Đón xuân ở nhà giàn DK1: 7 cái tết giữa biển khơi

13/01/2020 08:21 GMT+7

Trên chuyến tàu ra thăm và chúc tết nhà giàn DK1 đầu năm 2020, trung úy Tăng Văn Huy là một trong số ít người trẻ 'lập kỷ lục' ăn tết dày đặc trên biển bởi 9 năm quân ngũ, anh đã đón 7 cái ở biển.

Tốt nghiệp cấp 3, chàng trai 29 tuổi, quê xã Diễn Đồng, Diễn Châu (Nghệ An) đi lính hải quân. Lần đầu tiên Huy đón tết trên tàu trực ở cụm Ba Kè với thời gian trực kéo dài hơn 70 ngày. Làm nhiệm vụ ở tàu trực được xem là vất vả nhất trong số những nhiệm vụ của lực lượng hải quân. Bởi cuối năm sóng to gió lớn, tàu trực lênh đênh khiến người đi biển có kinh nghiệm cũng dễ say sóng.

Do sóng to, tàu và ca nô không thể cập sát nhà giàn nên việc đưa người lên nhà giàn DK1/10 phải thực hiện bằng cách đu dây

Nhớ lại cái tết đầu tiên ở tàu trực ở khu vực nhà giàn DK1 năm 2014, ban đầu Huy cũng phấn chấn lắm. Tuy nhiên khi lên tàu trực, cảm giác ban đầu của Huy là “tàu suốt ngày tròng trành, lắc lư trên biển”. Vừa xuống tàu, Huy say sóng nguyên một tuần, cứ ăn vào là nôn thốc nôn tháo, làm anh em trên tàu phải chăm sóc chiến sĩ trẻ lần đầu tiên làm nhiệm vụ.

Giao thừa nhớ nhà, nhớ người thân

Huy kể đón tết trên tàu trực không có điều kiện bày biện nhiều. Nhớ nhất là tình cảm anh em trên tàu đêm 30 tết đón giao thừa, gọi điện về thăm gia đình. Tàu ít người nên anh em ai cũng quan tâm đến nhau như một gia đình nhỏ trên biển. Hai năm sau, Huy tiếp tục đón tết trên tàu ở cụm Ba Kè.
Đón xuân ở nhà giàn DK1: 7 cái tết giữa biển khơi

Trung úy Tăng Văn Huy

Tết năm 2017, trung úy Huy được điều công tác ở nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau. Nhớ về cái tết đầu tiên ở nhà giàn, trung úy Huy cho biết ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gần đến tết, anh em ở nhà giàn dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, sơn sửa lại những điểm gỉ sét trên nhà giàn. Cận kề tết, mọi người chia nhau công việc, trang trí cây mai, rửa lá dong để ngày 29 âm lịch gói bánh chưng kịp cúng giao thừa đêm 30 tết.
Theo tiêu chuẩn, mỗi người trên nhà giàn được một cặp bánh chưng, có đủ dưa hành, củ kiệu. Thời khắc giao thừa, anh em thắp hương lên bàn thờ Bác Hồ, xem cầu truyền hình trên ti vi, nghe đọc lời chúc tết từ thủ trưởng đơn vị rồi quây quần bên nhau hát hò, ăn bánh kẹo. Qua thời khắc giao thừa, mọi người chia nhau gọi điện về chúc tết gia đình, người thân ở đất liền.
Cũng có khi anh em các phòng chuẩn bị riêng bánh kẹo để đón bạn khác phòng đến chúc tết, “xông đất” năm mới. Đặc biệt, nhà giàn tổ chức giải đấu bóng bàn nội bộ chia làm hai đội, giải nhất lãnh 200.000 đồng, giải nhì 150.000 đồng và giải ba 100.000 đồng.
Trung úy Huy cho hay ăn tết ở nhà giàn về vật chất có đầy đủ những món ăn mang hương vị ngày tết. Tuy nhiên, thời điểm giao thừa ở biển có cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân gấp mười lần ở đất liền, nhưng bù lại là tình cảm anh em trên nhà giàn dành cho nhau luôn chất chứa. Ai cũng bảo nhau phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chơi tết, vui xuân nhưng nhà giàn không bao giờ quên nhiệm vụ mà cắt cử, phân công cán bộ, chiến sĩ canh gác nghiêm ngặt, giữ vững chủ quyền biển đảo phía nam Tổ quốc.
Đón xuân ở nhà giàn DK1: 7 cái tết giữa biển khơi

