Tình trạng tân quan tân chính sách là có thật

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/09/2018 11:38 GMT+7

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Giàu , Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, khi lý giải tình trạng các dự án luật được đưa ra sửa đổi liên tục, dù chỉ là sửa vài ba điều.

Một số chính sách chỉ là ý tưởng của chuyên viên
Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 13.9, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng vẫn có những bộ ngành thiếu chủ động khi thực hiện thi hành Hiến pháp, dẫn đến lúng túng, rồi tình trạng lùi, hoãn, rút ra khỏi chương trình.
Vấn đề quan trọng hơn, theo bà Nga, là chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật. Bà Nga cho biết, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, riêng trong năm 2017, đã có 5.600 văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành. Đó là hạn chế rất đáng lưu ý.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, chất lượng hồ sơ các dự án luật trình sang Quốc hội còn hạn chế, từ việc báo cáo tác động sơ sài, lấy ý kiến đối tượng tác động còn hình thức, nên khi đưa sang Quốc hội thảo luận thì “vỡ trận”.
Bà Nga cũng thẳng thắn cho rằng, ngoài một số bộ trưởng, trưởng ngành rất quan tâm, cá biệt một số bộ, ngành thì bộ trưởng ủy quyền cho thứ trưởng, thứ trưởng lại ủy quyền cho vụ trưởng, sau này để lại cho các ủy ban của Quốc hội chỉ một vài chuyên viên tham gia.
“Đôi lúc, chúng tôi có cảm giác một vài chính sách chỉ là ý tưởng của một số chuyên viên chưa được thẩm định kỹ. Trong khi đó, quy trình xin ý kiến của Chính phủ nhiều khi là xin ý kiến văn bản, nên chất lượng một số chính sách không đảm bảo. Khi đưa sang Quốc hội thảo luận cực kỳ bất cập”, bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, trình độ của cán bộ làm công tác pháp chế như báo cáo của Chính phủ thì rất khó khăn trong việc xây dựng pháp luật. Theo đó, hiện còn có 747/4.377 người làm công tác pháp chế ở T.Ư (chiếm 17%) và 1.072/2.138 người làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh (chiếm 50,1%) chưa có trình độ cử nhân luật.
Nhiều luật chỉ sửa vài ba điều, còn lại là câu chữ
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng băn khoăn về tính ổn định của hệ thống pháp luật hiện nay, khi các luật được sửa đổi, thay đổi liên tục. “Cho đến nay, cầm một đạo luật mà không biết luật này đã bị sửa bởi những luật nào và sẽ bị sửa đổi bởi những luật nào khác”, bà Nga nói, và cho rằng sự thiếu ổn định này sẽ ảnh hưởng đến nhiều việc về chính sách, tâm lý, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng, hiện nay cũng có tâm lý các bộ, ngành làm gì vướng một cái là đề nghị sửa luật ngay và cả Chính phủ, Quốc hội đều dễ dàng đồng ý sửa luật. “Thay đổi cũng đúng nhưng phải giữ sự ổn định tương đối”, bà Nga nói.
Cùng quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thực chất, hệ thống pháp luật hiện nay khá hoàn thiện, đầy đủ nhưng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, cứ vướng cái là sửa mà nhiều khi cái sửa không phải do luật, mà chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện.
Dẫn ví dụ luật Phòng chống tham nhũng, ông Hiển cho biết 3 khóa Quốc hội gần đây đều sửa nhưng nếu như tổ chức thực hiện tốt luật hiện hành và các luật khác như luật Chống rửa tiền, luật Thuế, các chính sách tài khóa, tiền tệ, cũng góp phần chống tham nhũng. Từ đó, ông Hiển đề nghị chỉ sửa những vấn đề đã chín muồi chứ không nên chạy đề xuất theo như hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cũng đặt vấn đề: Tại sao nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng nhanh, ở mức cao nhưng suy đi suy lại, luật lại sửa liên tục mà sửa ngày càng mang tính chất văn tự nhiều hơn là sửa luật.
Lý giải nguyên nhân tình trạng này, ông Giàu cho rằng, thứ nhất, tình trạng tân quan tân chính sách là có thật; thứ 2, dấu vết tư duy nhiệm kỳ là có thật; thứ 3 là phải làm luật, có dự án luật, có luật bổ sung thì mới có kinh phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.