Tính toán từng đối tượng khi tăng tuổi nghỉ hưu

16/05/2019 07:30 GMT+7

Theo dự thảo, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) bắt đầu tăng từ 1.1.2021 với 2 phương án.

Ngày 15.5, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi). Hầu hết các ý kiến đều góp ý về nội dung tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo dự thảo, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) bắt đầu tăng từ 1.1.2021 với 2 phương án: Phương án 1, tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Bà Phạm Hải Hà, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH linh kiện điện tử tại KCN Thăng Long (Hà Nội), cho biết kết quả khảo sát mới đây của công ty về phương án tăng tuổi nghỉ hưu, chỉ có 2/400 NLĐ đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu từ 55 lên 60 đối với nữ. 2 ý kiến đồng ý này đều là lao động gián tiếp, quản lý. Đối với nam, kết quả có 5/400 ý kiến đồng ý.
Bà Đinh Bích Hà, Phó hiệu trưởng Trường mẫu giáo Việt Triều (Hà Nội), bày tỏ giáo viên mầm non ngày nào cũng bắt đầu từ 7 giờ sáng, làm việc từ 10 - 11 tiếng chứ không phải 8 tiếng như quy định, nên nhiều giáo viên lo ngại sau 55 tuổi thì không còn đủ sức đảm bảo hiệu quả công việc.
Thừa nhận thực tế khả năng làm việc của công nhân may, giáo viên mầm non, thợ điện tử… khó có thể kéo dài tới tuổi 60, ông Nguyễn Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: “Ban soạn thảo cũng đã tính toán các đối tượng thuộc ngành, nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đưa ra nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết bố trí, tự tạo việc làm mới cho NLĐ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.