Toàn cảnh các ca nhiễm Covid-19 tại Việt Nam tới ngày 12.3

Lê Hiệp
Lê Hiệp
12/03/2020 10:07 GMT+7

Ca nhiễm Covid -19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào ngày 23.1 và tới nay (12.3), đã có 39 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 16 trường hợp nhiễm bệnh trong đợt đầu tiên đã được chữa khỏi.

Dịch bệnh Covid-19 do virus SARS-CoV-2 bắt đầu bùng phát từ tháng 12.2019 tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Tới nay (11.3), dịch bệnh đã lan ra 115 quốc gia với 114.544 ca nhiễm. Hơn 4.000 người đã tử vong vì dịch bệnh này trong hơn 3 tháng qua. 
Ngày 11.3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức công bố dịch Covid-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) là đại dịch trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện vào ngày 23.1, và tới nay đã có 39 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó, 16 trường hợp nhiễm bệnh trong đợt đầu tiên đã được chữa khỏi. 

Việt Nam có bệnh nhân thứ 39 nhiễm Covid-19, là hướng dẫn viên du lịch

16 ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam

Tối 23.1, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) xác nhận 2 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam. 2 bệnh nhân là 2 cha con. Người cha là Li Ding (66 tuổi); con là Li Zichao (28 tuổi). Đây là bệnh nhân Covid-19 số 1 và số 2 tại Việt Nam.
Li Ding cùng vợ từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) đến Hà Nội ngày 13.1, sau đó di chuyển vào Nha Trang (16.1). Li Zichao làm việc tại tỉnh Long An, ra Nha Trang gặp bố rồi từ Nha Trang đi TP.HCM rồi về Long An. Đến ngày 17.1 bố bắt đầu sốt và ngày 20.1 con có các triệu chứng tương tự. Hai cha con được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy tối 22.1.
Ngày 29.1, người con trai xuất viện (sau 7 ngày điều trị). Sau đó 13 ngày, người bố cũng xuất viện (ngày 12.2).
Ngày 30.1, Bộ Y tế xác nhận thêm 3 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Việt Nam. Các bệnh nhân này bao gồm: N.T.T (nữ, 25 tuổi), quê ở tỉnh Thanh Hóa; P.V.C (nam, 29 tuổi) quê ở huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc; N.T.D (nữ, 23 tuổi), ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Đây là các ca bệnh số 3, số 4 và số 5 tại Việt Nam.

Sơ đồ lây nhiễm Covid-19 của 16 ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam

Đồ họa Lê Hiệp

Cả 3 bệnh nhân này, cùng 8 người Việt Nam khác, được Công ty TNHH Nihon Plast (gọi tắt là Công ty Nihon Plast) của Nhật Bản cử sang Trung Quốc tập huấn tại Vũ Hán từ tháng 11 và cùng trở về Việt Nam ngày 17.1 trên chuyến bay CZ8315 của Hãng Southern China, qua sân bay Nội Bài (Hà Nội). Các bệnh nhân này phát bệnh trong khoảng thời gian từ 23 - 25.1, sau đó được đưa vào bệnh viện điều trị. Trước đó, cả 3 bệnh nhân đều tiếp xúc với nhiều người.
Bệnh nhân N.T.D (bệnh nhân số 5), sau đó đã trở thành người lây nhiễm Covid-19 cho nhiều người tiếp xúc với mình, gồm: bố, mẹ, em gái, và 2 người hàng xóm tiếp xúc gần với bệnh nhân này.
Bệnh nhân số 3 xuất viện vào 3.2, sau 11 ngày điều trị. Vào ngày 10.2 (sau gần 20 ngày điều trị), cách bệnh số 4 và số 5 đã xuất viện.
Vào ngày 1.2, một người phụ nữ 25 tuổi là lễ tân khách sạn tại Nha Trang được xác định nhiễm Covid-19. Bệnh nhân này nhiễm bệnh do tiếp xúc gần với 2 cha con người Trung Quốc (trường hợp bệnh nhân số 1, số 2). Đây là bệnh nhân thứ 6 của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, ngày 4.2, bệnh nhân này đã xuất viện.
Ngày 2.2, một người Mỹ gốc Việt (73 tuổi) đã bị nhiễm Covid-19 do quá cảnh 2 giờ tại Sân bay quốc tế Thiên Hà Vũ Hán trong chuyến đi từ Mỹ đến Việt Nam. Người này trở thành bệnh nhân thứ 7 của Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 3.2, Việt Nam công bố trường hợp thứ 8 là một phụ nữ 29 tuổi, quê tại Vĩnh Phúc. Người này cùng trong nhóm được Công ty Nihon Plast của Nhật Bản của sang Vũ Hán. Đây là bệnh nhân số 8 của Việt Nam.
Một ngày sau (4.2), một bệnh nhân nam 30 tuổi, quê Vĩnh Phúc, cũng thuộc nhóm đào tạo của Công ty Nihon Plast của Nhật Bản trở về từ Vũ Hán xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Người này trở thành bệnh nhân thứ 9 tại Việt Nam.
Chiều cùng ngày, trường hợp bệnh nhân Covid-19 thứ 10 của Việt Nam cũng được xác định là một người phụ nữ 42 tuổi, bị lây nhiễm do tiếp xúc với bệnh nhân thứ 5 trong kỳ nghỉ tết Âm lịch.

