Tôi đi... đẻ: 1.001 kiểu… nghén

19/03/2020 10:00 GMT+7

Chuyện một số thai phụ nghén, thèm ăn 'đồ độc' như phân gà, cá sống hay đất sét không chỉ khiến người trong cuộc khổ sở mà cả những người xung quanh cũng cảm thấy... ớn.

Trở nên khó tính, thèm ăn của lạ hay thay đổi thói quen hằng ngày là những gì thường thấy ở những người đang nghén. Nhưng, thèm ăn “đồ độc” như phân gà, cá sống hay đất sét không chỉ khiến người trong cuộc khổ sở mà cả những người xung quanh cũng cảm thấy... ớn.
Sáng thứ hai, Khoa Sản - Bệnh viện Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) chẳng còn đủ chỗ cho bà bầu ngồi. Dựa vào tường cạnh tôi là bảy, tám chị vác bụng bầu khệ nệ đang dồn mắt về bảng điện tử hiện số thứ tự người tới khám.
“Bệnh viện gì mà đông thấy ớn”, chị Nguyễn Thị Xâm (43 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu) than. Chị Xâm đã có ba con, cái bầu này là đứa thứ tư. Chị kể vợ chồng chị chỉ tính có hai con nhưng do là người công giáo, không được phép bỏ thai nên… lỡ đến đứa thứ tư này.

Thèm ăn… đất, nghiện mùi… “cứt gà sáp”

Chị Xâm làm nghề buôn cá ở cảng, giật gấu vá vai lo ăn từng bữa nên khi có bầu chị vẫn khuân vác như ngày thường. “Ở nhà thuê, gia cảnh khốn khó ba đứa con nheo nhóc, không biết tụi tui sẽ đón đứa con thứ tư này thế nào. Chưa kể mang bầu ở cái tuổi 43, tui lo con bị dị tật, hoặc chậm phát triển”, chị tâm sự.
Không chỉ thèm chua, cay, mặn, ngọt, trong những tháng nghén nhiều phụ nữ còn thèm ăn đất, giấy… Trong hình là chị Trần Thị Trinh (25 tuổi), thèm ăn quế suốt những tháng đầu thai kỳ Ảnh: Trung Du

Không chỉ thèm chua, cay, mặn, ngọt, trong những tháng nghén nhiều phụ nữ còn thèm ăn đất, giấy… Trong hình là chị Trần Thị Trinh (25 tuổi), thèm ăn quế suốt những tháng đầu thai kỳ

Ảnh: Trung Du

Hoàn cảnh đã chẳng khấm khá mà mang bầu đứa nào chị cũng nghén đến chết đi sống lại. Chị kể: “Đã là đứa thứ tư nhưng bầu lần nào tôi cũng ghiền… ngửi mùi cứt gà sáp”. Chị ngại ngùng bảo ngày thường rất ghê mùi đó nhưng tới lúc có bầu lại... thèm. Chị thường giành việc cho gà ăn, lùa gà lên chuồng để được ngửi mùi này. Đỉnh điểm trong những cơn nghén của mình, chị Xâm lén quệt một ít phân gà vào tay cho lên mũi rồi... thè lưỡi liếm.
Khi chúng tôi đang mắt tròn mắt dẹt trước câu chuyện của chị Xâm thì chị Trần Thanh Hà (27 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM ) góp chuyện: “Ăn cứt gà sáp đúng là khủng khiếp nhưng gần nhà tôi ở quê còn có người nghén cá sống”.
Chị Hà kể: “Lúc mang bầu đứa con đầu tiên, H. (35 tuổi, Tiền Hải, Thái Bình) thay đổi hoàn toàn thói quen ăn uống. Từ người ít ăn cá, đặc biệt là cá biển thì lúc có bầu H. chỉ thèm ăn cá khoai sống”.
Suốt những tháng đầu thai kỳ, chồng tôi luôn thèm chua, thèm ngủ… Ảnh: Trung Du

Suốt những tháng đầu thai kỳ, chồng tôi luôn thèm chua, thèm ngủ…

Ảnh: Trung Du

Kể đến đây, chị Hà sợ tôi không tin liền mở máy lấy số điện thoại của H. cho tôi để có thể hỏi trực tiếp. Chị H. cho biết gia đình chồng sợ việc ăn đồ sống sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của hai mẹ con nên không cho H. ăn món đó. Tuy nhiên, vì quá thèm, nên thời gian mang bầu H. thường xin phép về nhà ngoại để tự đi chợ và tìm mua bằng được cá khoai.
“Đôi lúc thèm quá, trên đường đi chợ về tôi ghé vào đâu đó cho ngay một con vào miệng ăn sống. Còn lại, khi về nhà, trong lúc nấu tôi lại lấy một miếng cá sống cho vào miệng. Cảm giác lúc ấy nó đã như đang trong nạn đói mà được ăn cơm với thịt vậy”, chị H. chia sẻ qua điện thoại.
Cũng nằm trong danh mục bà mẹ nghén kiểu oái oăm, chị Nguyễn Thị Lan (34 tuổi, trú Dĩ An, Bình Dương) lại thèm ăn... đất sét. Nhà chị gần lò gốm, thường ngày ngửi mùi đất đã thấy dễ chịu tới khi có bầu chị càng thích hơn. Có lần thấy người ta về một xe đất sét, canh lúc xe đổ đất đi khuất, chị lấy một ít đất về nhà định để ngửi. Tuy nhiên, khi đất khô thấy mùi dễ chịu chị cho lên miệng nếm thử: “Không một chút mùi tanh, tôi thấy đất lúc ấy cứ bở như khoai, càng ăn càng ghiền”.
Mãi đến tháng thứ tư khi cái thai đã vào thời kỳ ổn định chị Lan mới bớt thèm ăn đất. Tới giờ khi hỏi lại chuyện nghén, chị Lan vẫn ôm bụng không nín được cười...

