Tìm voọc chà vá

03/05/2015 07:18 GMT+7

Tháng nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, các chuyên gia lại vào rừng để nghiên cứu, bảo tồn loài đặc hữu voọc chà vá chân xám chỉ có ở VN. Đây cũng là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới.

Tháng nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, các chuyên gia lại vào rừng để nghiên cứu, bảo tồn loài đặc hữu voọc chà vá chân xám chỉ có ở VN. Đây cũng là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới.

Con voọc đầu đàn Con voọc đầu đàn - Ảnh: Trần Hiếu

Suốt mấy hôm mưa, con đường vào rừng già Kon Ka Kinh - Vườn quốc gia Kon Ka Kinh (thuộc địa bàn 2 huyện Mang Yang, K’bang của tỉnh Gia Lai) trơn như láng mỡ. Nhiều tầng mây đen kịt báo hiệu những cơn mưa chưa dứt. Cùng các chuyên gia Vườn quốc gia và Hội Động vật học Frankfurt (Đức), chúng tôi băng qua các con suối nhỏ, những dốc đá và cuối cùng đành bỏ lại chiếc xe máy, lưng vác ba lô lỉnh kỉnh máy móc, chăn mền và cả thực phẩm cho cả tuần để băng rừng tìm voọc.

Cấm... giả tiếng chó sủa

Căn lán bằng gỗ nằm bên bờ suối là trạm nghiên cứu, cũng trở thành nơi trú chân của chúng tôi. 4 giờ chiều nhưng giữa rừng sâu trời đã lạnh buốt. Không ai bảo ai, mỗi người tự bắt tay vào việc.

Chà vá chân xám hay voọc chà vá với danh pháp khoa học là: Pygathrix cinerea và đây là loài linh trưởng đặc hữu của VN. Ngoài ra, chúng còn được gọi với cái tên khác là voọc ngũ sắc, bởi những màu đặc trưng trên cơ thể. Thân được phủ những đám lông xám với vết lông trắng ở mông, lông vai màu đen, tay màu xám, chân màu xám. Từ đầu kéo xuống cổ là màu lông trắng giống như bộ râu quai nón nhưng dưới cổ thì lông màu hung đỏ. Đặc biệt, dễ nhận biết nhất giữa những tán rừng rậm là cái đuôi dài hơn cả thân hình và nổi bật bởi màu trắng đặc trưng.

Các nhà khoa học cho biết, chà vá chân xám sinh sống ở khu vực trung dãy Trường Sơn trên địa bàn 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

Nguyễn Ái Tâm (33 tuổi), thạc sĩ sinh học, nhân viên Hội Động vật học Frankfurt tại VN - một tổ chức phi chính phủ, chuyên nghiên cứu, bảo tồn các loài voọc - xem lại toàn bộ thực phẩm, đèn pin, máy ảnh, thiết bị định vị GPS cho những ngày ở lại rừng. Tâm nói: “Tháng nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, cùng với cán bộ, nhân viên của vườn, đoàn nghiên cứu sẽ thực tế tại rừng trong vòng 1 tuần với nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn về loài voọc chà vá chân xám. Đồng thời kết hợp tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng cũng như tiến hành các buổi tuyên truyền để người dân tham gia bảo vệ loài linh trưởng đặc hữu này”.

Đêm chúng tôi trải qua giữa rừng già xoay quanh những câu chuyện về voọc, về những lần tiếp cận đàn voọc quý hiếm trong khu vườn được công nhận là 1 trong 27 vườn của Đông Nam Á, là Vườn di sản ASEAN này. Cùng với Tâm, những nhân viên của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là Trương Đức Trường, Lê Thanh Tân và Lê Văn Ngân dặn dò chúng tôi chuẩn bị đủ các thứ cần thiết khi đi rừng, đặc biệt không được giả tiếng chó sủa. Bởi loài voọc chỉ cần nghe tiếng chó sủa là sẽ biến mất khỏi khu vực đó cả tháng trời mới dám quay trở lại.

Voọc đang... bắt rận

Hai ngày đầu băng rừng, chúng tôi vượt qua nhiều vách núi dựng đứng, trơn trượt, đôi chân tê dại, mệt nhọc và chạm mặt cả lũ rắn độc, nhưng đàn voọc vẫn biệt vô âm tín.

Ngày thứ 3, chúng tôi quyết định lên đỉnh Đá Trắng - nơi có thể quan sát lũ voọc từ trên cao xuống. Tâm bất chợt cúi xuống đất nhặt một chồi cây non reo lên sau khi leo qua vách núi: “Lũ chà vá vừa mới ăn ở đây, vẫn còn những vết cắn nham nhở trên đây nè”. Thức ăn thường trực của loài chà vá chân xám chủ yếu là một số chồi cây non, lá cây và một số loại quả. Băng rừng bở hơi tai, nhưng nghe Tâm nói vậy mặt ai cũng nở ra vui mừng.