Thời gian điều trị từ lúc phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 cho tới lúc có kết quả âm tính lần 3 và được xuất viện của 16 bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam

Đồ họa Lê Hiệp

Tới 6.2, mẹ (49 tuổi) và em gái (16 tuổi) của bệnh nhân thứ 5 cũng được xác nhận là nhiễm Covid-19. Đây là các trường hợp bệnh nhân số 11 và 12 của Việt Nam.
Tới ngày 7.2, thêm một trường hợp cũng thuộc nhóm công nhân của Công ty Nihon Plast là một công nhân 29 tuổi cũng được xác nhận là dương tính với SARS-CoV-2. Đây là trường hợp thứ 13.
Tiếp đó, vào ngày 9.2, một phụ nữ 55 tuổi, hàng xóm của bệnh nhân thứ 5 cũng xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường hợp thứ 14. Trường hợp 15 được xác định vào ngày 11.2, một đứa cháu trai 3 tháng tuổi của bệnh nhân số 10, do bệnh nhân này tới thăm con gái.
Tới ngày 13.2, bố (50 tuổi) của bệnh nhân số 5 cũng được xác định nhiễm Covid-19, trở thành bệnh nhân thứ 16 của Việt Nam.
Các bệnh nhân nói trên đều được điều trị tại bệnh viện tại các địa phương và trung ương và đã lần lượt xuất viện. Tới ngày 25.2, nghĩa là 1 tháng sau khi có ca bệnh đầu tiên, bệnh nhân thứ 16 là bệnh nhân cuối cùng trong số 16 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam xuất viện.

Bệnh nhân cuối cùng trong đợt 1 xuất viện

Phong tỏa xã Sơn Lôi

Ngày từ những ca bệnh Covid-19 đầu tiên, hệ thống y tế Việt Nam đã tích cực và quyết liệt trong việc thực thi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 24.1, ngay sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ra lệnh kích hoạt Trung tâm phòng chống dịch bệnh khẩn cấp ứng phó dịch Covid-19. Cùng ngày, Cục hàng không dân dụng Việt Nam đã ra lệnh hủy bỏ tất cả các chuyến bay đến và từ Vũ Hán.
Ngày 1.2, sau trường hợp truyền nhiễm nội địa đầu tiên của nữ lễ tân khách sạn tại Nha Trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định công bố dịch Covid-19 tại Việt.
6.2 là ngày học sinh cả nước quay trở lại trường sau kỳ nghỉ tết Âm lịch. Tuy nhiên, cả 63/63 địa phương đều quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch. Việc cho học sinh nghỉ học vẫn tiếp tục thực hiện sau đó. 

Chốt kiểm soát tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc trong ngày 3.3, ngày cuối cùng xã này phong tỏa để ngăn ngừa dịch bệnh

Ảnh Quý Hiên

Ngày 7.2, Việt Nam tuyên bố đã thành công trong việc nuôi cấy và phân lập virus trong phòng thí nghiệm. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có thể làm điều này, ngoài Singapore, Úc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Biện pháp cao nhất mà Việt Nam thực hiện cho tới thời điểm này là thực hiện cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) để hạn chế dịch bệnh lây lan vào chiều ngày 12.2. Trong thời gian phong tỏa, người dân trong xã được hỗ trợ chi phí sinh hoạt trong thời gian cách ly. Việc phong tỏa xã Sơn Lôi được thực hiện trong bối cảnh trong xã đã có 6 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trên tổng số 11 người tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Tới 0 giờ ngày 4.3, các chốt kiểm dịch được tháo dỡ sau 20 ngày phong tỏa Sơn Lôi.
Ngày 5.3, Việt Nam tuyên bố chế tạo thành công bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và đối tác phối hợp nghiên cứu. 