Nghén thay vợ

Nghén là hiện tượng hơn 80% phụ nữ sẽ gặp phải khi mang thai. Nguyên nhân chính là do gia tăng hàm lượng hormone estrogen, dẫn đến sự nhạy cảm quá mức của mẹ bầu với mùi vị... Tôi chuẩn bị sẵn sàng cho chuyện nghén, nhưng có bầu được hai tháng tôi vẫn không có hiện tượng chán ăn hay mệt mỏi như người ta vẫn nói. Thậm chí theo những người xung quanh thời gian này tôi còn dễ tính hơn trước. Ngược lại, chồng tôi từ một người thức khuya dậy sớm, không bao giờ ngủ trưa, khá dễ tính và “chiều” vợ lại đột nhiên đổi tính, hay gắt gỏng và thường giận hờn vu vơ.
Đặc biệt, trước anh thường ngủ sau 23 giờ, thì giờ lại ngủ lúc 21 giờ hoặc sớm hơn, đôi khi mới chỉ 19 giờ, khi bạn bè tới và đang còn ngồi chơi thì anh… trốn đi ngủ. Giấc trưa trước đây anh thường ở lại cơ quan thì nay lại thường xuyên về nhà, ăn trưa xong là lăn ra ngủ. Có hôm có cuộc hẹn quan trọng nhưng mải ngủ khi thức dậy đã quá giờ hẹn cả hai tiếng.
Việc phụ nữ thèm chua trong những tháng đầu mang thai là rất phổ biến Ảnh: Trung Du

Việc phụ nữ thèm chua trong những tháng đầu mang thai là rất phổ biến

Ảnh: Trung Du

Không chỉ thay đổi thói quen ngủ, chế độ ăn của anh cũng thay đổi bất thường. Anh hoàn toàn không ăn đồ ngọt như trước đây mà tập trung toàn bộ cơn thèm ăn vào cóc, xoài, ổi… đôi khi tôi bất ngờ khi thấy anh một mình ngồi ôm cả ký xoài non ăn ngon lành. Thời gian này anh cũng thường giận hờn tôi vô cớ, chỉ cần làm một việc gì không đúng ý là anh giận cả ngày trời. Đôi khi tôi thấy mình không có lỗi nhưng vẫn phải “làm lành” cho êm chuyện, lắm lúc không kiềm được tôi buột miệng: “Anh hay em đang mang bầu vậy”.
Mang câu chuyện của mình chia sẻ trên một số nhóm kín hầu hết chị bầu đều nhất trí rằng chồng tôi đang có hiện tượng “nghén thay vợ”. Chị Bùi Thùy Linh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho hay khi chị có bầu chồng chị cũng có những biểu hiện tương tự như chia sẻ của tôi. Chưa kể, cứ ngửi thấy mùi hành lá là chồng chị bụm miệng chạy đi nôn khan, anh cũng khổ sở với mùi cá và không ăn được bất cứ món nào có mùi tanh.
Chị Linh cho hay: “Khi biết mình nghén thay vợ ban đầu anh khá ngại ngùng nhưng sau thì rất hạnh phúc bởi nhờ vậy mà anh thấy mình đã san sẻ được một phần nhỏ những mệt nhọc mà vợ phải đối mặt khi mang bầu”.
Theo kinh nghiệm dân gian đàn ông muốn nghén thay vợ có thể ăn chung đũa, tô, uống chung ly và đêm nằm chung gối với vợ. Tuy vậy, cách này chỉ có hiệu quả với một số người... (còn tiếp)

Cho chồng ăn... “hành”

Vì những bức bối ngày thường không có cơ hội để bộc phát nên tận dụng lúc mang bầu không ít bà vợ cho chồng… ăn “hành”.
Chị Hoàng Thị Mơ (27 tuổi, quê Vĩnh Phúc) cho hay: “Mấy tháng đầu khi mang thai dù không thèm ăn như hầu hết phụ nữ nghén nhưng tôi vẫn thường xuyên nũng nịu đòi chồng “chăm”. Chị kể: “Thường tôi hay nhờ chồng bóp chân, vai hay làm mấy món mình thích nhưng những ngày có chuyện không vừa ý, tôi lại kêu đau lưng, đau đầu, có hôm vì giận tôi bắt anh nằm dưới đuôi giường gác chân lên lưng rồi ngủ quên luôn tới sáng”.
Không giống chị Mơ tìm cách để hành chồng, chị Trần Thị Hiển (37 tuổi, quê Nghệ An) cho hay: “Thường ngày mẹ chồng tôi rất cay nghiệt, chửi con dâu chẳng tiếc từ gì. Tuy nhiên, bà lại mong cháu trai, khi biết tôi mang bầu con trai bà chăm hết cỡ. Nhớ lại những lúc mẹ chồng chửi trước khi mang bầu tôi “hành” lại. Những gì ngày thường bà không cho, lúc mang bầu tôi đòi bằng được: “Bình thường bà không cho chồng tôi rửa bát. Bà bảo đàn ông làm việc lớn, rửa bát nó bần người đi. Vậy là lúc mang bầu tôi cứ kêu chân bị chuột rút không ngồi được. Xót con trai, bà lại thế chỗ. Không ít lần chị Hiển bị mẹ chồng cấm đoán về nhà mẹ đẻ thì thời gian này cứ cuối tuần chị lại xin về nhà mẹ để ăn mấy món mẹ chị nấu. Dù không thoải mái nhưng sợ ảnh hưởng đến cháu trai sắp ra đời nên bà buộc phải đồng ý. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.