Tìm mộ 2 liệt sĩ Đồn biên phòng Vĩnh Điều, Kiên Giang: 43 năm kiếm tìm

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
28/07/2021 05:58 GMT+7

Giấy báo tử ghi 'thi hài mai táng tại xã' nhưng các nhân chứng khẳng định: 'Hai liệt sĩ nằm giữa cánh đồng, 1 năm sau mới đưa được về nghĩa trang' và hiện tại, gia đình không biết phần mộ cụ thể ở đâu.

Tìm mọi đồng đội hỏi tin con

Bà Vũ Thị Kim Liên, chị gái liệt sĩ Vũ Hữu Quân, kể: Cuối tháng 2.1978, có một người bạn của em trai cùng tăng cường vào Kiên Giang nhưng chiến đấu ác liệt quá, đã đào ngũ về quê, đến báo tin: “Quân hy sinh rồi”. Nghe vậy, bố anh Quân lắc đầu: “Tin gì cái thằng đào ngũ!”...
Đến cuối tháng 6.1978, gia đình nhận Giấy báo tử số 40/MBT do thiếu tá Đinh Ngọc Tuy ký ngày 20.5.1978, báo tin “hạ sĩ Vũ Hữu Quân đã hy sinh ngày 18.1.1978, tại biên giới tỉnh Kiên Giang” và rành mạch: “Thi hài được mai táng tại X.Vĩnh Điều, H.Hà Tiên, Kiên Giang”. Ông Tuy khi đó là Phó chính ủy Công an Nhân dân vũ trang (CANDVT, nay là Bộ đội biên phòng) Kiên Giang. Theo ông Tuy, “đơn vị ở phân tán, lán trại hầu hết làm bằng tranh tre nứa lá, do sơ suất bị hỏa hoạn cho nên quân tư trang và các trang thiết bị cháy hết, trong đó có quân tư trang của liệt sĩ Vũ Hữu Quân”. Ngày 13.10.1978, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định công nhận liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công cho hạ sĩ Vũ Hữu Quân.
Con trai hy sinh, người mẹ Nguyễn Thị Xừ như phát điên. Muốn vào thăm con, nhưng gia đình quá nghèo, đường sá không biết, phương tiện thời bao cấp đi lại khó khăn, thủ tục nhiêu khê... nên suốt những năm 1980 - 1990, bà lọ mọ đến nhà từng đồng đội vào tăng cường Kiên Giang năm 1977 cùng anh Quân để hỏi han. Rốt cục, bà không biết con mình nằm đâu và năm 2002, trước khi nhắm mắt, bà dặn con gái Vũ Thị Kim Liên: “Em hy sinh trên đất mình và vẫn nằm ở đất mình. Con gắng tìm đi”.

Giấy báo tử liệt sĩ Vũ Hữu Quân

Ảnh: M.T.H chụp lại

Tình đồng đội

Từ ngày 1 - 7.1.1979, CANDVT Kiên Giang phối hợp với các đơn vị bạn, đồng loạt tiến công đẩy đuổi lính Khmer Đỏ ra khỏi các vị trí lấn chiếm, khôi phục toàn bộ tuyến biên giới. Các đồn CANDVT Phú Mỹ, đồn CANDVT Vĩnh Điều chính thức trở về chiếm lĩnh địa bàn, triển khai công tác bảo vệ biên giới.
 

Mộ liệt sĩ Võ Văn Lũy tại NTLS Hà Tiên

Ảnh: Đỗ Thanh Tùng

Nghĩa trang liệt sĩ TP.Hà Tiên (Kiên Giang) có nhiều mộ vô danh (ghi “Liệt sĩ. Tên anh - chị đã gắn liền với chiến công lịch sử”), một số mộ thiếu thông tin (chỉ ghi tên, họ tên, họ tên - quê quán...). Trong số này, có một ngôi mộ ghi “Liệt sĩ Quân” (ở khu L1) và 1 ngôi mộ ghi “Liệt sĩ Võ Văn Lũy” (vị trí G1). Các cựu chiến binh đồn CANDVT Vĩnh Điều đặt câu hỏi: “Do di chuyển, mất thông tin nên khi đặt mộ, người ta chỉ ghi vậy, đồng thời nhầm họ của liệt sĩ Vũ Hữu Quân sang Bùi Văn Lũy (miền Nam gọi Vũ là Võ)?”...

