Tìm địa chỉ trách nhiệm trong 'sắc hồng đất nước'

30/03/2021 04:34 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng ) tiếc rằng, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ không có một địa chỉ trách nhiệm nào, vẫn là “chỉ là một số nơi, một số cá nhân"...

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao và cho rằng thành công của nhiệm kỳ qua của Chính phủ tạo nên “sắc hồng đất nước”. Bên cạnh đó, cũng có đại biểu lại thấy tiếc vì chưa thấy “địa chỉ trách nhiệm” của những tồn tại trong báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ.
Ngày 29.3, tiếp tục kỳ họp 11, Quốc hội (QH) dành trọn 1 ngày để thảo luận về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ.

Yếu tố “nhân hòa” tỏa sáng

Trong bài phát biểu của mình, đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu T.Ư) cho rằng có nhiều lý do tạo nên thành công của nhiệm kỳ qua, nhưng một trong những lý do cơ bản nhất là “chúng ta đã có một nhà nước vì dân, có những lãnh đạo vì dân”. Ông Trí nói: “Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bạc tóc lo cho dân giàu nước mạnh, được sống trong hòa bình, chiến thắng được bệnh tật, an toàn vượt qua bão lũ. Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”, với “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc”. Theo ĐB Trí, hình ảnh vì dân, việc làm vì dân, hành động vì dân, đường lối vì dân của Đảng, của Chủ tịch nước, của Chính phủ... thể hiện rất rõ trong những năm qua. Chính điều đó đã trở thành động lực để toàn thể nhân dân tích cực, năng nổ, thi đua đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội sáng 29.3

Tiếc rằng, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ không có một địa chỉ trách nhiệm nào... dù rằng không ít lần tại các báo cáo thẩm tra, các cơ quan của QH đã yêu cầu phải nêu rõ địa chỉ trách nhiệm
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng)
Chia sẻ quan điểm này, ĐB Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam, cho rằng chúng ta đã trải qua một nhiệm kỳ 5 năm mà “thiên” có nhiều khó khăn, “địa” có nhiều bất lợi, chỉ có yếu tố “nhân hòa” là tỏa sáng. “Nhân hòa”, theo ông Lộc, là phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, QH, Chính phủ. “Sự đồng thuận trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, của đồng bào ta, của cộng đồng doanh nghiệp đã trở thành sức mạnh nội sinh để chúng ta có thể vượt qua thách thức và đạt tới thành công. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là kiến trúc sư và nhạc trưởng của mối quan hệ nhân hòa đó”, ĐB Lộc nói.
Còn theo ĐB Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận), nhiệm kỳ qua là nhiệm kỳ thành công của Chính phủ. “Thành công đó tạo nên sắc hồng của đất nước trên con đường phát triển” và “sắc hồng đó làm sáng lên con đường tiến lên CNXH mà Bác Hồ và Đảng đã lựa chọn”.

Chưa rõ “địa chỉ trách nhiệm” nào

ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đánh giá Chính phủ đã lèo lái con tàu Việt Nam vượt qua phong ba bão táp rất tài tình nhưng cũng cho rằng, Chính phủ còn “lùi, giãn, hoãn” trong xây dựng pháp luật. Những dự án có kế hoạch từ đầu, nhưng do “chưa chuẩn bị kịp” nên đến cuối khóa mà vẫn chưa trình được QH, như luật về Hội, luật Đất đai; trong khi lại đề xuất đưa vào trình một số dự án luật không có trong kế hoạch và chưa thật sự chín muồi.
Vