Tổng công ty dầu Việt Nam thu hồi văn bản ‘cấm’ nhân viên làm shipper, chạy grab

Thái Sơn
Thái Sơn
15/06/2021 14:54 GMT+7

Tổng công ty dầu Việt Nam cho rằng Văn bản số 3774 trên tinh thần kêu gọi người lao động tuân thủ quy định về phòng dịch, nhưng đã có một số câu từ chưa phù hợp nên đã thu hồi.

Ngày 15.6, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOIL), đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có thông báo về việc thu hồi lại Văn bản 3774/DVN-ATCL về việc tăng cường biện pháp chống dịch, do đơn vị này phát hành 1 ngày trước đó.

Muốn làm shipper, chạy grab... thì làm đơn xin nghỉ việc

Tại Văn bản 3774/DVN-ATCL do ông Đào Văn Nhuộm, Tổng giám đốc PVOIL, ký ban hành ngày 14.6, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong hệ thống công ty đã có người lao động đi làm thêm nghề lái xe taxi công nghệ vô tình chở trúng ca FO khiến nhiều người trong công ty trở thành F1, F2… phải cách ly, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống nhiều người liên quan.
Chính vì thế, PVOIL yêu cầu người lao động ‘‘không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm Covid-19’’; ‘‘nếu người lao động thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc có nguy cơ nhiễm bệnh Covid-19 như shipper, bán hàng, taxi công nghệ... thì người lao động làm đơn xin nghỉ việc để Tổng công ty/đơn vị xem xét hỗ trợ 1 lần theo quy định của pháp luật".
Ngay sau khi ban hành, văn bản này đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng cho rằng, đây là yêu cầu vô lý, xâm phạm đến quyền tự do của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung.

Trưa 15.6: Thêm 118 ca Covid-19, Việt Nam sắp chạm mốc 11.000 ca

Thu hồi văn bản vì một số câu từ chưa phù hợp

 
Theo PVOIL, từ đầu năm 2020 đến nay, các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVOIL liên tục phải chịu những tác động hết sức nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Có những nơi, có những thời điểm, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PVOIL bị giảm tới hơn 40% nhưng không có bất cứ người lao động nào của PVOIL bị mất việc vì lý do Covid-19.
Không những thế, PVOIL còn luôn nỗ lực thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, quyền lợi đối với người lao động, đặc biệt là tiền lương và thu nhập.
Thời gian gần đây, có một số ít trường hợp người lao động của PVOIL tham gia một số công việc làm thêm có tính chất rủi ro phơi nhiễm dịch bệnh cao, do phải tiếp xúc với nhiều người, đi lại liên tục nhiều nơi.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp, tổng công ty này cho rằng, việc làm thêm nêu trên có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho chính bản thân người lao động, gia đình của mình cũng như đồng nghiệp, và thậm chí có thể dẫn đến gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty, gián đoạn chuỗi cung ứng xăng dầu gồm hơn 600 cây xăng, gần 30 kho xăng dầu trên toàn quốc, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của gần 6.000 người lao động của toàn hệ thống PVOIL, ảnh hưởng đến việc thực hiện “mục tiêu kép” của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung.
Chính vì vậy, theo PVOIL, song song với việc tôn trọng quyền tự do cá nhân trong khuôn khổ pháp luật cho phép của người lao động, PVOIL kêu gọi toàn thể người lao động thực hiện nghiêm chủ trương "5K" của Chính phủ, tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo của T.Ư và địa phương nơi mình sinh sống và làm việc, đặc biệt là cân nhắc một cách có trách nhiệm mọi hành động của cá nhân mình để bảo vệ sức khỏe bản thân, không làm ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đơn vị cũng như cộng đồng, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, góp phần cùng cả nước chống dịch thành công.
Với mục đích trên, ngày 14.6, PVOIL đã ban hành Văn bản số 3774/DVN-ATCL. ‘‘Tuy nhiên, trong văn bản có sử dụng một số câu từ chưa phù hợp. Vì lý do đó, Tổng công ty đã thu hồi văn bản nêu trên’’, PVOIL lý giải.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.