Tình hình Covid-19 tại Việt Nam ngày 6.8: Dự báo số ca bệnh tăng nhanh

06/08/2020 18:45 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 tại Việt Nam của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 19 giờ hằng ngày tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube Báo Thanh Niên, Fanpage Facebook Báo Thanh Niên và trang Báo Thanh Niên trên mạng xã hội Lotus . Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý khán giả trong bản tin hôm nay 6.8.

Bản tin tình hình Covid-19 tại Việt Nam ngày 6.8.2020 của Truyền hình Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Thêm bệnh nhân Covid-19 tử vong trên nền bệnh lý nặng

Trong ngày 6.8, Bộ Y tế cho biết có thêm 2 trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 10 bệnh nhân Covid-19 tử vong.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.Đà Nẵng, trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong sáng nay là bệnh nhân 651 (nữ, 67 tuổi, quê Duy Xuyên, Quảng Nam). Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn tính, lupus ban đỏ, đái tháo đường type 2, nhiễm nấm máu. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi, suy hô hấp trên bệnh nhân suy thượng thận mạn tính, đái tháo đường type 2 và Covid-19.

Tổng hợp tin Covid-19 tại Việt Nam ngày 6.8: Thêm 34 bệnh nhân mới, 2 ca tử vong

Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định "10 ngày tới sẽ là đỉnh dịch Covid-19"

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp với ổ dịch nóng bỏng nhất ở Đà Nẵng và thêm nhiều tỉnh thành ghi nhận các ca bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đưa ra nhận định: "Số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng lên và đến đỉnh dịch trong vòng 10 ngày tới."

Thứ trưởng Bộ Y tế: '10 ngày tới sẽ là đỉnh dịch Covid-19'

Thứ trưởng cũng cho biết thêm, dịch bệnh ở giai đoạn mới này khởi phát tại bệnh viện và lây lan cho nhiều bệnh nhân và người nhà cũng như các nhân viên y tế chăm sóc tại 3 bệnh viện. Trong đó có rất nhiều bệnh nhân có nền bệnh nặng có nguy cơ tử vong cao và đã xuất hiện những trường hợp tử vong do nền bệnh lý nặng và còn có các trường hợp khác có nguy cơ tử vong cao do bệnh lý nền rất nặng.
Bên cạnh những bệnh nhân đã truy vết được thì ở một số nơi đã xuất hiện một số bệnh nhân không có liên quan đến các bệnh viện trên. Do vậy công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết qua phân tích sự lây nhiễm của virus, ngành y tế khuyến cáo trong 10 ngày tới người dân cần hết sức cẩn thận và thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh.

Nguy cơ từ ổ dịch Covid-19 trên chuyến bay VN7198

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội chiều 5.8, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên chuyến bay VN7198 từ sân bay Đà Nẵng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài ngày 24.7.
Theo đó, trên chuyến bay này đã có 6 bệnh nhân Covid-19 (4 người tại Lạng Sơn và 2 người tại Bắc Giang, vừa được Bộ Y tế công bố chiều 5.8). Ông Nguyễn Đức Chung nhận định chuyến bay này hạ cánh xuống Nội Bài là nơi rất đông đúc, hành khách cơ bản không đeo khẩu trang. Phải khẩn trương tìm kiếm những người trên chuyến bay này.

6 người nhiễm Covid-19 trên chuyến bay VN7198 từ Đà Nẵng về Hà Nội

Hậu sự của bệnh nhân Covid-19 tử vong được tiến hành như thế nào ở Đà Nẵng?

Theo văn bản hướng dẫn của Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng về việc tổ chức tang lễ trong phòng, chống dịch Covid-19, người từ trần do mắc Covid-19 sẽ được cơ quan chức năng xử lý theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19.
Cụ thể: Sẽ hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên. Tro cốt sau khi hỏa táng, gia đình đưa vào lưu tạm tại nhà lưu tro cốt thuộc Trung tâm Hỏa táng An Phước Viên hoặc đưa về gia đình. Đáng chú ý, không được tổ chức tang lễ đưa tro cốt về lại gia đình.

Hậu sự của bệnh nhân Covid-19 tử vong được tiến hành như thế nào ở Đà Nẵng?

Lịch trình di chuyển của các bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang, Lạng Sơn

Chiều 5.8.2020, Bộ Y tế đã thông tin về 41 bệnh nhân Covid-19 mới tại Việt Nam, trong đó có 6 bệnh nhân ở Bắc Giang và Lạng Sơn. Đây đều là những người trở về từ Đà Nẵng trong đoàn đi du lịch nhiều người và có lịch trình di chuyển khá phức tạp. 
Ngay khi nhận được thông tin về các trường hợp này, chính quyền 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn đã tổ chức phong tỏa khu vực các bệnh nhân sinh sống, điều tra dịch tễ, truy vết những người tiếp xúc và tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 theo quy định.

