Tín dụng đen sẽ bị Công an TP.Đà Nẵng trấn áp đến 'không còn bóng dáng'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
24/04/2019 20:02 GMT+7

Tội phạm tín dụng đen sẽ bị trấn áp cho đến khi không còn bóng dáng, đại diện Công an TP.Đà Nẵng khẳng định.

Buổi họp báo quý 1 do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức vào chiều 24.4 nóng lên câu hỏi của các phóng viên liên quan đến kết quả và kế hoạch loại tội phạm tín dụng đen, cho vay nặng lãi gây bức xúc trong thời gian vừa qua.
Trả lời câu hỏi này, đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho biết tín dụng đen trên địa bàn đã gây bức xúc trong dư luận. Trước tình hình này, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch chỉ đạo toàn bộ lực lượng tấn công, trấn áp mạnh loại tội phạm này để ngăn chặn các hành vi khác có thể xảy ra như: cướp, cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích….
“Hiện công an TP đã xử lý nhiều vụ và làm việc chặt chẽ với Viện KSND TP để xử lý bằng được tội phạm tín dụng đen. Kế hoạch này chúng tôi liên tục thực hiện. Cho đến khi không còn bóng dáng tín dụng đen trên địa bàn TP”, đại tá Trần Mưu nhấn mạnh.
Đại tá Trần Mưu trao đổi với các phóng viên về trấn áp tội phạm tín dụng đen ẢNH: HOÀNG SƠN
Liên quan đến việc kiểm tra các quán bar, vũ trường, karaoke… có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đại tá Trần Mưu cho hay, ngày 18.4, Công an TP đã có kế hoạch mở rộng triển khai kiểm tra, thực hiện trên toàn TP.

Theo ông Mưu, để lập lại trật tự trên lĩnh vực sẽ kiểm tra chặt chẽ giờ giấc, thông qua kiểm tra sẽ phát hiện sử dụng ma túy để xử lý và chấn chỉnh. Hiện TP đang trong quá trình thực hiện.

Về tội phạm công nghệ cao đang khiến nhiều người sập bẫy bởi những tin nhắn lừa đảo qua mạng xã hội, đại tá Trần Mưu nhìn nhận, việc phát hiện loại tội phạm mang tính đặc thù này rất công phu. Công an phải điều tra, thu thập chứng cứ trên mạng điện tử nên rất khó khăn.

Ông Mưu cho biết, hiện Đội Công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP, nhưng ý định của Ban giám đốc Công an TP.Đà Nẵng là thành lập Phòng Chống tội phạm công nghệ cao.

“Chúng tôi sẽ nâng cấp thành đơn vị cấp Phòng, tập trung những cán bộ, chiến sĩ có năng lực, trí tuệ về viễn thông, tin học để đáp ứng công việc điều tra…”, ông Mưu thông tin.

Cha ném xác con gái xuống sông Hàn: Vẫn chưa tìm thấy thi thể cháu bé

Tại buổi họp báo, liên quan đến vụ nghi phạm Bùi Văn Hời (34 tuổi, ngụ thôn Hú, xã Hòa Tiến, H.Hưng Hà, Thái Bình) sát hại con, phi tang xác xuống sông Hàn, phóng viên đặt câu hỏi: Công an TP đã xử lý thế nào khi thể thể nạn nhân vẫn chưa được tìm thấy?

Đại tá Trần Mưu thông tin, đây là vụ án gây bức xúc trong dư luận vì cha sát hại con rồi bỏ vào bao, kèm 2 cục đá nặng 10 kg thả xuống sông Hàn.

Theo ông Mưu, sau vụ việc, người cha đã tự thú với cơ quan điều tra. “Chúng tôi tiếp nhận thông tin từ gia đình, chúng tôi rất bức xúc vì Đà Nẵng lâu nay không có hành vi thế này. Chúng tôi đã phối hợp với Viện KSND thống nhất quan điểm đưa vụ án này ra xét xử. Nhưng Viện KSND có những điểm chưa đồng thuận vì cho rằng cơ quan điều tra chưa tìm được xác nạn nhân”, ông Mưu nói.

