Tìm lại ánh sáng từ công nghệ tế bào gốc

08/03/2015 05:36 GMT+7

Công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ tế bào điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu” của tập thể các nhà khoa học nữ Trường đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Mắt T.Ư đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia.

Công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ tế bào điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu” của tập thể các nhà khoa học nữ Trường đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Mắt T.Ư đã được nhận Giải thưởng Kovalevskaia.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN Nguyễn Thiện Nhân và nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao giải thưởng cho các nhà khoa học nữ - Ảnh: Thúy Anh

Tại lễ kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 diễn ra ở Hà Nội vào hôm qua, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia VN đã trao Giải thưởng

Kovalevskaia 2014 cho tập thể gồm 16 nhà khoa học do PGS-TS Nguyễn Thị Bình, Trường ĐH Y Hà Nội làm đại diện. Công trình nghiên cứu được trao giải có tên “Ứng dụng công nghệ tế bào trong điều trị tổn thương nhãn cầu mắt”; giải thưởng cá nhân được trao cho  GS-TS Nguyễn Thị Kim Lan - Trường đại học Thái Nguyên về những đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển nông nghiệp.

Câu chuyện bắt đầu từ khoảng 4 năm trước, khi một bé trai 12 tuổi được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Mắt T.Ư (Hà Nội) trong tình trạng hai mắt bị bỏng do vôi bắn vào. “Khi đến BV, hai mắt bệnh nhân bị bỏng nặng. Chúng tôi lập tức mổ cấp cứu loại bỏ các tổn thương và các chất gây bỏng để tránh tổn thương nặng nề hơn. Tiếp sau đó, cậu bé được ghép màng ối tại vùng giác mạc tổn thương để cậu bé có thể nhìn được tạm thời”, PGS-TS Hoàng Minh Châu, Khoa Kết giác mạc - BV Mắt T.Ư, nhớ lại.

Các bác sĩ cho biết sau cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục được lấy tế bào niêm mạc miệng tự thân, chuyển đến Bộ môn Mô - Phôi (ĐH Y Hà Nội) để nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Tấm biểu mô từ nguồn nuôi cấy tế bào gốc của bệnh nhân sau đó đã được lấy ghép cho giác mạc bị tổn thương do bỏng vôi, giúp bệnh nhân phục hồi thị lực tốt hơn.

Suốt thời gian qua, cậu bé vẫn được các bác sĩ theo dõi sức khỏe, duy trì tái khám đều đặn. Thị lực hồi phục, cậu bé trở lại trường học, có cuộc sống bình thường. “Nếu không được ghép tấm biểu mô từ nuôi cấy tế bào gốc tự thân, thì nguy cơ mù mắt của cậu bé là không tránh khỏi. Ứng dụng cộng nghệ tế bào gốc trong điều trị là kỹ thuật khó, đòi hỏi sự nỗ lực của bác sĩ và cả bệnh nhân. Khi bệnh nhân vui vì có lại được ánh sáng thì các bác sĩ cũng cùng chung cảm xúc như vậy”, PGS-TS Hoàng Minh Châu chia sẻ.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bình, hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc đã được bắt tay vào từ năm 2004. Công trình được thực hiện ở các cấp độ khác nhau, thông qua 3 đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp nhà nước đã ứng dụng điều trị cho 15 bệnh nhân bị hỏng 1 mắt được ghép tấm biểu mô nuôi cấy tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu.

