Đón xuân ở nhà giàn DK1: Hoãn đám cưới vì nhiệm vụ

12/01/2020 07:30 GMT+7

Mặc dù ngày cưới vợ sắp đến gần, trung úy Bùi Trung Kiên (27 tuổi), Phó chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, vẫn ở lại nhà giàn trực thay để đồng đội về đất liền chữa bệnh.

Người bị bệnh là đại úy Nguyễn Văn Thanh, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10. Anh Thanh theo tàu 263 ra nhà giàn để thay cho trung tá Trương Văn Thủy - chỉ huy trưởng nhà giàn trước đó - đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong chuyến đi từ đất liền ra nhà giàn DK1/10 để nhận nhiệm vụ, bệnh sỏi thận của anh Thanh trở nặng đến nỗi tiểu tiện ra máu. Suốt hải trình dù cố gắng nhưng anh Thanh hầu như không ăn uống được gì và có quyết định xin đơn vị sẽ theo tàu 263 quay vào bờ chữa bệnh.
“Tôi bị bệnh sỏi thận đã lâu, cứ tưởng chữa lành rồi ai dè đi biển sóng to quá, bệnh tái phát chịu không nổi. Nếu không mổ sớm sợ cục sỏi sẽ vỡ dễ nguy cơ nhiễm trùng. Chuyến này ra tưởng để vừa nhận nhiệm vụ mới, vừa thay cho trung úy Kiên về quê cưới vợ, nhưng không như ý muốn. Bệnh của mình làm ảnh hưởng đến việc riêng của đồng đội nên mấy ngày nay buồn lắm”, đại úy Thanh tâm sự. Đại úy Thanh cho hay việc xin vào bờ chữa bệnh của anh sẽ làm đảo lộn kế hoạch trực của nhà giàn. Bởi nếu anh Thanh vào bờ thì trực chỉ huy nhà giàn (mỗi nhà giàn chỉ có một chỉ huy trưởng và một chỉ huy phó - PV) dịp tết chính là trung úy Kiên, trong khi theo kế hoạch ngày 18.1 này (24 tháng chạp) anh Kiên sẽ làm đám cưới ở quê. Kế hoạch trực thay đổi khiến đám cưới của trung úy Kiên buộc phải hoãn, bởi lỡ chuyến tàu này sẽ rất lâu nữa mới có chuyến tàu khác ra khu vực nhà giàn DK1/10. Chưa kể nếu muốn về đất liền phải có người trực chỉ huy nhà giàn thay trung úy Kiên. Thời gian điều trị bệnh của đại úy Thanh dự kiến kéo dài khoảng 2 tháng.

Trung úy Bùi Trung Kiên và vợ chưa cưới trong lễ đám hỏi

Ảnh: Chị Loan cung cấp

Thiệp mời phát hơn một nửa

Gặp trung úy Kiên ở nhà giàn DK1/10 những ngày đầu năm 2020, anh cho biết mình quê xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời (Cà Mau). Năm 2012, Kiên vào quân ngũ và đến năm 2018 được phân về làm Chỉ huy phó nhà giàn DK1/10. Anh Kiên và vợ chưa cưới - chị Phạm Thị Kiều Loan - đều ở cùng quê, yêu nhau hơn 4 năm nay. Sau thời gian dài tìm hiểu, cuối năm rồi hai người quyết định tiến tới hôn nhân.
“Do thời gian cưới diễn ra gần tết nên kế hoạch của tôi cũng xin nghỉ để ăn tết cùng gia đình luôn vì gần 8 năm qua mới được đón tết một lần ở quê. Kế hoạch là thế nhưng khi biết anh Thanh bị bệnh phải về đất liền điều trị nên tôi quyết định hoãn cưới ở lại trực thay anh Thanh”, trung úy Kiên nói. Hiện “sự cố” đã được anh thông báo về cho gia đình. Người thân và vợ chưa cưới dù rất buồn vì hơn một nửa thiệp cưới được phát, bàn tiệc được đặt nhưng mọi người vẫn động viên anh ráng hoàn thành nhiệm vụ.
“Vợ chưa cưới khi hay tin buồn lắm nhưng vẫn nói sức khỏe của đồng đội quan trọng hơn. Đám cưới sẽ được diễn ra sau khi cấp trên bố trí người ra nhà giàn trực chỉ huy thay tôi”, trung úy Kiên nói.
Đón xuân ở nhà giàn DK1: Hoãn đám cưới vì nhiệm vụ

Trung úy Bùi Trung Kiên (trái) đang làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/10

Ảnh: Trung Hiếu

“Ảnh làm nhiệm vụ vì tổ quốc”