Hạnh phúc nhận giấy kết hôn ngày cuối cùng tâm dịch Sơn Lôi bị cách ly

Bệnh nhân số 17 - tình huống đặc biệt

22 giờ tối ngày 6.3, Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn do có tình huống đặc biệt liên quan tới dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội đã xác nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên của thành phố, cũng là ca thứ 17 của Việt Nam sau hơn 20 ngày Việt Nam không phát sinh ca bệnh nào mới, kể cả địa phương từng được coi “tâm dịch” của Việt Nam là tỉnh Vĩnh Phúc.
Ca bệnh thứ 17 nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận trong những ngày qua tên là N.H.N (nữ, 26 tuổi), tạm trú tại phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 15.2, bệnh nhân xuất cảnh tại sân bay Nội Bài sang thăm người nhà sống tại London (Anh), nhập cảnh vào London ngày 16.2. Đến ngày 18.2, bệnh nhân đi từ London sang Milan, tỉnh Lombardy (Ý) du lịch (thời điểm này, tỉnh Lombardy chưa ghi nhận dịch Covid-19 bùng phát).
Đến 20.2, bệnh nhân quay trở lại London. Ngày 25.2, bệnh nhân từ London sang Paris (Pháp) du lịch 1 ngày, ở đây bệnh nhân có gặp chị gái (hiện có thông tin chị gái bệnh nhân nhiễm Covid-19). Ngày 26.2, bệnh nhân quay lại London.
Ngày 29.2, bệnh nhân có biểu hiện ho nhưng không đi khám. Đến ngày 1.3, bệnh nhân xuất hiện thêm đau mỏi người, không rõ sốt. Trong ngày 1.3, bệnh nhân đáp chuyến bay có số hiệu VN 0054 của hãng hàng không Việt Nam Airlines trở về nước.

Toàn bộ phố Trúc Bạch với 176 người đã bị phong tỏa ngay trong tối 6.3

Ảnh Lê Quân

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 4 giờ 30 sáng 2.3 (lúc này bệnh nhân không sốt). Sau khi làm thủ tục nhập cảnh, bệnh nhân được lái xe riêng của gia đình đưa về nhà riêng tại địa phố Trúc Bạch. Trong ngày này, bệnh nhân có sốt nhẹ.
Ngày 5.3, bệnh nhân xuất hiện sốt (38 độ C), ho nhiều, có đờm, mệt mỏi và đã đi khám tại Bệnh viện Hồng Ngọc cơ sở 55 Yên Ninh, quận Ba Đình, được chẩn đoán viêm phổi (phim chụp X-quang có hình ảnh đám mờ ở đáy phổi phải), bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (huyện Đông Anh) để theo dõi điều trị. Tại đây, N.H.N được xác định là dương tính với SARS-CoV-2.
Trong tối 6.3, Hà Nội quyết định phong tỏa khu phố Trúc Bạch, nơi bệnh nhân số 17 tạm trú kể từ khi về Hà Nội. 176 nhân khẩu tại khu phố này cũng được cách ly.

"Vén màn" vài tin đồn quanh cô gái bệnh nhân Covid-19 thứ 17 ở Hà Nội

Chuyến bay VN0054

Cho tới nay, đã có 13 hành khách trên chuyến bay VN0054 có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2

