Tội phạm 'ẩn mình' trên không gian ảo: Hoàn thiện quy định pháp luật để đấu tranh hiệu quả

21/12/2020 07:53 GMT+7

Một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) nhìn nhận thời gian gần đây tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng ngày càng phức tạp, với diễn biến tăng.

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 20.12 về tình trạng tội phạm “ẩn mình” trên mạng xã hội hoạt động phức tạp, gây ảnh hưởng an ninh trật tự mà báo phản ánh qua loạt bài Tội phạm “ẩn mình” trên không gian ảo, một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) nhìn nhận thời gian gần đây tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có chiều hướng ngày càng phức tạp, với diễn biến tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ, hậu quả… Vì vậy, cơ quan công an và các đơn vị liên quan vẫn thường xuyên “tuần tra trên mạng” để chủ động nắm thông tin, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm… để từ đó lên phương án đấu tranh.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, cũng nhìn nhận tội phạm trên mạng rất tinh vi và thủ đoạn.
“Việc đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn. Khó ở chỗ phòng ngừa và phát hiện, vì tội phạm an ninh mạng thường ẩn danh, “dấu vết số” rất khó phát hiện”, thiếu tướng Giang đánh giá và cho biết hiện Bộ Công an đang hoàn thiện quy định pháp luật để quản lý không gian mạng chủ động hơn, tốt hơn, ví dụ xây dựng nghị định hướng dẫn luật An ninh mạng, xây dựng nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực không gian mạng để quản lý tốt hơn, để làm sao đấu tranh hiệu quả loại tội phạm này.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý hành chính, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, khẳng định đã phối hợp Công an TP.HCM nắm danh sách, hồ sơ các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo có hành vi mua bán giấy tờ giả, biển số giả, trang phục của ngành công an... và sẽ mạnh tay xử lý loại tội phạm này.
“Quan điểm của Sở TT-TT là xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với Công an TP.HCM chọn những vụ án điểm, vụ việc nổi cộm được dư luận quan tâm để xử lý trước; đồng thời công bố công khai để người dân nắm”, ông Từ Lương nói.
Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), luật hiện hành đã có những quy định để thể hiện trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội. Trong đó, khoản 5 điều 8 luật An ninh mạng quy định nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, các hành vi “quảng cáo” về dịch vụ gây bất an xã hội, kích động, bạo lực trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo điều 101 Nghị định 15/2020.
Ngoài ra, theo luật sư Tuấn, việc mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả, bằng cấp giả là đang tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật. Để giảm thiểu tội phạm này, bên cạnh việc xử lý hình sự đối tượng làm giả cần phải xử lý nghiêm những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ, tài liệu… do làm giả mà có. Việc xử lý có thể áp dụng hình thức phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 341 bộ luật Hình sự (phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 7 năm tù tùy theo từng mức độ vi phạm).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.