Tìm nguồn đảm bảo cung ứng vắc xin trong tháng 8, 9

06/08/2021 06:39 GMT+7

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn vắc xin tại Việt Nam, Bộ Y tế đang tìm nguồn đảm bảo cung ứng vắc xin trong tháng 8, 9.

Thông tin từ Hệ thống tiêm chủng vắc xin Việt Nam (VNVC, đơn vị trực tiếp nhập khẩu vắc xin AstraZeneca chuyển giao phi lợi nhuận cho Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm chủng - PV) dự kiến trong tuần này, sẽ có thêm gần 600.000 liều vắc xin AstraZeneca về Việt Nam.
Số vắc xin trên nằm trong số 30 triệu liều do AstraZeneca cam kết cung cấp cho VNVC đợt này (đợt thứ 7). Tính đến ngày 5.8, có gần 3,8 triệu/30 triệu liều vắc xin AstraZeneca đã được VNVC tiếp nhận. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ tháng 4 đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 18 triệu liều vắc xin Covid-19 từ các nguồn nhập khẩu, từ cơ chế COVAX, và từ các nguồn do các nước hỗ trợ. Trong đó, đến hết tháng 7.2021, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 7,49 triệu liều từ cơ chế COVAX, với 4 lô hàng, bao gồm: hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna do Chính phủ Mỹ hỗ trợ và hơn 2,49 triệu liều vắc xin AstraZeneca.

Lãnh đạo TP.HCM nói về việc Hải Phòng mượn 500.000 liều vắc xin Sinopharm ngừa Covid-19

Việt Nam cũng đã tiếp nhận các lô vắc xin AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Vero Cell, từ nguồn được chính phủ các nước tặng và do công ty dược phẩm trong nước nhập khẩu. Trong đó, có 97.110 liều vắc xin Pfizer được Bộ Y tế tiếp nhận trong tháng 7 vừa qua, là lô đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021.
Đánh giá về nguồn cung vắc xin trong thời gian tới, tại buổi làm việc với đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngoài các nguồn viện trợ và đàm phán mua, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vắc Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều nữa. Tuy nhiên, phải tới quý 4/2021, 47 triệu liều vắc xin Pfizer mới về Việt Nam.
Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế đã đề nghị USAID sớm có những tác động để thúc đẩy tiến trình cung ứng vắc xin Pfizer cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng độ bao phủ vắc xin cho người dân, đặc biệt, mong muốn sớm nhận được thêm vắc xin viện trợ của Mỹ ngay trong tháng 8, 9. Đây là vấn đề ưu tiên giúp ứng phó tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và sự thiếu hụt nghiêm trọng của nguồn vắc xin tại Việt Nam trong khoảng thời gian này.
Về tiến độ tiêm chủng, thông báo của Bộ Y tế cho biết đến sáng 5.8, tổng số vắc xin Covid-19 đã được tiêm là hơn 7,553 triệu liều (hơn 6,774 triệu liều tiêm mũi 1 và 778.986 liều tiêm mũi 2). Đến ngày 4.8, TP.HCM được phân bổ nhiều nhất với hơn 4 triệu liều, Hà Nội (gồm cả các đơn vị đóng trên địa bàn) được phân bổ hơn 2,943 triệu liều.

Đang mang thai, cho con bú có được tiêm vắc xin Covid-19 không | BÁC SĨ ƠI số 3

Tại Hà Nội, chiến dịch tiêm chủng diện rộng và quy mô lớn đã được triển khai trên tất cả các quận, huyện của TP như: H.Gia Lâm tổ chức 24 điểm tiêm vắc xin, Q.Thanh Xuân tổ chức 11 điểm tiêm cố định và 7 điểm tiêm dự phòng... Đa số các quận, huyện đã tiêm gần xong số vắc xin được phân bổ của đợt 6, đợt 7. Theo Sở Y tế Hà Nội, tổng số vắc xin ngừa Covid-19 của TP đã được phân bổ là 959.820 liều.
Tại Bình Dương, ngày 5.8, Sở Y tế tỉnh này triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho công nhân và người dân với số lượng khoảng 325.520 liều vắc xin AstraZeneca, Moderna và Sinopharm. Theo kế hoạch, vắc xin AstraZeneca và Moderna sẽ tiêm cho đối tượng ưu tiên phòng chống dịch và công nhân, lao động trong các doanh nghiệp; 23.000 liều vắc xin Sinopharm tiêm cho công nhân Trung Quốcdu học sinh chuẩn bị sang Trung Quốc. Trong đó, Sở Y tế Bình Dương cũng đề nghị ưu tiên tiêm trước cho các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ”. Cố gắng đảm bảo đến ngày 13.8 phải tiêm hết số vắc xin nêu trên.
Mai Hà - Đỗ Trường
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.