Đồ họa Lê Hiệp

Chiều 7.3, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương công bố một ca nhiễm Covid-19 đối với một thanh niên (nam, 27 tuổi) quê Ninh Bình), đến Daegu, Hàn Quốc vào ngày 1.2, trở về Việt Nam bằng máy bay từ Busan đến Vân Đồn ngày 4.3.
Sau khi nhập cảnh Việt Nam, bệnh nhân này đã được cách ly tập trung, được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Các hành khách trên chuyến bay được đưa tới khu cách ly tập trung của trường Quân sự, Quân đoàn 1 tổ 19 phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Đây là bệnh nhân thứ 18 của Việt Nam.
17 giờ cùng ngày, Bộ Y tế thông báo thêm 2 trường bệnh nhân Covid-19 là những người khác tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân số 17 ở Hà Nội. Hai bệnh nhân này là L.T.H (nữ, 64 tuổi), bác ruột của bệnh nhân số 17 và Đ.D.P (27 tuổi) lái xe của gia đình.
Ca bệnh thứ 17 được cho là ca bệnh khởi phát đợt thứ 2 của dịch Covid-19 tại Việt Nam. Cho tới hiện tại (11.3), đã có tới 13 bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Việt Nam được xác định đều là hành khách trên chuyến bay VN0054 hạ cánh tại Nội Bài vào 2.3.
Chuyến bay này có 201 hành khách, trong đó có 26 người Việt Nam, còn lại là người nước ngoài. Tổ bay gồm có 16 người, gồm 1 người nước ngoài và 7 nhân viên vệ sinh. Cho tới nay, chỉ mới tìm được 176 người để cách ly.
Các ca bệnh là hành khách chuyến bay VN0054 các bệnh nhân số 21 (nam, 61 tuổi, ngồi ở hàng ghế 5A, gần hàng ghế bệnh nhân số 17); bệnh nhân số 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 33. Tất cả đều là người nước ngoài.

Nghi vấn nhà vệ sinh chuyến bay VN0054 là tụ điểm lây lan Covid-19

Trong ngày 10.3, Việt Nam xác nhận thêm 2 ca bệnh số 32 và 34 không phải là hành khách trên chuyến bay VN0054.
Cụ thể, trường hợp bệnh nhân số 32 là một phụ nữ 24, quốc tịch Việt Nam, sống tại London và có tiếp xúc với bệnh nhân số 17 N.H.N. Bệnh nhân này trở về Thành phố Hồ Chí Minh từ Luân Đôn bằng máy bay thuê riêng, đến sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng ngày 9.3, sau đó được đưa đến Bệnh viện dã chiến Củ Chi để cách ly và xét nghiệm, sau đó đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Bệnh nhân số 34 cũng là một phụ nữ 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Người phụ nữ này trở về Việt Nam từ Mỹ, nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM vào sáng ngày 2.3.2020, sau đó đi ô tô đến Bình Thuận. Sáng 9.3 người này nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và đã được xác nhận dương tính với virus một ngày hôm sau.
Trong lượt đi, ngày 22.2, bệnh nhân bay từ Tân Sơn Nhất sang New York, quá cảnh tại Sân bay Incheon, Hàn Quốc trong 3 giờ. Đến ngày 29. 2, bệnh nhân trở về Việt Nam từ Washington D.C., có quá cảnh trong 3 giờ tại Sân bay Hamad ở Doha, Qatar. Ngày 5.3, nữ bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Sáng 11.3, Bộ Y tế thông báo về ca bệnh Covid-19 số 35. Bệnh nhân thứ 35 là nữ, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam là nhân viên bán hàng tại Siêu thị Điện máy Xanh ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Khoảng 18 - 19 giờ ngày 4.3.2020, bệnh nhân có tiếp xúc trực tiếp với hai người Anh những người này sau được xác định là bệnh nhân số 22 và 23.
Chiều 11.3, Việt Nam công bố thêm 3 ca nhiễm Covid-19 tại Bình Thuận. Các bệnh nhân thứ 36 (64 tuổi), bệnh nhân thứ 37 (37 tuổi), bệnh nhân thứ 38 (28 tuổi) đều là nữ, lần lượt là giúp việc, nhân viên, con dâu của bệnh nhân thứ 34.

Thêm 3 ca mới ở Bình Thuận, Việt Nam có 38 người dương tính với Covid-19

Bạn có thể làm gì

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng. Biện pháp quan trọng nhất trong bối cảnh hiện tại vẫn là thực hiện cách ly những người nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với những người nhiễm.
Theo các tài liệu hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu người mắc bệnh Covid-19 là F0 thì những người tiếp xúc gần với F0 là F1 (những người nghi nhiễm). Những người tiếp xúc với F1 là F2; tương tự những người tiếp xúc với F2 là F3. Mỗi F đều có những khuyến cáo khác nhau về cách ly về phòng dịch, đồng thời phải báo cho những F khác biết về tình trạng của mình.
Tình trạng F có thể thay đổi tùy kết quả xét nghiệm của các F trên, nên cần báo y tế quận để nhận được thông tin sớm nhất. Và nếu bạn không biết mình là F gì thì phải đến ngay các cơ quan y tế để khám khi có các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mệt mỏi...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.