Tìm ra người tung tin ‘nàng tiên cá bị đánh thuốc mê’

23/12/2015 16:22 GMT+7

Phạm Đắc Hậu (27 tuổi) đã đăng tải bài viết “Quảng Nam ngư dân bắt được nàng tiên cá” trên website do mình đăng ký.

Phạm Đắc Hậu (27 tuổi) đã đăng tải bài viết “Quảng Nam ngư dân bắt được nàng tiên cá” trên website do mình đăng ký.

Bức ảnh đã được Phạm Đắc Hậu sử dụng để bịa ra bài viết “Quảng Nam ngư dân bắt được nàng tiên cá” - Ảnh chụp màn hìnhBức ảnh đã được Phạm Đắc Hậu sử dụng để bịa ra bài viết “Quảng Nam ngư dân bắt được nàng tiên cá” - Ảnh chụp màn hình
Sáng 23.12, ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin -truyền thông tỉnh Quảng Nam cho biết “tác giả” của câu chuyện “Quảng Nam ngư dân bắt được nàng tiên cá” chính là Phạm Đắc Hậu (27 tuổi, trú tại thôn Mỹ Sơn, xã Tam Anh Nam, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Trang điện tử đăng bản tin này (quangnamonline.com.vn) cũng do Hậu đăng ký tên miền.
Làm việc với phòng chức năng của Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Quảng Nam và Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an Quảng Nam (PA83), Hậu thừa nhận đã lấy hình ảnh cô gái vận trang phục nàng tiên cá trên mạng để viết thành câu chuyện không có thật về ngư dân đánh thuốc mê, bắt được nàng tiên cá 48 kg chỉ với mục đích tiêu khiển.
Theo ông Quảng, hình thức và mức độ xử lý đối với kiểu “chế” thông tin sai sự thật này hiện vẫn đang được Sở Thông tin - truyền thông tỉnh Quảng Nam cân nhắc.
Người đọc trên mạng phải… tự kiểm chứng
Liên quan đến thông tin “nàng tiên cá bị đánh thuốc mê ở Quảng Nam”, dư luận gần như chia thành 2 phe và câu chuyện tưởng là đùa vui trên mạng đã trở nên… nghiêm túc khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu. Theo đó, một phía cho đây chỉ là trò đùa, nhìn là biết ngay chuyện không bao giờ có thật, việc gì phải ầm ĩ. Một phía lại tỏ ra nghiêm khắc và ngán ngẩm: “Đúng là mạng xã hội!”.
Trao đổi với PV Thanh Niên Online, ông Phạm Hồng Quảng, cho biết không khó để lần ra nguồn gốc website đã đăng tải bản tin mang tính đồn thổi này. Tra cứu tên miền tại Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC (thuộc Bộ Thông tin - truyền thông) cho kết quả tên miền này được đăng ký ngày 6.9.2015 và có thời hạn 1 năm.
Theo ông Quảng, về lý thuyết đối tượng cố tình đưa tin sai sự thật là phải bị xử lý, tùy mức độ. Đây là lời cảnh báo chung cho người cố tình đồn thổi sự việc nào đó, đồng thời người đọc cũng cần kiểm chứng khi tiếp nhận thông tin.
“Sao không tìm chuyện khác để mà vui?”
Khi thông tin “nàng tiên cá 48 kg” xuất hiện, ngay cả chú rể P.Q.T (32 tuổi) và cô dâu Th.T. (23 tuổi) - hai nhân vật trong bộ ảnh cưới bị Phạm Đắc Hậu lấy ra “chế” thành “nàng tiên cá” - cũng không ngờ bộ ảnh cưới lại được cộng đồng mạng quan tâm theo hướng này.
“Chuyện này đã gây ảnh hưởng đến nhiều người, ảnh hưởng cả những nhân vật trong ảnh”, ông Quảng nói.
Nói về việc một số người vẫn cho rằng đây chỉ là “trò tiêu khiển”, ông Quảng không đồng tình. “Vui nhưng đừng ảnh hưởng đến người khác, đừng đưa công khai lên mạng như thế, chuyện cứ y như thật. Sao không tìm chuyện khác mà vui?”, ông Quảng nói.
Luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo, thuộc Đoàn LS TP.HCM, trong trường hợp này, mục đích của những người cố tình tung bức ảnh và những thông tin “bắt được nàng tiên cá” như trên các trang mạng xã hội có thể là trò đùa để câu view đối với trang mạng đó. Nhưng xét về góc độ pháp lý, trong trường hợp này, nếu việc đưa hình ảnh của cô dâu mà không xin phép, không được sự đồng ý của người đó thì việc sử dụng hình ảnh đã vi phạm Điều 31, Bộ luật Dân sự về quyền đối với hình ảnh cá nhân.
Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
LS Thảo cho rằng, qua hình ảnh, dễ dàng nhận thấy đây là bộ ảnh cưới nhưng đã bị đối tượng lồng ghép để tạo thành ảnh “nàng tiên cá bị bắt”. Những hình ảnh đó có thể gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho những người tiếp nhận thông tin mà không kiểm chứng như bạn bè, bà con gia đình bên chồng của cô dâu… Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét mục đích của việc tung thông tin bịa đặt và thất thiệt trên để có hưởng xử lý thích hợp nhằm ngăn chặn những hành vi cố tình sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền, kích động hoặc truyền bá những điều mê tín dị đoan, gây hoang mang, lo lắng cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.