Ăn tết trên biển để gác rừng

Lê Tân
Lê Tân
09/02/2021 05:53 GMT+7

Tạm gác niềm vui sum vầy bên gia đình, những kiểm lâm viên ở trạm Giỏ Cùng phải thay phiên nhau ăn tết trên biển để đảm bảo nhiệm vụ canh gác hơn 3.000 ha khu bảo vệ nghiêm ngặt nhất Vườn quốc gia Cát Bà (thành phố Hải Phòng).

 

Bập bềnh Giỏ Cùng

Từ trung tâm thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng) ra Giỏ Cùng có 2 cách. Một là đi bộ xuyên rừng quốc gia, phải chật vật vượt núi xuyên rừng nên chỉ dành cho những người có sức khỏe tốt và ưa mạo hiểm. Hai là đi đường biển. “Trạm Giỏ Cùng cách bến Bèo khoảng 16 km. Đi đường biển nhanh hơn và có thể ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp của vịnh Lan Hạ”, ông Nguyễn Huy Cầm, Phó trạm trưởng Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng, nói khi vào bến Bèo đón chúng tôi.
Sau khoảng 30 phút vòng vèo trong vịnh Lan Hạ, ca nô đưa chúng tôi vào một vụng nước được bao bọc bởi những dãy núi tiếp nối nhau như đáy giỏ. Đấy chính là Giỏ Cùng. Năm 2002, Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng được thiết lập tại đây. Trạm là một bè nổi làm từ thùng phuy và gỗ ván, rộng khoảng 100 m2 với 2 phòng ngủ, 1 “sảnh tiếp khách” và 2 bè nhỏ để nuôi chó, câu cá, cùng 1 cây me, 1 cây chanh. Đây có lẽ là trạm kiểm lâm trên bè nổi đầu tiên ở Việt Nam, và ông Cầm là một trong những người đầu tiên ở trạm này.
Trạm có 4 người, ngoài ông Cầm, Trạm trưởng là ông Triệu Xuân Khôi (50 tuổi), 2 kiểm lâm viên Hoàng Văn Giới (55 tuổi) và Nguyễn Bá Lự (46 tuổi). “Anh em chỉ ăn 2 bữa mỗi ngày. Sáng ăn lúc 8 giờ rồi đi tuần rừng đến chiều mới về ăn tối. Ở đây rất khó khăn, điện thoại phải để lên một đầu cột, anh em gọi là “cây điện thoại”, mới có sóng, nhưng cũng chập chờn, nhiều khi phải chạy xuồng về gần đảo đón sóng”, ông Cầm cho biết.
Ăn tết trên biển để gác rừng1