Lịch trình di chuyển của các bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang, Lạng Sơn

Nhiều bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích đạo mắc sốt rét, tổn thương nội tạng

Chiều 5.8, tiến sĩ - bác sĩ Trần Văn Giang, Phó Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết trong đoàn 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước có 15 bệnh nhân mắc bệnh sốt rét thể ác tính, trong đó có 6 ca đồng nhiễm sốt rét và Covid-19, tổn thương nhiều tạng trong cơ thể.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Văn Giang, tuy số ca được xác định dương tính với SARS-CoV-2 chỉ có 21 ca, ít hơn dự kiến ban đầu là 120 người nhưng lại có những trường hợp bệnh nhân đồng nhiễm sốt rét và Covid -19 khiến nhiều tạng bị tổn thương. Đặc biệt có bệnh nhân men gan tăng cao gấp 10 - 15 lần bình thường. Điều này rất ít gặp ở bệnh nhân Covid -19 đơn thuần.
Ông Trần Văn Giang cho biết việc điều trị cho bệnh nhân mắc cả Covid -19 và sốt rét vất vả hơn rất nhiều, phải tăng cường xét nghiệm theo dõi Covid -19 hàng ngày và xét nghiệm đánh giá ký sinh trùng sốt rét với cơ quan tạng của bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân mắc sốt rét thể ác tính, dự báo số ca mắc sẽ còn tăng lên nữa do họ vừa ra khỏi vùng dịch tễ, chưa bộc lộ hết các triệu chứng.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 từ Guinea Xích đạo mắc sốt rét, tổn thương nội tạng

Y bác sĩ Hải Phòng đã sẵn sàng "chia lửa" với Đà Nẵng chống Covid-19

Tối 5.8.2020, đoàn y bác sĩ thành phố Hải Phòng đã có mặt tại tâm dịch Đà Nẵng để chi viện cho thành phố này trong công tác chống dịch Covid-19.
Trước đó, trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, lực lượng y tế cần tăng cường, thành phố Đà Nẵng đã kêu gọi các địa phương hỗ trợ.
Thành phố Hải Phòng kết nghĩa với thành phố Đà Nẵng đã cử đoàn cán bộ 33 người, gồm 8 bác sĩ và 25 điều dưỡng tình nguyện vào tâm dịch để hỗ trợ điều trị, phòng chống dịch Covid-19.
Đội ngũ này gồm của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Kiến An và Bệnh viện Phụ sản; thuộc 3 chuyên ngành mà thành phố Đà Nẵng đang rất cần là nội hô hấp, hồi sức cấp cứu và truyền nhiễm.
Đồng thời, thành phố Hải Phòng cũng quyết định hỗ trợ Đà Nẵng 5 tỉ đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Hải Phòng cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Đà Nẵng 200.000 khẩu trang y tế.

Y bác sĩ Hải Phòng đã sẵn sàng "chia lửa" với Đà Nẵng chống Covid-19

Hà Nội khử khuẩn nơi nhân viên xe buýt mắc Covid-19 từng đến đón vợ

Ngay sau khi thông tin bệnh nhân 714 nhiễm Covid-19 được công bố chính thức, sáng 6.8.2020, UBND phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) đã cử các bộ y tế, công an xuống phong tỏa phun khử khuẩn khu vực có cửa hàng thiết bị y tế Gia Bảo ở số 39 phố Nguyễn Quý Đức. Đây là nơi bệnh nhân 714 thường đến trông hàng và đón vợ.

Hà Nội khử khuẩn nơi nhân viên xe buýt mắc Covid-19 từng đến đón vợ

Ngoài cửa hàng thiết bị y tế này, các cửa hàng, nhà dân liền kề hoặc ở gần đây cũng được phun thuốc khử khuẩn. Người dân được yêu cầu khai báo y tế và tự cách ly theo dõi sức khoẻ.
Bệnh nhân 714 là nam giới, nhân viên điều hành xe buýt của Xí nghiệp xe buýt 10.10 được xác định dương tính SARS-CoV-2 lần 1 vào chiều 5.8. Đây là bệnh nhân có lịch trình di chuyển rất phức tạp qua nhiều địa điểm ở 4 quận khác nhau. Sở Y tế Hà Nội nhận định có nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực, cho nhiều người tiếp xúc.
Tại cửa hàng vật tư y tế của gia đình ở số 39 Nguyễn Quý Đức, bệnh nhân 714 có về trông coi hàng hóa cho vợ vào chiều 18.7. Sau đó liên tục từ ngày 20.7 đến ngày 3.8, sau khi đi làm ở cơ quan, buổi chiều bệnh nhân về cửa hàng và đón vợ về nhà.
Trong sáng 6.8, UBND P.Thanh Xuân Bắc cũng ra quyết định cách ly y tế đối với một nhân viên làm việc tại cửa hàng này có tiếp xúc với 2 vợ chồng bệnh nhân 714. 

Sau ATM gạo, TP.HCM lại có ATM khẩu trang

Sáng 6.8.2020, cây ATM khẩu trang đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức được đưa vào vận hành. Nhiều người dân đã đến từ rất sớm chờ nhận những chiếc khẩu trang miễn phí từ chiếc máy này. Người dân chỉ cần xếp hàng tại các vị trí đã được đánh dấu sẵn, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, sau đó chờ tới lượt để nhận khẩu trang từ máy. Mỗi người sẽ nhận được 3 khẩu trang loại có thể giặt để tái sử dụng trong vòng 30 ngày.
Xuất phát từ việc UBND TP.HCM yêu cầu người dân đeo khẩu trang, anh Hoàng Tuấn Anh - giám đốc một công ty có trụ sở tại TP.HCM đã cùng nhân viên của mình nghiên cứu chế tạo ra chiếc ATM khẩu trang. Anh cho biết muốn góp chút sức mình để cùng chia sẻ những khó khăn với người gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này. 
"Thực ra cảm nhận của mình ở thời điểm này là chưa có cách ly xã hội thì mọi người vẫn đi làm bình thường, nhất là những người lao động nghèo họ phải đi làm ở ngoài đường. Mình mong muốn những người đó họ có một cơ hội để sử dụng khẩu trang miễn phí, để vừa phòng dịch và vừa đáp ứng được chính sách của nhà nước", anh Hoàng Tuấn Anh cho biết. 

Bất ngờ với ATM khẩu trang đầu tiên tại Việt Nam giữa đại dịch Covid-19

Và rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác có trong bản tin tình hình Covid-19 tại Việt Nam ngày 6.8.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.