“Cơ quan điều tra rất nỗ lực, hợp đồng những ngư dân chuyên làm nghề biển đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Tổ chức lặn 5 lần 7 lượt vẫn không tìm thấy xác cháu bé. Bây giờ, buộc phải chứng minh được giết người thì phải tìm được xác. Đó là điều hết sức khó khăn”.

Nghi phạm Bùi Văn Hời bị áp tải đến cầu Thuận Phước để làm rõ vụ cha sát hại con, phi tang xác ẢNH: VĂN TIẾN

Từ thực tế này, Công an TP.Đà Nẵng đã trực tiếp ra Bộ Công an xin ý kiến, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã trao đổi Viện KSND Tối cao về xử lý vụ án nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất được quan điểm.

Công an TP cũng đã 2 lần làm đơn đề nghị Viện KSND TP phê chuẩn với tội danh giết người nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức trả lời.

“Tôi là người chỉ đạo tôi nghe câu hỏi: Sau này, có người giết người thủ tiêu xác lại không xử được à.? Đó là câu hỏi đặt ra rất khó trả lời cho công luận”, ông Mưu trăn trở.

Lần đầu tiên Đà Nẵng không dùng chai nước bằng nhựa tại cuộc họp

Chiều 24.4, nhiều phóng viên dự họp báo quý 1 do UBND TP.Đà Nẵng tổ chức tỏ ra thích thú trước việc Ban quản lý tòa nhà Trung tâm hành chính TP sử dụng bình kim loại, thủy tinh... thay thế cho chai nhựa chứa nước uống như những lần trước.
Đây là một hoạt động được triển khai lập tức sau khi UBND TP.Đà Nẵng ban hành văn bản về triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” bằng nhiều hoạt động đến các tổ chức, doanh nghiệp, khu dân cư, hộ gia đình, cộng đồng dân cư...
Trong văn bản này, UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Văn phòng UBND TP, các sở ngành thực hiện nghiêm túc việc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng 1 lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là không sử dụng chai nhựa tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị.
UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Ban quản lý tòa nhà Trung tâm hành chính TP sử dụng bình kim loại, thủy tinh... để thay thế các loại chai nhựa sử dụng 1 lần phục vụ cho các cuộc họp, hội nghị, hội thảo... tổ chức tại tòa nhà này.

Đà Nẵng có kịch bản ứng phó nếu 2 nhà máy thép khởi kiện

Liên quan đến việc tạm dừng 2 nhà máy thép Dana-Úc và Dana-Ý gây ô nhiễm, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP cho biết, ngày 22.1.2018, TP đã ban hành 2 quyết định xử phạt 2 nhà máy về các vấn đề môi trường, như: không thực hiện đúng báo cáo tác động môi trường, thiếu công tác xử lý chất thải gây hại…

Theo đó, nhà máy thép Dana-Úc bị phạt 740 triệu đồng; Dana-Ý bị phạt 400 triệu đồng, cả 2 nhà máy cùng phạt bổ sung dừng hoạt động 6 tháng.

Ông Hùng cho hay, ngày 2.5, sẽ hết thời hạn 6 tháng. Theo quy định, nếu hết thời hạn, 2 nhà máy có quyền khắc phục sau 6 tháng nữa. Nếu không khắc phục được sẽ có quyền gia hạn, không quá 24 tháng.

Cũng theo ông Hùng, Sở đã có văn bản yêu cầu 2 nhà máy thép nộp số tiền xử phạt.

“Sau quyết định tạm dừng hoạt động, TP đã có kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra, trong đó có tính toán đến vấn đề doanh nghiệp khởi kiện. Tuy nhiên, hiện đang trong giai đoạn trao đổi giữa nhà nước và doanh nghiệp để xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.