  Tế bào gốc được lấy ở vùng rìa giác mạc bên mắt lành của bệnh nhân (nếu bệnh nhân chỉ tổn thương một bên mắt). Trường hợp bệnh nhân tổn thương cả hai mắt tế bào gốc sẽ được lấy ở niêm mạc miệng. Sau khi xử lý “làm sạch”, tế bào gốc đó được đặt lên trên một “giá đỡ” là tấm màng ối và nuôi cấy trong môi trường đặc biệt với sự theo dõi sát sao về nhiệt độ, điều kiện vô trùng nghiêm ngặt. Sau 2 - 3 tuần, tế bào gốc sẽ “mọc” với số lượng cần đủ theo yêu cầu. Khi đó, tấm biểu mô từ nguồn nuôi cấy tế bào gốc sẽ được ghép vào giác mạc cho bệnh nhân, giúp phục hồi phần tổn thương.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Bình, ứng dụng công nghệ tế bào gốc điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu mắt đạt tỷ lệ thành công khoảng 70 - 80%. Chi phí từ mảng ghép khoảng 10 triệu đồng, thấp hơn 10 lần so với làm ở nước ngoài (như Nhật Bản). Nhóm nghiên cứu vẫn mong muốn có được nguồn kinh phí để tiếp tục theo đuổi đề tài với kết quả cao hơn nữa, hiệu quả tốt hơn nữa trong điều trị cho người bệnh.   

Chẩn đoán nhanh bệnh tiên mao trùng trên gia súc

 Giải thưởng Kovalevskaia mang tên nhà nữ toán học người Nga Sofia Vasilyevna Kovalevskaia (1850 - 1891), nhằm mục đích biểu dương, động viên khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học của phụ nữ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên của các nước đang phát triển. Tại VN, từ năm 1985 đến nay, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia VN đã trao giải cho 42 cá nhân và tập thể các nhà khoa học nữ xuất sắc, tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng.

Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 dành cho cá nhân được trao tặng cho GS-TS Nguyễn Thị Kim Lan, nguyên Phó hiệu trưởng Trường đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Nữ GS Nguyễn Thị Kim Lan là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành chăn nuôi thú y, chuyên gia về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm ở miền núi phía bắc.

Với gần 40 năm công tác, GS Lan đã chủ nhiệm 14 đề tài trong đó có 1 đề tài cấp nhà nước; 4 đề tài cấp bộ. Có 16/17 đề tài đã được nghiệm thu đều đạt loại tốt và xuất sắc; có 83 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín; tham gia biên soạn 16 giáo trình, sách chuyên khảo và sách tham khảo cho đào tạo bậc đại học và sau đại học. Các công trình nghiên cứu khoa học của GS Lan cùng các cộng sự có tính ứng dụng cao. Đặc biệt là bộ KIT chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh tiên mao trùng (trypanosoma spp) trên gia súc và đưa ra phác đồ điều trị có hiệu quả cao. Bệnh tiên mao trùng là một bệnh ký sinh trùng đường máu phổ biến ở trâu, bò, ngựa; gây thiếu máu, suy dinh dưỡng nên khi trời lạnh và thiếu thức ăn gia súc thường phát bệnh và dễ chết. Bộ KIT chẩn đoán có độ nhạy và độ đặc hiệu cao (trên 97% và 98%), phác đồ điều trị của nhóm nghiên cứu có hiệu lực đạt và an toàn 100% đối với gia súc, thời gian sử dụng thuốc điều trị ngắn, dễ dàng ứng dụng tại các cơ sở. 

Vinh danh doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu

Sáng 7.3, tại Hà Nội diễn ra lễ vinh danh các doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu với 38 gương mặt đến từ 10 nước ASEAN. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự.

Phát biểu tại lễ vinh danh, Phó thủ tướng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất nhân ngày 8.3 đến tất cả chị em phụ nữ nói chung và các nữ doanh nhân nói riêng. Phó thủ tướng nhấn mạnh lễ vinh danh các doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, vừa đúng vào kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, vừa ở thời điểm quan trọng chuẩn bị quá trình hội nhập vào Cộng đồng kinh tế chung ASEAN cuối năm 2015. Việc vinh danh lần này sẽ tạo động lực thúc đẩy tinh thần và ý chí vươn lên trong kinh doanh của chị em phụ nữ. Đó cũng là sự động viên, khích lệ đối với các nữ doanh nhân VN nói riêng và doanh nhân nữ ASEAN nói chung.

 Cổng TTĐT Chính phủ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.