Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết về Cách mạng 4.0

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/09/2019 11:24 GMT+7

Ngày 27.9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Bộ Chính trị.

Tới 2025, internet băng thông rộng phủ 100% các xã

Bộ Chính trị đánh giá, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước, song mức độ chủ động tham gia của nước ta còn thấp, thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ Chính trị cho rằng, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại cả cơ hội và thách thức; đòi hỏi phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu, tới năm 2025, duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.
Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm.
Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Bộ Chính trị đặt mục tiêu, năm 2045,Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

Thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Chính trị đưa ra một loạt chủ trương, chính sách, từ đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nguồn nhân lực, các ngành và công nghệ ưu tiên cho tới chính sách hội nhập quốc tế và thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Về thể chế, Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng; đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực.

Bộ Chính trị đánh giá việc chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là tất yếu, khách quan

Ảnh Ngọc Thắng

Về cơ sở hạ tầng thiết yếu, Bộ Chính trị yêu cầu triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên phạm vi toàn quốc, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Quy hoạch xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, thống nhất, dùng chung, tận dụng và khai thác có hiệu quả hạ tầng mạng lưới viễn thông để triển khai các dịch vụ thanh toán cho người dân với chi phí thấp.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các hệ thống thanh toán số. Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới.

Tiên phong chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ

Bộ Chính trị cũng yêu cầu rà soát tổng thể, thực hiện đổi mới nội dung và chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển; đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung kỹ năng số và ngoại ngữ tối thiểu. Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; lấy đánh giá của doanh nghiệp làm thước đo cho chất lượng đào tạo của các trường đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngoài ra, tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như: công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hoá số; y tế; giáo dục và đào tạo.
Bộ Chính trị chủ trương, tiên phong thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
Xây dựng cơ sở dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền, tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu thập, quản lý dữ liệu và giao dịch trên nền tảng internet ở các cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, xây dựng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thiện các quy trình, thủ tục hành chính phù hợp với hoạt động của chính quyền số, cắt giảm tối đa giao dịch trực tiếp.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.