Trò chuyện với PV Thanh Niên, chị Phạm Thị Kiều Loan (26 tuổi) - vợ chưa cưới của trung úy Bùi Trung Kiên - nhớ rõ chuyến công tác này anh Kiên đi từ ngày 25.11.2018, đến nay đã xa nhà 14 tháng. Khi có dự định gần tết năm nay làm đám cưới nên tết năm trước anh Kiên chủ động không xin về phép mà để dành tết năm nay về làm đám cưới.
“Thường mỗi năm anh Kiên về nhà một lần nên từ tháng 10.2019, em đếm từng ngày, mong cho thời gian qua mau để gặp anh Kiên. Hai bên gia đình chỉ chờ anh Kiên về đất liền để tiến hành hôn lễ”, chị Loan nói.
Mọi thứ ở quê chuẩn bị kỹ nên ban đầu khi nghe tin chồng chưa cưới vì nhiệm vụ không về được, chị Loan buồn và bị sốc. “Bây giờ mọi việc cũng tạm ổn rồi, hai bên gia đình cũng thông cảm. Tụi em chịu mất hơn 12 triệu đồng tiền cọc đặt tiệc đám cưới... Thiệp mời đã phát rồi giờ thu được bao nhiêu thì thu, không thu được tìm cách nói cho mọi người hiểu”, chị Loan vừa nói vừa khóc vì nhắc lại chuyện khiến chị tủi thân.
Chị Loan kể hai người yêu nhau 4 năm nhưng thời gian bên nhau chỉ chừng 4 tháng vì mỗi năm anh Kiên về chừng 1 tháng. Mỗi lần về anh Kiên phải dành thời gian đi thăm hai bên nội ngoại nên thời gian hai người dành cho nhau rất ít. Bốn năm yêu nhau chị và chồng chưa cưới chủ yếu liên lạc và “hẹn hò” qua sóng điện thoại. Do sóng điện thoại yếu nên chỉ nghe tiếng chứ không thấy hình…
“Do anh Kiên làm nhiệm vụ ở xa nên phần lớn thời gian yêu nhau tụi em không ở bên nhau được. Nhiều khi em cũng tủi thân lắm nhưng suy nghĩ lại ảnh làm nhiệm vụ vì Tổ quốc nên chấp nhận và động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”, chị Loan nói và cho biết do bố mẹ chồng chưa cưới ở một mình nên chị chủ động mở tiệm hớt tóc ở gần nhà để hằng ngày chạy qua chăm sóc, đỡ đần.

Làm đám cưới khi con hơn 1 tuổi

Câu chuyện của trung úy Kiên làm tôi nhớ tới sự “gian truân” khi lấy vợ của thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Thế Hùng (quê Quảng Bình). Tôi gặp Hùng trong chuyến công tác ra nhà giàn DK1/10 đầu năm 2019, khi anh được điều động ra nhận nhiệm vụ ở nhà giàn này. Thiếu úy Hùng kể buổi chiều làm đám hỏi ở quê, thì buổi sáng anh nhận được lệnh điều động ra nhà giàn DK1/21 (cụm Ba Kè) làm nhiệm vụ. Thế là Hùng phải xách ba lô ra nhà giàn làm nhiệm vụ 10 tháng ròng và cũng phải hoãn làm đám cưới.
Việc cưới xin sau này của thiếu úy Hùng còn vất vả hơn. Lần đầu tính làm đám cưới thì vợ mang bầu sắp sinh. Lần thứ hai sắp xếp về nghỉ phép làm đám cưới, thì thật không may gần đến ngày cưới bố vợ qua đời. Thế là sau 2 năm kể từ ngày đám hỏi, “chuyện đại sự” mới được toại nguyện khi đám cưới của vợ chồng anh diễn ra vào ngày 10.1.2020.
“Đám cưới của tôi diễn ra khi con trai tròn 1 năm 3 tháng tuổi. Hai bên gia đình và mọi người đều thông cảm cho việc hoãn đám cưới vì đó là công việc của người lính, phải hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị giao”, thiếu úy Hùng tâm sự.
Thiếu tá Vũ Văn Tưởng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, cho hay đối với cán bộ, chiến sĩ hải quân, việc hoãn cưới không phải là điều hiếm gặp.
“Không ai muốn chuyện đó xảy ra nhưng vì nhiệm vụ nên có lúc đành phải quên cái riêng để hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao. Có trường hợp đám cưới ở lễ rước dâu chỉ có mỗi cô dâu, vì chú rể đang làm nhiệm vụ ngoài biển. Gian khổ, khó khăn và xa cách khiến người lính hải quân càng trân trọng những phút giây quây quần bên gia đình, người thân và bè bạn”, thiếu tá Tưởng chia sẻ.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.