Thiếu úy Vũ Hoài Phúc

Bồi hồi lần đầu đón tết trên biển

Khác với trung úy Huy đón 7 cái tết ở biển thì đây là lần tiên thiếu úy Vũ Hoài Phúc (24 tuổi) ra công tác ở nhà giàn. Vốn yêu thích môi trường quân đội nên năm 2015 tốt nghiệp cấp 3, Phúc thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 (Đồng Nai) nhưng không đủ điểm đậu. Sau đó Phúc đi nghĩa vụ ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận. Hết 2 năm nghĩa vụ, Phúc học Cao đẳng Kỹ thuật hải quân ở Cát Lái, Q.2 (TP.HCM) chuyên ngành ra đa thời gian 2 năm. Ra trường, thiếu úy Phúc được phân công về Trung đoàn 251 và được tăng cường về Tiểu đoàn DK1 vào tháng 11.2019. Tết năm nay Phúc được tăng cường cho nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau.
“Lúc biết tin tôi ra nhà giàn DK1/10, ba mẹ nói mấy năm nay tôi chưa ăn tết ở nhà nên muốn tết nay xin đơn vị ăn tết với gia đình”, thiếu úy Phúc nói và tâm sự 4 năm qua kể từ khi đi nghĩa vụ, anh chưa một lần ăn tết cùng với gia đình.
Ý của ba mẹ là thế nhưng vì nhiệm vụ đơn vị giao nên những ngày cuối năm 2019, thiếu úy Phúc theo tàu 263 để tăng cường cho nhà giàn DK1/10. Bởi như Phúc nói ở ngoài nhà giàn, một số chiến sĩ đã hoàn thành nghĩa vụ trực. Nếu anh không ra thay thế thì các chiến sĩ này không thể về đất liền đón tết với gia đình được. “Lần đầu tiên đón tết ở nhà giàn xa lắc xa lơ nằm tít giữa biển, tôi có cảm giác bồi hồi nhưng được các anh động viên nên đỡ phần lo lắng. Tết ở biển chắc sẽ nhớ nhà, nhớ ba mẹ lắm”, thiếu úy Phúc trải lòng.
Thiếu tá Vũ Văn Tưởng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, cho hay dù tết nhưng nhà giàn luôn đảm bảo 100% quân số. Do đó đơn vị chỉ giải quyết những trường hợp xin nghỉ phép hoặc gia đình đặc biệt buộc phải về. Dịp tết, những chiến sĩ mới và ăn tết lần đầu tiên trên nhà giàn chiếm khoảng 10% quân số.
“Có nhiều chiến sĩ mới lần đầu ăn tết ở nhà giàn vì nhớ nhà nên khóc ngon lành trong đêm giao thừa. Đó là diễn biến tâm lý bình thường với mỗi con người. Do đó nhà giàn đều có biện pháp tâm lý và động viên với các chiến sĩ trẻ”, thiếu tá Tưởng nói và cho hay từ khi chuyển sang Tiểu đoàn DK1 khoảng 8 năm, anh đã có 7 lần đón tết ở biển.

Mong ba về từng giờ, từng phút

 
Chuyến tàu 263 đem đến niềm vui cho những người được trở vào đất liền đón tết với gia đình sau thời gian dài xa cách. Đó là thượng úy Lê Minh Tiến, trung úy Nguyễn Văn Hưng, thiếu tá Trần Văn Du, trung úy Ngô Đức Lộc, trung úy Đào Văn Tuyến vừa làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/10.

Thượng úy Tiến cho hay anh nhập ngũ năm 2002. Ban đầu anh đóng quân ở đảo Phú Quý, từ năm 2011 chuyển về Tiểu đoàn DK1 và làm nhiệm vụ ở DK1/9, 1/15, 1/10, 1/20. Hiện gia đình anh ở Biên Hòa (Đồng Nai) và vợ chồng anh có hai con nhỏ: Minh Châu (7 tuổi), Minh Duy (4 tuổi).

Anh Tiến cho hay chuyến công tác nhà giàn vừa qua của anh kéo dài 10 tháng. Do đó anh rất vui vì năm nay vào đất liền ăn tết. Ở nhà vợ con đang chờ đón anh từng ngày, từng giờ. Thậm chí khi biết chắc ba về, Minh Châu - con gái đầu - quá chờ mong đã căn dặn ba phải nói đúng ngày, đúng giờ không được sai một phút. Rồi Minh Châu bắt ba phải về trước ngày trường cho nghỉ tết để lên trường đón con và thông báo với thầy cô, bạn bè trong lớp là năm nay ba được về ăn tết với gia đình.
“Ba đi xa, con gái đầu Minh Châu thường hay viết thư kể về những cảm xúc hằng ngày khi vắng ba. Viết rồi cháu lặng lẽ gấp trong tập vở để khi ba về đưa ba xem. Những lá thư tay ngắn ngủi đó được mẹ bắt gặp chụp lại gửi ra nhà giàn cho ba. Những giây phút đọc thư , tôi nhớ và thương các con vô cùng”, thượng úy Tiến tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.