Tòa chậm ngăn thay đổi hiện trạng, thiệt hại ai chịu?

29/10/2017 06:33 GMT+7

Thực tế, có rất nhiều vụ án dân sự, trong quá trình tòa thụ lý nảy sinh tình trạng một trong hai bên đương sự làm thay đổi nguyên trạng ban đầu...

Thông tin trên Thanh Niên ngày 26.10 về việc Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao vừa khởi tố Phó chánh án TAND TP.Sóc Trăng về hành vi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trái luật, gây thiệt hại cho người bị áp dụng, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Thực tế, có rất nhiều vụ án dân sự, trong quá trình tòa thụ lý nảy sinh tình trạng một trong hai bên đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn) làm thay đổi nguyên trạng ban đầu (thời điểm tòa bắt đầu thụ lý vụ kiện), dẫn đến phát sinh nhiều hậu quả. Thường khi đó, đương sự sẽ yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) để tránh phát sinh hậu quả, nhưng không phải lúc nào cũng được chấp thuận, gây bức xúc cho đương sự.

tin liên quan

Ra quyết định trái luật, phó chánh án bị khởi tố
Sáng 25.10, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can (cho tại ngoại) đối với Phó chánh án TAND TP.Sóc Trăng Nguyễn Văn Thanh Bình về tội 'ra quyết định trái pháp luật'.
Hơn 10 năm chưa xong vụ kiện
Mới đây, Báo Thanh Niên nhận được đơn khiếu nại khẩn cấp của ông Lê Duy Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty CP kinh doanh và phát triển nhà Lê Vũ) về việc TAND Q.2 (TP.HCM) đã thụ lý vụ án “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ở Q.2, trong đó công ty của ông có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhưng kéo dài đến hơn 10 năm chưa đưa ra xét xử, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn cũng như Công ty Lê Vũ. Đáng lưu ý, vào tháng 9.2017, khi thấy nguyên đơn có dấu hiệu cho người đập phá tường rào, đổ đất, đá san lấp diện tích đang tranh chấp, ông Phương đã yêu cầu Công an P.Bình Trưng Đông, Q.2 đến lập biên bản ghi nhận hiện trường vụ việc.
Sau đó, ông làm đơn yêu cầu thẩm phán ra quyết định áp dụng BPKCTT cấm nguyên đơn thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp. Ngày 26.9.2017, thẩm phán ra thông báo không áp dụng BPKCTT vì các chứng cứ như biên bản không có hình con dấu, hình ảnh ông Phương chụp tại hiện trường đang thay đổi không thể hiện ngày tháng năm chụp hình, không thể hiện địa điểm chụp hình…
Không đồng ý, ông Phương khiếu nại lên Chánh án TAND Q.2. Sau đó, chánh án ra quyết định giải quyết khiếu nại, nêu: “Vụ án đang được tòa án giải quyết và có sự việc thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, nên yêu cầu áp dụng BPKCTT của đương sự là có cơ sở”.
Đến ngày 11.10.2017, thẩm phán ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm theo yêu cầu áp dụng BPKCTT của Công ty Lê Vũ, buộc công ty này phải gửi tài sản bảo đảm có giá trị hơn 6,4 tỉ đồng vào tài khoản ngân hàng trong thời gian 48 giờ. Sau khi công ty hoàn tất nghĩa vụ này thì tòa sẽ ra quyết định áp dụng BPKCTT. “Đây là vụ tranh chấp mà chúng tôi là bên bị thiệt hại khi đã đổ vào rất nhiều tiền nhưng không được nhận tài sản giao dịch. Vụ án đã kéo dài quá lâu, nay buộc phải đóng mức bảo đảm quá cao như thế thì thật sự chúng tôi bị đẩy vào thế khó”, ông Phương nói và cho biết nguyên đơn vẫn đang san lấp trên diện tích đất tranh chấp.
Bình luận về việc thẩm phán ban đầu không ra quyết định áp dụng BPKCTT, ông Lê Hoàng Tấn, thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM, cho rằng quá trình thu thập, thẩm định chứng cứ, nếu chứng cứ đương sự cung cấp chưa rõ thì thẩm phán có quyền trực tiếp xuống địa bàn để tìm hiểu, xác minh. “Nếu nhận thấy yêu cầu của đương sự là có cơ sở thì thẩm phán nên linh động, tránh trường hợp đương sự phải chạy đi chạy lại nhiều lần”, ông Tấn nói.
Cần quy định rõ ràng để tránh tiêu cực
Theo luật sư (LS) Vũ Quang Đức (Đoàn LS TP.HCM), quy định buộc gửi tài sản đảm bảo cho quyết định áp dụng BPKCTT là phù hợp, bởi nếu thẩm phán ra quyết định sai, có thiệt hại thì thẩm phán hoặc người yêu cầu phải bồi thường. “Trong trường hợp có sự thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, đương sự yêu cầu nhưng không có điều kiện ký quỹ và việc thay đổi hiện trạng vẫn xảy ra thì khi xét xử mọi thiệt hại từ việc thay đổi này sẽ do bên thay đổi phải chịu”, LS Đức nói. Tuy nhiên, LS Đức cũng nhìn nhận thực tế có nhiều vụ án đang trong quá trình thụ lý, hiện trạng tài sản bị thay đổi, dẫn đến kéo dài thời gian xét xử và gây khó khăn cho quá trình thi hành án. Vì vậy, thẩm phán cần ban hành quyết định áp dụng BPKCTT phù hợp, xét hoàn cảnh là cần thiết.
Về mức buộc gửi tài sản mà theo ông Phương là quá cao, LS Vũ Quang Đức phân tích: Bộ luật Tố tụng dân sự bỏ ngỏ cách tính, xác định tỷ lệ gửi tài sản bảo đảm bao nhiêu, nên tùy vụ án, thẩm phán thụ lý là người quyết định số tiền gửi đảm bảo. Luật chỉ nêu tài sản này phải tương đương tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng BPKCTT không đúng, nhằm bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng BPKCTT và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT từ phía người có quyền yêu cầu.
Trong vụ án nêu trên, theo biên bản thỏa thuận giữa ông Phương và nguyên đơn, tài sản đang tranh chấp được định giá khoảng 128 tỉ đồng nên thẩm phán đã tính thiệt hại xảy ra nếu có là 5% của 128 tỉ đồng, tương đương hơn 6,4 tỉ đồng.
Chánh án TAND Q.2 Quách Hữu Thái thừa nhận, luật chưa quy định về cách tính gửi tài sản đảm bảo nên việc xác định đóng bao nhiêu vẫn do thẩm phán dự trù thiệt hại và điều 136 bộ luật Tố tụng dân sự cho thẩm phán thẩm quyền này. Còn Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM Võ Văn Thêm nhận định, việc trao quyền cho thẩm phán khiến đương sự hoặc bên yêu cầu phải phụ thuộc vào thẩm phán rất nhiều, dễ phát sinh tiêu cực hoặc trường hợp tòa gây khó dễ cho đương sự. “Cần có quy định hướng dẫn cụ thể điều luật này, định lượng khoản tiền ký bảo đảm”, ông Thêm kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.