Tòa tuyên 2 án chung thân cho vụ lừa đảo giãn dân phố cổ

12/06/2014 18:52 GMT+7

(TNO) Đã có hai bản án chung thân được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên trong vụ xét xử lừa đảo "Giãn dân phố cổ".

(TNO) Sau 4 ngày xét xử, chiều nay 12.6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với các bị cáo trong vụ lừa đảo “Giãn dân phố cổ”.

Theo đó HĐXX đã tuyên mức án chung thân đối với 2 bị cáo: Nguyễn Đức Thắng (64 tuổi, ngụ tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) và Trần Ứng Thanh (67 tuổi, ngụ tại phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà (Công ty Hồng Hà).

Trong khi đó các bị cáo Nguyễn Đức Lợi (59 tuổi, ngụ tại phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội), nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển kinh tế Hà Nội (Công ty Hà Nội) bị tuyên mức án 18 năm tù giam, bị cáo Nguyễn Quốc Xương (56 tuổi, ngụ tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội), nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Hồng Hà bị tuyên chịu mức án 13 năm tù giam.

Trước đó, trong ngày làm việc thứ 3 (ngày 11.6) đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị mức án chung thân đối với 2 bị cáo Thắng và Thanh. Còn bị cáo Lợi bị đề nghị mức án 19 – 20 năm tù, bị cáo Xương bị đề nghị mức án 16 – 18 năm tù. Như vậy mức án của bị cáo Lợi và bị cáo Xương giảm so với đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.


Các bị cáo trong phiên xét xử - Ảnh: Hà An

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, vụ án chiếm đoạt tài sản Dự án giãn dân phố cổ xảy ra tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, với 143 bị hại và 4 bị cáo. 4 bị cáo bị truy tố cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Nguyễn Đức Thắng, Trần Ứng Thanh, Nguyễn Đức Lợi và Nguyễn Quốc Xương.

Bản cáo trạng nêu rõ: Dự án đầu tư, xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng thuộc “Đề án giãn dân phố cổ” do UBND quận Hoàn Kiếm cùng đơn vị tư vấn soạn thảo. Nội dung đề án thể hiện cơ chế lựa chọn nhà thầu theo phương thức xã hội hóa và nhà thầu được lựa chọn thi công dự án phải ứng toàn bộ vốn để xây dựng công trình theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công đã được phê duyệt.

Sau khi xây dựng xong công trình sẽ bàn giao toàn bộ công trình cho UBND quận Hoàn Kiếm để thực hiện giãn dân phố cổ. Nhà thầu thi công được hưởng một số ưu đãi trong dự án.

Ngày 23.8.2010, UBND quận Hoàn Kiếm có công văn chấp thuận đề nghị của Công ty Hồng Hà được mua 50 căn hộ chung cư cao tầng để cải thiện điều kiện ăn ở cho cán bộ, công nhân viên công ty và đồng ý về mặt nguyên tắc cho công ty được sử dụng kinh doanh với tỷ lệ 15% căn hộ trên tổng dự án mà Công ty Hồng Hà bỏ vốn để đầu tư xây dựng nhà ở.

Lợi dụng điều này, Công ty Hồng Hà và Công ty Hà Nội sử dụng các văn bản, quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành, làm cho khách hàng tưởng rằng công ty này là chủ đầu tư dự án nên được phép huy động vốn. Sau đó các công ty trên đã ký hợp đồng mua bán, góp vốn và nhận đặt cọc.

Phát hiện sự việc trên, ngày 18.3.2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã mời các công ty đến làm việc và thông báo chấm dứt việc nghiên cứu lập dự án giãn dân phố cổ. UBND quận Hoàn Kiếm cũng ban hành văn bản hủy bỏ công văn về việc giao cho Công ty Hồng Hà bỏ vốn xây dựng và được thi công dự án, yêu cầu công ty chấm dứt hành vi rao bán căn hộ thuộc dự án giãn dân phố cổ.

Tuy nhiên lãnh đạo Công ty Hồng Hà đã dùng văn bản không còn hiệu lực để lừa đảo huy động vốn của người dân, thu về số tiền gần 170 tỉ đồng rồi bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Tới ngày 24 và 25.9.2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam đối với các bị cáo.

Bài, ảnh: Hà An

>> Vụ giãn dân phố cổ: Không cưỡng chế mà để dân tự nguyện
>> “Mượn” dự án giãn dân phố cổ để lừa đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.