Kiểm lâm Nguyễn Huy Cầm vượt núi đá tuần rừng

Bám biển gác rừng

Sau chuyến tuần rừng, các kiểm lâm viên cưỡi ca nô về trạm, nấu cơm đãi khách. Bữa cơm có cá câu dưới biển, đậu kho và một ít rau cải luộc. Ông Lự chia sẻ: “Mấy hôm nay mát mẻ, anh em đi làm đỡ vất vả. Ở đây, mùa hè thì nắng nóng hầm hập, có những hôm không ngủ nổi trong phòng. Nhưng sợ nhất là mưa giông và bão. Mỗi lần có mưa to, sóng lớn là anh em bảo nhau mặc áo phao, sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống vỡ bè”. Có lần gió nam gây sóng lớn hơn 20 ngày. Ca nô, tàu thuyền không thể đi lại, trạm bị chia cắt hoàn toàn. Hơn 1 tuần chỉ ăn cơm trắng với độc món cá khô, do không có tủ lạnh nên trạm không trữ được rau xanh.
Ngoài rau xanh thì nước ngọt cũng là một thứ quý giá. Tiêu chuẩn mỗi người 1 tháng chỉ có 1,5 m3 nước. Hết thì bỏ tiền túi ra mua, nhưng mua cũng không dễ. “Phải chạy xuồng vào Việt Hải hoặc mua của ngư dân đi qua. Tính ra mỗi thùng nước phải cộng thêm hơn 200.000 đồng tiền xăng”, ông Lự nói. Vì thế, mọi người thường tắm dưới biển rồi lên tráng nước ngọt, bằng cách ngồi vào chậu để sau đó lấy nước tưới cây, dọn rửa vệ sinh. Điện lấy từ nguồn pin mặt trời lắp trên mái. “Mùa hè điện dùng thoải mái, mùa đông thì tậm tịt lắm”, ông Cầm nói.
Sáng sớm, cả trạm bị đánh thức bởi tiếng quạ kêu oang oang khắp núi rừng. Ngày mới sẽ bắt đầu bằng chuyến tuần tra rừng. Trạm Giỏ Cùng phụ trách quản lý 3.109 ha rừng và mặt nước với 7 tuyến trên đảo, 3 tuyến dưới nước. Vào mùa khô, lâm tặc hoạt động nhiều, Vườn quốc gia Cát Bà phải tăng cường đội tuần rừng xuống chi viện cho trạm.
Tuần tra mặt biển còn có ca nô hỗ trợ, chứ đường rừng thì vô cùng vất vả vì đường đi khó khăn, hiểm trở. Đường đi tuần là những đường mòn từ xa xưa do người dân bản địa hoặc những người săn trộm đã đi mà thành. Kiểm lâm sẽ lần theo dấu để tìm bẫy thú rừng và phá lán trại của lâm tặc. “Kẻ giấu, người tìm, như trò đuổi bắt ấy”, ông Cầm vừa nói vừa tấp ca nô vào sát vách núi rồi bấu chặt tay vào mỏm đá, đu người lên để vào đường tuần tra. Các kiểm lâm viên khác cũng nối theo sau. Đưa bàn tay đầy sẹo cho chúng tôi xem, ông Lự nói: “Nhiều chỗ đá sắc như dao nên đứt tay liên tục. Đi tuần thì cứ đá mà bám, bám cây dễ gặp cành khô, mục thì nguy hiểm lắm”. Trèo lên đã vất vả, có những đoạn đi xuống còn “khó nhằn” hơn. Có đoạn đá trơn nhẵn không có chỗ bám, anh em phải chọn những dây leo lớn, chắc để đu xuống. Đường tuần tra có những đoạn eo biển nhỏ, lởm chởm đá. “Không có thuyền hay bè, anh em toàn phải lội qua. Có hôm nước cao đến quá ngực”, ông Triệu Xuân Khôi chia sẻ. Cứ thế, lực lượng kiểm lâm trèo núi, băng rừng mỗi ngày khoảng 4,5 km. Trên đường đi phải quan sát từng cành cây ngọn cỏ để xem có dấu vết gì của lâm tặc hay không.
Những ngày đầu thành lập, cán bộ kiểm lâm ở Trạm kiểm lâm Giỏ Cùng bị lâm tặc chống đối rất quyết liệt. “Nhiều vụ xung đột đã xảy ra. Những thành phần chống phá, tấn công lực lượng thì chúng tôi phối hợp với công an, biên phòng xử lý nghiêm. Tuy nhiên, lực lượng kiểm lâm phải bám biển, gác rừng quanh năm suốt tháng vì có những nơi hôm trước đi tuần không thấy gì nhưng hôm sau đã thấy xuất hiện lán trại của lâm tặc”, trạm trưởng Khôi nói.
Ăn tết trên biển để gác rừng2

“Cây điện thoại” để bắt sóng viễn thông trên trạm

Tết ở Giỏ Cùng

Vì luôn phải duy trì lực lượng trực chiến nên 4 kiểm lâm viên ở Giỏ Cùng phải thay nhau nghỉ luân phiên. Riêng tết thì bố trí 2 người trực từ khi được nghỉ đến hết mùng 5. “Năm đầu tiên trực tết tôi hơi hụt hẫng. Ngày thường ở đây đã hoang vắng, hiếm người qua lại, ngày tết thì chỉ còn 2 ông kiểm lâm với núi rừng”, ông Giới chia sẻ.
Ăn tết ở trạm cũng có bánh chưng, thịt gà, thịt lợn nấu sẵn. “Ở trạm có sẵn cây chanh, cứ đến tết là ra quả sai trĩu nên chỉ mua thêm cành đào cho có không khí. Ngày cuối năm, 2 anh em tất bật làm cỗ rồi cùng nhau xem ti vi đợi giao thừa. Trạm cách đảo Cát Bà xa quá nên không nhìn hay nghe thấy pháo hoa. Cúng giao thừa xong, nếu bắt được sóng thì gọi về cho vợ con, người thân. Nếu không thì đắp chăn ngủ thôi”, ông Lự cười kể.
Có một số năm anh em trực tết đưa vợ con ra trạm chơi, nhưng điều kiện sinh hoạt ở đây khó khăn quá nên không duy trì được lâu. “Ngày tết mà bắt vợ con ra đây với mình cũng áy náy. Kể ra mà sóng điện thoại tốt, anh em có điều kiện dùng mạng internet thì đỡ cô đơn hơn trong những ngày tết đến xuân về”, ông Cầm trầm tư.
Cứ như thế, đến hết ngày mùng 5, khi đồng đội ra thay ca, những người trực tết mới được về ăn tết cùng gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.