Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng'

06/05/2014 03:05 GMT+7

Quyết tâm chính trị trong phòng chống tham nhũng phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và công khai để dân biết, dân giúp sức và giám sát. Cấp ủy đảng và người đứng đầu thể hiện thái độ chống tham nhũng phải rõ ràng, dứt khoát, không chỉ bằng lời nói trên giấy tờ, hô hào chung mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả và nhìn thấy trên thực tế…

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng'

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị - Ảnh: Hoàng Trang

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo như trên tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) do Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN tổ chức tại Hà Nội hôm qua 5.5. Hội nghị có sự tham dự của 11 ủy viên Bộ Chính trị, 91 ủy viên T.Ư Đảng. Đây cũng là lần đầu tiên một hội nghị toàn quốc về PCTN được tổ chức kể từ sau khi Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đầu năm 2013.

Nói không đi đôi với làm

 

Một khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm minh theo đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có đặc quyền hay ngoại lệ

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Báo cáo về tình hình PCTN từ năm 2013 đến nay, Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh cho biết qua kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động tại 3.605 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã phát hiện 118 cơ quan, tổ chức, đơn vị có vi phạm; tiến hành hơn 4.000 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 188 vụ việc vi phạm; đã xử lý trách nhiệm 69 trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do để xảy ra tham nhũng.

Năm 2013, ngành thanh tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 354 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 10 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 người. Kiểm toán nhà nước đã chuyển 6 vụ việc sang cơ quan điều tra, thanh tra; cung cấp 13 hồ sơ cho cơ quan CSĐT và các cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan điều tra đã khởi tố 275 vụ/601 bị can; Viện kiểm sát các cấp đã truy tố 293 vụ/675 bị can; Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 271 vụ/566 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Theo ông Nguyễn Bá Thanh, dù đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả đáng khích lệ, nhất là trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng, nhưng nhìn chung công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. “Qua phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng xảy ra từ trước năm 2013 cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng ngày càng rõ nét hơn, mức độ tham nhũng lớn, một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của Nhà nước, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực”, ông Thanh đánh giá.

Bên cạnh đó, tình trạng tham nhũng vặt trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp... gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, mà một trong số đó được ông Nguyễn Bá Thanh nhìn nhận: “Giữa quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước với hành động thực tiễn của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị trong PCTN còn có khoảng cách, nói không đi đôi với làm”.

Xem tham nhũng là tội phản quốc

 

Đưa thêm nhiều vụ án vào diện theo dõi chỉ đạo

Tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết việc thành lập Ban Nội chính T.Ư giúp việc cho Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đã và đang từng bước phát huy hiệu quả. Trong 8 vụ án và 2 vụ việc về tham nhũng được đưa vào diện theo dõi chỉ đạo năm 2013, đã có 5 vụ được đưa ra xét xử đúng pháp luật. Năm 2014, dự kiến Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đôn đốc theo dõi 7- 8 vụ. Ban Nội chính T.Ư đôn đốc 15 vụ, Ban Nội chính các địa phương khoảng 30 vụ.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp về PCTN trong thời gian tới. Đề cập đến vai trò cán bộ là khâu then chốt, quyết định, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật nhằm không ai có thể lợi dụng để tham nhũng thì cần thiết phải giáo dục con người. Đã là cán bộ, nhất là người có chức, quyền càng cao thì càng phải gương mẫu trước cấp dưới và người dân. “Sự gương mẫu của cấp trên còn mạnh hơn cả triệu bộ luật”, ông Thảo nói và cho biết Hà Nội đang đẩy mạnh việc công khai minh bạch trong tuyển dụng, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo sẽ được thực hiện theo hướng thi tuyển, trước mắt là thí điểm để đẩy lùi nạn chạy chức chạy quyền.

Ông Niê Thuật, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đề xuất đối với những người phạm tội tham nhũng phải được thông báo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người biết và dư luận xã hội lên án, xem đây như là tội phản quốc vì có nguy cơ tồn vong đến chế độ. Ông Niê Thuật cũng kiến nghị Ban Nội chính các tỉnh nên thành lập thêm phòng theo dõi các vụ án trọng điểm.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh đề nghị đẩy mạnh chức năng giám sát, phản biện giám sát của các tổ chức xã hội…

Chống tham nhũng ngay trong cơ quan phòng chống tham nhũng

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng tình với đánh giá của các đại biểu và cho rằng trong thời gian tới công tác PCTN phải được thực hiện trên tinh thần “kiên quyết, kiên trì, liên tục, đúng pháp luật nhằm tạo ra chuyển biến rõ rệt, củng cố niềm tin của nhân dân”.

 

Còn biểu hiện nương nhẹ trong xử lý

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư lưu ý tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng tham nhũng vặt, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nạn lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, vẫn còn nhức nhối. Việc phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ; vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của pháp luật...

Tổng bí thư nhấn mạnh một số phương hướng nhiệm vụ, trong đó Quốc hội, Chính phủ tiếp tục sửa đổi hoàn thiện các chính sách về PCTN và các chính sách về PCTN đang thực hiện nhưng đạt hiệu quả thấp. Chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục. “Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”, Tổng bí thư nói.

Đối với người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để tạo sự phối hợp chặt chẽ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về PCTN. Quyết tâm chính trị được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể và công khai để dân biết, dân giúp sức và giám sát. Cấp ủy đảng và người đứng đầu thể hiện thái độ chống tham nhũng phải rõ ràng, dứt khoát, không chỉ bằng lời nói trên giấy tờ, hô hào chung mà phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, nhìn thấy trên thực tế”.

“Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống ngay trong các cơ quan PCTN. Bố trí cán bộ có phẩm chức đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, có năng lực chuyên môn, có dũng khí và bản lĩnh, dám đương đầu”, Tổng bí thư nói. Ông cũng khẳng định: “Một khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm minh theo đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có đặc quyền hay ngoại lệ. Một mặt phải trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng nhưng mặt khác cần có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác”.

Bên cạnh việc đẩy nhanh xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, Tổng bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu để có những hình thức, biện pháp huy động sức dân vào công cuộc PCTN như mở rộng phạm vi tham gia của công chúng trong PCTN, khuyến khích tố giác tham nhũng…

“Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, nó diễn ra trong nội bộ chúng ta, liên quan đến lợi ích, vật chất, tiền tài danh vọng của tổ chức và cá nhân con người, đụng chạm đến người có chức có quyền. Đảng và Nhà nước đã thấy sớm và chỉ đạo nhiều lần, làm quyết liệt việc này thì mới có như ngày hôm nay. Nhưng rõ ràng còn nhiều việc phải làm và phải làm lâu dài, quyết liệt hơn nữa, bền bỉ, không thể nóng vội”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.

Thái Sơn 

>> Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phòng, chống tham nhũng
>> Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng
>> Cần khuyến khích và bảo vệ người chống tham nhũng
>> Tiền thưởng và chống tham nhũng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.