Tỉnh Bình Phước có làm trái chỉ đạo của Thủ tướng?

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, khẳng định: “Không thể làm trái chỉ đạo của Thủ tướng”.

Trả lời PV Thanh Niên sáng qua (9.8) liên quan đến vụ phá 575 ha rừng, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, cho biết sẽ yêu cầu UBND tỉnh, Sở NN-PTNT kiểm tra lại dự án mà Công ty cao su Sông Bé đang khai thác. Ông Lợi khẳng định: “Không thể làm trái chỉ đạo của Thủ tướng”.
Cùng ngày, ông Đỗ Trọng Kim, Cục phó Cục Kiểm lâm, cho biết đơn vị này đã tiếp nhận thông tin chuyển đổi 575 ha rừng tại tiểu khu 69 - Nông lâm trường Bù Đốp (H.Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) sang thực hiện dự án chăn nuôi và kết hợp trồng rừng mà Báo Thanh Niên phản ánh. Đích thân ông Kim đã gọi điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước để nắm toàn bộ sự việc.

tin liên quan

Phá 575 ha rừng để... chăn nuôi
Hơn 575 ha rừng tại tiểu khu 69 - Nông lâm trường Bù Đốp (H.Bù Đốp, Bình Phước) vừa được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi sang thực hiện “dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng”.
“Tôi đã yêu cầu ngay trong ngày 10.8 phải có báo cáo chi tiết về trình tự, các thủ tục quy trình liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích rừng báo chí đã nêu gửi về Cục Kiểm lâm và Bộ NN-PTNT để có căn cứ đánh giá toàn bộ sự việc, thông tin cho cơ quan báo chí”, ông Kim nói.
Không được chuyển đổi rừng tự nhiên vì lợi ích kinh tế
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cho rằng trong số 3 loại rừng tự nhiên (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) hiện nay thì loại rừng sản xuất đang bị coi thường nhất. Và “người ta” đưa ra nhiều lý do để khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng. Một trong những lý do đó là do rừng đã nghèo kiệt, không có lợi ích và giá trị về kinh tế. Nhưng ở góc độ tự nhiên, bản thân những cánh rừng nghèo kiệt, nếu bảo vệ và gìn giữ tốt, nó sẽ tự phục hồi và phát triển trở thành những khu rừng giàu tài nguyên.
TS Lung nhìn nhận, khoảng 10 năm trở lại đây, VN đang phải trả giá cho câu chuyện trước đây chuyển đổi diện tích rừng nghèo kiệt để chuyển sang trồng rừng cao su, có lợi ích kinh tế cao hơn. Nhưng khi chặt hết cao su rồi hoặc không trồng cao su được nữa thì rừng cũng không còn nữa. Ở các khu vực mất rừng xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai và lũ lụt bất thường. Trên thực tế, những cánh rừng tự nhiên nghèo kiệt nhưng thảm thực vật tự nhiên được hình thành và tích lũy qua hàng chục, hàng trăm năm có khả năng chuyển hóa phần lớn lượng nước mưa thành nước ngầm, giảm thiểu lũ lụt, sạt lở.
Nhưng khi chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng khai thác kinh tế, thảm thực vật bị tác động, biến đổi sẽ mất đi khả năng này. “Các nhà khoa học đều có chung quan điểm, không thể vì miếng cơm manh áo hay bất cứ nguồn lợi kinh tế, mục đích nào khác mà chấp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, dù đó là rừng nghèo kiệt. Khi VN đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nếu không giữ được rừng tự nhiên để giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu thì chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt”, ông Lung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lung, trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng bền vững hiện nay, các nhà khoa học VN hết sức đồng tình và ủng hộ quan điểm của Thủ tướng công bố mới đây, khi ra lệnh đóng cửa toàn bộ rừng tự nhiên. Theo đó, các địa phương phải hiểu “lệnh” đóng cửa rừng ở hai góc độ: không được khai thác hay chuyển đổi mục đích sử dụng để giữ cho được diện tích rừng tự nhiên đang có hiện nay.
“Công ty cao su Sông Bé là chủ rừng” (!?)
Trả lời Thanh Niên hôm qua, ông Trần Văn Lộc - Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Phước, cho biết “dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng, trồng cây ăn trái” trước đây giao cho Công ty CP đầu tư phát triển Sài Gòn - Bình Phước thực hiện. Tuy nhiên, công ty này đã trồng trên 200 ha cao su, sai với chủ trương, mục tiêu nên Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu thu hồi toàn bộ dự án 817 ha. Sau này, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục dự án trên diện tích hơn 575 ha, giao cho Công ty cao su Sông Bé thực hiện. “Hiện nay Công ty cao su Sông Bé phải kiểm kê, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh sau đó mới lập dự án lại. Chỗ nào còn rừng thì giữ lại khoanh nuôi, chỗ nào đất trống thì cho trồng cỏ”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cho rằng Công ty cao su Sông Bé là chủ rừng, dự án thu hồi lại giao cho công ty này quản lý thực chất là làm những việc còn dở dang, đã khai thác trước đó. “Đây là tài sản công thì bán nộp ngân sách, Công ty cao su Sông Bé không có đụng đồng nào hết”, ông Lộc phân trần.
Khi PV đặt vấn đề về việc cùng nằm trong một dự án bị thu hồi nhưng khoảnh 2, 3 phải kiểm kê, đánh giá và lập dự án làm lại mới cho khai thác, thế nhưng ở khoảnh 1 thì UBND tỉnh Bình Phước lại cho khai thác rừng mà không phải lập dự án cũng như không có bất cứ điều kiện gì, ông Lộc giải thích: “Điều kiện gì? Công ty cao su Sông Bé là chủ rừng. Dự án trước đây tạm ngưng bây giờ khai thác lại là chuyện bình thường. Cái này chúng tôi thực hiện đúng chủ trương, không ai làm bậy bạ đâu mà lo”, ông Lộc nói.
Cùng ngày, PV cũng liên hệ với ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh và Tổng giám đốc Công ty cao su Sông Bé nhưng đều không liên lạc được.
“Mong T.Ư, Thủ tướng tới kiểm tra”
Tiếp xúc với PV, ông Đ.V.K (một người dân ấp Tân Lập, xã Phước Thiện, H.Bù Đốp) bức xúc: “Gỗ họ cắt từng cây lớn mang ra chất đống hai bên đường 10. Người dân ở đây ai cũng bức xúc và than phiền sao phá rừng nhiều quá”. Ông T., một cán bộ xã Phước Thiện cho biết ngày trước dọc theo đường 10 rừng rất rậm rạp. Nay phá gần như sạch, vài năm nữa chắc chẳng còn rừng. Rừng sản xuất ở tiểu khu 69 như lá chắn bảo vệ, giờ cắt phá tận mũi nhọn sát sông Đắk Quýt thì đe dọa nghiêm trọng tới rừng phòng hộ. “Chúng tôi mong T.Ư, Thủ tướng tới kiểm tra, giải quyết cho ngưng ngay lập tức dự án, nếu không là họ phá hết rừng”, ông T. nói.
Cùng chung nỗi bức xúc với ông T., ông Nguyễn Hữu Cần (61 tuổi, cựu chiến binh xã Hưng Phước, H.Bù Đốp) lo lắng rừng đầu nguồn bị phá hết thì hạn hán và lũ lụt người dân địa phương lãnh đủ. “Trước đây chính quyền cứ bảo với người dân khu vực trên là rừng phòng hộ. Nay thì lại nói là rừng nghèo để cắt cây, phá rừng. Chỉ mong Chính phủ ra tay can thiệp thì mới mong giữ được rừng”, ông Cần nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.