết.
Theo đó, Tổng cục Môi trường cho biết, trong khoảng thời gian này và những ngày tiếp theo, với đặc điểm thời tiết giao mùa, ban ngày nắng khá mạnh, hanh khô, ban đêm nhiệt độ không khí mặt đất khá thấp, hiện tượng nghịch nhiệt vẫn có thể tiếp diễn, nồng bộ bụi PM2.5 có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao tại một số thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào buổi ban đêm và sáng sớm. Vì vậy, Tổng cục Môi trường khuyến nghị người dân nên hạn chế ra ngoài để tránh ô nhiễm không khí, đồng thời, cơ quan này đưa kèm theo thông tin về chất lượng không khí quan trắc được trong thời gian từ ngày 12 - 30.9.
Cụ thể, tại Hà Nội, từ 12 - 30.9, có những ngày nồng độ bụi PM2.5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Tuy nhiên, các thông số khác (NO2, O3, CO, SO2) vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố (1 trạm của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ), 11 trạm của TP.Hà Nội và 1 trạm của Sứ quán Mỹ) đo được trong khoảng thời gian nêu trên cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 có xu hướng gia tăng trong thời gian từ 12 - 17.9, sau đó giảm trong các ngày từ 18 - 22.9, rồi tăng cao trở lại, duy trì liên tiếp trong các ngày từ 23 - 29.9.
Trong các ngày từ 15 - 17.9 và 23 - 29.9, có đến trên 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT. Đặc biệt, trong các ngày từ 25 - 29.9, toàn bộ các trạm đều có giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ vượt tiêu chuẩn quy định tại QCVN 05:2013/BTNMT.
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm trong các ngày từ 12 - 29.9 cho thấy, chỉ có 5.18 ngày có AQI ở mức trung bình (ngày 12, 18, 19, 21 và 22.9), các ngày còn lại, chỉ số AQI luôn ở mức kém (AQI>100). AQI có xu hướng gia tăng và duy trì ở mức cao trong các ngày từ 23 - 29.9, nhiều trạm AQI ngày đã tăng cao gần tới mức xấu. Đặc biệt, trong ngày 29.9 còn ghi nhận giá trị AQI ngày của trạm Đại sứ quán Mỹ đã vượt mức xấu (AQI>200).
Theo Tổng cục Môi trường, các khoảng thời gian ghi nhận giá trị PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường là đêm và sáng sớm; AQI giờ những khoảng thời gian này cũng ở mức kém (AQI>100), thậm chí có những giờ lên đến mức xấu (AQI>200).
Đặc biệt, trong buổi sáng liên tiếp các ngày từ 25 - 30.9, ghi nhận một số trạm, AQI giờ đã vượt ngưỡng 200, ở mức xấu, tuy nhiên, AQI giờ ở mức xấu chỉ có tại 1 số vị trí và có tính thời điểm, đó là các trạm Hoàn Kiếm, Thành Công, Phạm Văn Đồng, Hàng Đậu, Minh Khai, Đại sứ quán Mỹ và 556 Nguyễn Văn Cừ, tập trung vào khung giờ 0 - 6 giờ. Trong đó, từ 27 - 30.9 là những ngày có nhiều giờ AQI ở mức xấu nhất trong 2 tuần, từ 12 - 30.9.

Chất lượng không khí ở TP.Hà Nội qua ứng dụng PAM Air lúc 15 giờ chiều nay

Ảnh Chụp lại màn hình trang pamair.org

Tại TP.HCM, từ 1 - 23.9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí

Tại TP.HCM, tháng 9 cũng là thời điểm giao mùa (cuối mùa mưa, đầu mùa khô), điều kiện thời tiết bất lợi dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt làm giảm khả năng hòa trộn và phát tán các chất ô nhiễm trong không khí, cũng như làm xuất hiện tượng sương mù quang hóa. Chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, hiện tượng sương mù quang hóa xảy ra trên địa bàn thành phố này mang tính chu kỳ vào khoảng 6 - 7 ngày trong khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm.
Năm nay, hiện tượng này đã xảy ra trong thời gian từ 18 - 22.9. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở TN-MT TP.HCM và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM cho thấy, từ 1 - 23.9 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí. Tuy nhiên, nồng độ bụi PM2.5 phần lớn vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT.
Đáng chú ý, so sánh nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng qua các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, nồng độ bụi PM2.5 trong các tháng năm 2019 có xu hướng giảm qua các năm. Riêng tháng 9, nồng độ bụi tăng mạnh so với các tháng trước đó và so với cùng kỳ các năm từ 2015 - 2018.
Nhận định sơ bộ về nguyên nhân, Tổng cục Môi trường cho biết, xu hướng biến động của PM10 và PM2.5 tại các thành phố phía Bắc Việt Nam, trong đó có Hà Nội phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu.
Nhận định sơ bộ, nguyên nhân PM2.5 tăng cao do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Bên cạnh đó, những ngày này, hoạt động đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch ở khu vực ngoại thành cũng góp phần làm gia tăng nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Ngoài ra, theo dõi về lượng mưa trong tháng 9 các năm từ 2013 - 2019 cho thấy, năm 2019 có lượng mưa thấp nhất, liên tiếp trong nhiều ngày (từ 21 - 30.9), toàn bộ khu vực Hà Nội không có mưa. Theo Tổng cục Môi trường, đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến trong thời gian này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.