Cơ hội được tận mắt loài linh trưởng quý hiếm không có ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ngoài VN này của chúng tôi càng gần hơn, bởi như lời của Tâm và các nhân viên vườn quốc gia thì gặp được voọc cũng “hên, xui” vì chúng kiếm ăn trên địa bàn trải rộng khắp hàng chục nghìn héc ta của vườn. Thế nên, nhiều người đi cả tuần nhưng chưa gặp được loài linh trưởng này lần nào. “Khu vực đỉnh Đá Trắng, thác H’Ngoi, bãi Bàng Cây Đa, thác Ba Tầng, thung lũng H’Ngoi, đỉnh 1.400... là những nơi kiếm ăn, trú ngụ của nhiều đàn voọc. Đàn thì 5 - 8 con, đàn thì lên đến vài chục”, Tâm nói.

Quan sát voọc từ đỉnh Đá TrắngQuan sát voọc từ đỉnh Đá Trắng

Vượt qua nhiều vách núi đến xây xẩm cả mặt mày, có lúc chúng tôi phải dùng cả 2 tay để bò lên, bởi chỉ cần sơ sẩy thì chỉ có nước nằm dưới vực sâu hun hút. Quá trưa, đỉnh Đá Trắng cũng dần hiện ra trước mắt. Leo qua những vách đá trắng toát, chúng tôi đã có mặt ở điểm cao quan sát hết toàn bộ xung quanh. Ngồi trên đỉnh Đá Trắng, Tâm vừa ăn vừa đưa ống nhòm quan sát xung quanh. “Voọc!”. Tâm hô lên dù khe khẽ nhưng cũng đủ làm chúng tôi giật mình. Đưa ống nhòm qua cho tôi, Tâm chỉ tay về phía bên kia xa vách núi. Trước ống kính, loài chà vá đặc hữu này hiện ra, đang ngồi bắt rận cho nhau, con đực đầu đàn theo Tâm “giới thiệu” đang ngồi vắt vẻo ở cành cây cao nhất buông thõng chiếc đuôi trắng muốt phía dưới.

Bỏ dở bữa cơm trưa, chúng tôi quyết định băng rừng, vượt qua 2 dốc núi và 2 con suối để tiếp cận đàn voọc. Lần này, Tâm và những nhân viên đi như bay, chúng tôi bám theo cảm giác như ngoài mồm, mũi thì tai, mắt đều bốc khói, đôi chân như không còn phải của mình. Gần 30 phút sau, không nhớ đã băng qua những dốc núi dựng đứng như thế nào nữa, Tâm quay lại đưa tay lên môi ra hiệu im lặng.

Trên ngọn cây cao 30 m, con đực đầu đàn với đôi mắt đen hơi xếch trên gương mặt nửa trắng, nửa màu cam nhìn xuống với ánh mắt thăm dò, thỉnh thoảng miệng phát ra âm thanh “khuk khuk” cảnh báo. Yên lặng, mỗi người mỗi việc, Tâm cẩn thận mở ba lô lấy máy ảnh, sổ ghi chép, Ngân và Trường lấy thiết bị GPS đánh dấu lại khu vực gặp đàn voọc này. Thi thoảng, con đầu đàn nhìn xuống dò la và chỉ cần một tiếng động, một hành vi khả nghi là lũ voọc biến mất sang những triền núi khác. Dưới tán rừng rậm, chúng tôi lẳng lặng người ghi chép, người chụp hình khoảnh khắc hiếm có này.

Sau hơn nửa giờ đồng hồ quan sát, chúng tôi nhẹ nhàng rút lui để đàn voọc ung dung bứt những chồi cây non. Sau lưng thoảng vang lên tiếng “khuk khuk” của con voọc đầu đàn gọi bầy.

Giới khoa học thế giới từng chấn động

“Còn nhớ, cách đây hơn 20 năm, khi thông tin các loài voọc chà vá tái phát hiện ở VN đã khiến giới khoa học toàn thế giới chấn động, bởi đây là loài được cho là đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Không chỉ là loài đặc hữu duy nhất ở VN, ít có người nghiên cứu, mà vẻ đẹp đặc trưng của loài linh trưởng này khiến trở thành đề tài hot lúc bấy giờ”, TS Hà Thăng Long, người đầu tiên ở VN làm luận án tiến sĩ về loài linh trưởng đặc hữu này và cũng là Trưởng đại diện Hội Động vật học Frankfurt tại VN, kể.

Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh thái và tình trạng bảo tồn của loài chà vá chân xám tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh” của TS Long tại Đại học Oxford trở thành đề tài được giới khoa học trong và ngoài nước quan tâm. Đồng thời, qua những nghiên cứu của anh xác định quần thể loài chà vá chân xám tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh còn khoảng 300 cá thể và được xem là lớn nhất. “Cùng với Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, chúng tôi phối hợp để có những nghiên cứu cũng như bảo tồn loài linh trưởng đặc hữu quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa nghiêm trọng này”, TS Long nói.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.