Là người cùng nhập ngũ, cùng ở đồn Vĩnh Điều với liệt sĩ Vũ Hữu Quân và có quan hệ họ hàng với liệt sĩ Bùi Văn Lũy, nên khi trở lại Vĩnh Điều, trung sĩ Nguyễn Đông Song (hiện 63 tuổi, đang ở P.Hồng Phong, TX.Đông Triều, Quảng Ninh) lập tức đề nghị chỉ huy đồn tìm kiếm thi hài đồng đội, đồng thời xung phong dẫn tổ 5 người đi tìm. Ông Song kể: “Do hơn một năm trời nằm ngoài mưa nắng và ngâm trong mùa nước lụt 4 tháng cuối năm 1978 nên 2 thi hài chỉ còn xương cốt”. Vị trí liệt sĩ hy sinh chỉ cách đồn khoảng 1,5 km, là cánh đồng trống cạnh bờ đông kênh Vĩnh Tế (nay là khu vực Chợ Đình, X.Vĩnh Điều, cách đường biên giới 1,3 km). “Hai anh nằm cách nhau mấy mét, súng đạn đã bị lính Khmer Đỏ cướp hết. May mà bên cạnh mỗi người vẫn còn chiếc mũ cứng (bị bắn vỡ) có khắc tên từng người, nên mới nhận dạng được cụ thể”, ông Song rành mạch.
Hài cốt 2 liệt sĩ được gói vào 2 tấm vải mưa, đưa về đồn CANDVT Vĩnh Điều làm lễ truy điệu. Rất cẩn thận, ông Song ghi thông tin từng người (họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh - nhập ngũ - hy sinh, đơn vị) vào mảnh giấy to bằng bàn tay, đút vào trong tấm vải mưa. Hôm sau, thuyền của tỉnh từ Hà Tiên chạy lên nhận hài cốt, ông Song xin đi cùng để lo việc chôn cất nhưng 4 người trên thuyền và chỉ huy đồn từ chối. Ông Song hỏi kỹ: “Đưa các anh ấy đi đâu?”. Trả lời: “Sẽ chôn ở Hà Tiên”. Sau đó, do công việc bảo vệ biên giới, tiễu trừ tàn quân Khmer Đỏ và nhất là số cán bộ chiến sĩ ra quân, chuyển đơn vị khác (ông Song ra quân năm 1981)... nên người ta cũng ít nhắc đến người đã nằm xuống.
“Đồn đã đưa hài cốt 2 anh về doanh trại và bộ phận chính sách xuống nhận, mang về chôn tại Hà Tiên”, cựu chiến binh Phạm Văn Tấm (63 tuổi, quê H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng, đang sống tại X.Vĩnh Điều, H.Giang Thành, Kiên Giang) nhớ lại năm 1979 làm liên lạc ở đồn CANDVT Vĩnh Điều và khẳng định: “Không thể mất hài cốt như người ta nói”.
Ông Nguyễn Ngọc Bảng, nguyên nhân viên quản lý của đồn Vĩnh Điều (từ 1977 - 1983) hiện đang sống tại TX.Sầm Sơn, Thanh Hóa, cho biết: “Sở dĩ phải để liệt sĩ nằm ngoài cánh đồng hơn 1 năm trời là do ngay sau khi 2 anh hy sinh, đồn bị vây đánh ác liệt, phải rút khỏi địa bàn. Sau đó, lính Khmer Đỏ đã chiếm đóng và kiểm soát cả khu vực này”.

Hài cốt chỉ bị thất lạc ?

Quá trình tìm hiểu câu chuyện về 2 liệt sĩ Vũ Hữu Quân và Bùi Văn Lũy, chúng tôi đã tiếp xúc với một số chỉ huy đồn CANDVT Vĩnh Điều giai đoạn 1977 - 1979, nhưng do tuổi cao, các ông đều không nhớ sự việc.
Trong danh sách liệt sĩ của Phòng LĐ-TB-XH TP.Hà Tiên, tên liệt sĩ Vũ Hữu Quân đứng số thứ tự 29 với đầy đủ các thông tin. Mặc dù mục “hoàn cảnh hy sinh - nơi chôn cất” ghi rành mạch: “hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ biên giới, chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) Tô Châu, Hà Tiên, Kiên Giang”, nhưng phần ghi chú lại có chữ viết tay “không lấy được xác”.
Ông Trần Hoàng Phượng nhớ lại: Thời điểm 1978 - 1979, tôi đang là chuẩn úy, trợ lý chính trị phụ trách mảng chính sách, CANDVT Kiên Giang. Đầu năm 1979, lực lượng CANDVT trực thuộc Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chuẩn bị chuyển về Bộ Quốc phòng, nên việc quy tập hài cốt liệt sĩ do bộ phận chính sách của quân sự tỉnh Kiên Giang phụ trách, có sự phối hợp chặt chẽ của Phòng LĐ-TB-XH H.Hà Tiên (nay là thành phố).
“Hài cốt liệt sĩ được di chuyển từ địa bàn về chôn tại NTLS Hà Tiên, TX.Rạch Giá và các tỉnh khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do trong quá trình vận chuyển gặp mưa gió... nên phần mực ghi thông tin liệt sĩ thường bị mờ hoặc vô tình xóa mất, khiến các liệt sĩ từ chỗ có danh trở thành vô danh”, ông Phượng nói vậy và khẳng định: “Trường hợp liệt sĩ hy sinh trên đất mình, không thể mất thi hài”.
Còn cựu chiến binh Phạm Văn Tấm (63 tuổi, hiện đang sống tại X.Vĩnh Điều, H.Giang Thành, Kiên Giang) nhận định: “Đầu những năm 1990, tỉnh nâng cấp, mở rộng NTLS Hà Tiên nên phải tạm chuyển một số ngôi mộ đi gửi nghĩa trang khác, xong mới đưa về. Khi di chuyển, có thể một số mộ bị mất thông tin, trong đó có mộ liệt sĩ Vũ Hữu Quân và Bùi Văn Lũy”.
Thượng tá Doãn Đình Tránh (Phó chính ủy Bộ đội biên phòng Kiên Giang) là người nhiệt tình giúp đỡ và trực tiếp chỉ đạo các đơn vị tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng tôi tìm hiểu vấn đề, cho biết: “Đơn vị đã tra cứu mọi hồ sơ giấy tờ hiện có, nhưng cũng không rõ phần mộ của 2 liệt sĩ Vũ Hữu Quân và Bùi Văn Lũy hiện ở đâu. Chúng tôi rất mong có thông tin từ những người làm công tác di chuyển, quy tập mộ liệt sĩ ở Hà Tiên, Kiên Giang những năm 1979 - 1999 để triển khai nhiệm vụ tìm kiếm”...
Kỳ vọng của cán bộ chiến sĩ BĐBP Kiên Giang, cũng là niềm mong mỏi của gia đình 2 liệt sĩ Vũ Hữu Quân và Bùi Văn Lũy, suốt 43 năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.