>> NGUYỄN PHÚC

Anh Đặng Quang Toàn, 39 tuổi, đã có 12 năm theo đuổi công việc… đi tìm người khuyết chi. Anh chính là “linh hồn” và cũng là người quản lý chương trình “Phục hồi chức năng lưu động” của RENEW, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh tại Quảng Trị. Chương trình phục hồi này đi vào hoạt động từ tháng 3.2008.

Những chuyến thực tế đã cho anh Toàn trải nghiệm cảm xúc lẫn lộn, khi chứng kiến nhiều cảnh éo le mà người khuyết chi phải chịu đựng. Có người dị dạng khuyết chi không thể lắp chân giả nếu chưa được phẫu thuật, buộc họ phải bò lê bò lết. Nhiều người khác phải tự chế tạo chân tay giả để đi lại. “Chiếc chân giả “handmade” mà tôi nhớ nhất là trường hợp của một bác ở xã Triệu Trạch (H.Triệu Phong). Người đàn ông ngót 50 tuổi đó đã tự làm chân giả cho mình bằng ống nhôm được gò lại, lấy gốc tre làm bàn chân, lấy tấm cao su làm đế. Để di chuyển bằng cái chân này, hẳn bác đã chịu rất nhiều đau đớn”, anh Toàn nhớ lại. Sau khi tặng cho nạn nhân chiếc chân giả đúng chuẩn, nhóm của anh Toàn đã tìm mọi cách xin chiếc chân tự chế kia về trưng bày tại Trung tâm phòng tránh bom mìn tỉnh Quảng Trị.Chương trình Phục hồi chức năng lưu động của RENEW đã cung cấp hàng ngàn bộ chân tay giả cho những người khuyết chi ở Quảng Trị và Quảng Bình

Chương trình của RENEW quan tâm nhiều đến những người khuyết chi ở miền núi, nơi người bình thường cũng đã có cuộc sống chật vật huống hồ người khuyết tật. Có không ít đồng bào Pa Kô, Vân Kiều đã được giúp đỡ như chị Hồ Thị Sương (ở xã A Dơi), chị Hồ A Dưới (xã A Bung, Đakrông), nhưng đặc biệt nhất vẫn là cậu bé Hồ Văn Đào ở xã Pa Nang (nhân vật trong bài Không chân vượt bản Ngược). Chi phí để Đào phẫu thuật, phục hồi trong vòng 4 tháng ngót nghét 60 triệu đồng.

Anh Đặng Quang Toàn (bìa phải), quản lý chương trình Phục hồi chức năng lưu động của RENEW, trong lần đến bản Ngược ở H.Đakrông, Quảng Trị để giúp nạn nhân

Và đúng như tên gọi chương trình “Phục hồi chức năng lưu động”, dịch vụ dù miễn phí nhưng lại phục vụ “khách hàng” tận nhà. Khi mỗi chuyến xe của chương trình lăn bánh, trên xe ít nhất có 4 người, trong đó có cán bộ của dự án RENEW (làm nhiệm vụ kết nối địa phương) và 2 kỹ thuật viên làm chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình đến từ Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP.Đà Nẵng.

“Việc tặng chân giả không đơn giản là mang cái chân giả đến đưa cho họ. Vì mỗi người có một khuyết tật về chi khác nhau, cần đo đạc cho đúng kích cỡ, nên chúng tôi phải quay lại với họ nhiều lần. Điều này rất thuận tiện cho họ, bởi chưa nói đến kinh phí, mà chỉ riêng việc di chuyển vài chục cây số với người khuyết chi đã là một vấn đề”, chị Nguyễn Thị Ái Lựu, nhân viên chương trình, chia sẻ.

Mỗi người đều có khuyết tật về chi khác nhau, cần phải đo đạc để đúng kích cỡ

Tiếp xúc với người khuyết tật nhiều, anh Toàn nhận ra bên trong mỗi con người ấy có sẵn nghị lực phi thường. Họ ý thức về khiếm khuyết của mình và luôn nỗ lực gấp bội để bù đắp, để được xã hội công nhận là một người bình thường. “Chỉ cần vượt qua mặc cảm ban đầu. Và chúng ta chỉ cần hỗ trợ, mở ra cơ hội để họ tự tin đứng lên trong đời… thì họ sẽ thay đổi cuộc sống của mình”, anh đúc kết.

Có thể đây là lý do chính để chương trình tiếp cận sâu hơn vào nhiều mặt đời sống của người khuyết chi, chứ không chỉ dừng ở việc hỗ trợ chân tay giả. Đối với những người lớn tuổi, có gia đình, RENEW hỗ trợ kinh phí để sửa nhà, đào giếng, hỗ trợ bò giống, dê giống. Người khuyết chi cũng được dạy nghề, như trồng nấm, làm nhang… “Dù họ chỉ có những đôi chân giả nhưng chúng tôi muốn họ có một cuộc sống thật sự trên đôi chân đó”, anh Toàn nói.

Còn với người trẻ, nếu còn niềm đam mê đến lớp, RENEW cũng sẽ hỗ trợ hết mức. Chính anh Toàn đã lặn lội ra Trường trung cấp Luật Đồng Hới (Quảng Bình) “nói khó” để lãnh đạo nhà trường vui vẻ cho Hồ Văn Đào đi học trở lại sau khi bỏ ngang. “Xe của chúng tôi đón Đào từ nhà rồi đưa em đến tận cổng trường. Trước khi vẫy chào chia tay còn chúc em có một tương lai tốt hơn ở phía trước”, anh Toàn kể.

Hãy nhìn ngắm gương mặt mãn nguyện của những người khuyết chi lần đầu tiên được đeo chân giả, mới hiểu “món quà” này thực sự có ý nghĩa với họ như thế nào. “Tôi không ngờ, có một ngày mình được đứng thẳng và bước đi mà không cần nạng, không cần ai đỡ!”, anh Hoàng Thản, một người khuyết chi ở Quảng Trị thốt lên. Nhưng niềm vui của những người tặng quà chưa hẳn đã trọn vẹn. Riêng ở Quảng Trị đã có hơn 2.000 người khuyết chi, mà những chuyến xe lưu động vẫn chưa thể tìm đến với từng địa chỉ. Thêm nỗi lo mơ hồ khác: Những đôi chân giả cũng có tuổi thọ của nó. “Nếu chúng tôi không trở lại, họ sẽ thêm một lần nữa bị “mất” chân”, anh Toàn trăn trở.

Đồ họa : Duy Quang | Ảnh: Thanh Lộc

Báo Thanh Niên
27.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.