Tình người trong trại giam: Nhà trẻ đặc biệt

04/09/2016 06:58 GMT+7

Không nơi nương tựa nên nhiều em bé được sinh ra trong tù phải cùng mẹ sinh sống trong trại giam. Trại giam Z30D (Hàm Tân, Bình Thuận) đã có hẳn một “nhà trẻ đặc biệt” dành cho các em bé có hoàn cảnh éo le này.

Sinh con trong tù
Nhìn bề ngoài, phạm nhân Hứa Mỹ Duyên (nhà ở Q.8, TP.HCM) trông già dặn hơn nhiều so với tuổi 40 của mình khi tóc đã nhuốm màu hoa râm. Duyên đang thụ án 8 năm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuộc đời Duyên đầy truân chuyên khi hai lần lấy chồng đều dở dang. Người chồng đầu sống chung được một thời gian thì bỏ Duyên ra đi. Người chồng thứ hai bặt vô âm tín kể từ ngày Duyên bị bắt. Ngày thụ án cũng là ngày Duyên biết mình có thai hai tháng. Ngày vượt cạn trong trại giam, may mắn được cán bộ trại và chị em đồng phạm quan tâm nên việc sinh nở “mẹ tròn con vuông”.
Duyên bảo không trách những người đi qua đời mình mà chỉ trách bản thân mình nông nổi, ham tiền để bây giờ cả mấy mẹ con đều khổ. Rồi Duyên xót xa: “Cả đời này tôi sẽ day dứt, ân hận vì đã đưa con vào chốn này, còn đứa ở ngoài thì sống cùng ông bà ngoại. Ba mẹ con, mỗi người mỗi nơi, nghĩ đến tim tôi đau lắm”. Bé Minh - con Duyên - đã 3 tuổi nhưng không có người thân nhận nuôi. Do đó ngày 12.9 tới các cán bộ trại giam sẽ đưa bé Minh vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Bình Thuận. Thời gian Duyên được bên con, giờ đây chỉ tính bằng ngày.
Nếu cải tạo tốt, 4 năm nữa Duyên mới được ra trại. Siết chặt đôi bàn tay vào nhau, Duyên nói rất quyết tâm: “Ngày xa con chỉ có một cách là phải cứng rắn, chăm chỉ lao động cải tạo, mới giết dần năm tháng, chớ không thời gian sẽ giết chết tôi mất. Cố gắng đợi ngày về, lúc này sẽ không có giới hạn nào cho người mẹ tội lỗi này nữa. Khi ra tù, tôi sẽ đến trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh để đón con, để mẹ con không bao giờ phải rời xa nhau”.
Cùng cảnh với Duyên là phạm nhân Mãi Yến Trinh (42 tuổi, ngụ Cần Thơ). Trinh thụ án 8 năm vì tội mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy. Ngước mắt nhìn với vẻ mặt khắc khổ, Trinh kể: “Tôi là con duy nhất trong nhà. Ba tôi mất sớm vì tai biến, mẹ thì bị bệnh tiểu đường, giờ không biết còn sống hay đã mất. Ở đây, người cô đơn nhất vẫn có người thăm nhưng tôi không được ai thăm nuôi cả nên mọi người nói tôi là “kẻ mồ côi”.
Trinh có bầu khi phiên tòa đang xét xử và sinh con khi đang thụ án ở trại Z30D. Con Trinh năm nay 3 tuổi, được đặt tên theo họ mẹ là Mãi Hoàng Sơn, tên gọi ở trại là Pepsi. Người đàn bà một thuở ngang tàng không giấu được nước mắt khi nghĩ đến những ngày sắp tới. Nói chuyện mà Trinh cứ nghẹn ngào: “Mỗi khi con hỏi ba đâu hở mẹ, sao mình cứ loanh quanh ở đây thôi mẹ, sao không đi chỗ khác làm lòng tôi quặn thắt”.
Cũng như con của phạm nhân Duyên, con của Trinh khi qua 3 tuổi nếu không được ai nhận nuôi sẽ được gửi vào Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Thuận. “Tôi sắp phải xa con nên đêm về thường hay giật mình tỉnh giấc, bật dậy sờ khắp cả cơ thể con. Rồi mai đây, tôi sợ nhất cảm giác này, trống vắng vô cùng”, Trinh nói trong tiếng nấc.
Yêu thương xóa tan mọi khoảng cách
Khu vực dành cho những phạm nhân có con nhỏ rộn ràng hơn những khu vực khác trong phân khu 2 này bởi những tiếng cười đùa, tiếng khóc, tiếng bi bô tập gọi mẹ của các bé. Có lẽ nếu không nhìn thấy màu xanh lá của những bộ cảnh phục và màu áo kẻ sọc của phạm nhân thì chúng tôi đã tưởng rằng đây cũng như bao nhà trẻ bình thường khác.
Tại đây, không ít phạm nhân đã sinh con tại trại giam, được cán bộ trại tạo điều kiện cho hai mẹ con ở bên cạnh nhau để các bé được phát triển một cách tốt nhất.
Tại khu giam giữ này có 27 đứa bé theo mẹ vào trại, có những bé được sinh ra tại đây, bé lớn nhất gần 3 tuổi, bé nhỏ nhất 1 tháng tuổi. Tại đây, các em được vui chơi, nhảy múa, được các quản giáo tổ chức chương trình Quốc tế thiếu nhi 1.6, hay vui Trung thu. Ở khu vực này, ngoài đồ chơi cho các bé, xung quanh căn phòng còn được trang trí bằng những hình ảnh cỏ cây, hoa lá, ngôi nhà và những đứa trẻ... rất bắt mắt. Có lẽ nhờ sự yêu thương của các nữ quản giáo, của mẹ, nơi đây như xóa tan mọi giới hạn, khiến mọi người quên mất đây là nhà trẻ trong trại giam. Từng đi giữ trẻ nên Hứa Mỹ Duyên được cán bộ phân công dạy trẻ trong lớp học này. Dù trong màu áo phạm nhân, các mẹ, các cháu cũng gọi Duyên là cô giáo.
Một cán bộ quản giáo cho biết, những người mẹ là phạm nhân được nghỉ sinh theo chế độ 6 tháng, mức lao động chỉ bằng nửa phạm nhân khác. Đặc biệt, những bà mẹ ở đây đều là mẹ chung của các bé bởi họ chia cho nhau từ dòng sữa ngọt, cho đến tã, bỉm, quần áo, thức ăn...
Khi chúng tôi thắc mắc đến việc làm giấy khai sinh cho các bé thì một cán bộ quản giáo cho biết dựa trên giấy chứng sinh sẽ làm giấy khai sinh cho các bé, đặt tên bé theo nguyện vọng của mẹ. Khi các bé trên 36 tháng tuổi, nếu có người nhà nhận chăm sóc bé thì các bé sẽ trở về cuộc sống bên ngoài, với điều kiện tốt hơn. Nếu không có ai chăm sóc thì các bé sẽ được vào trung tâm bảo trợ xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.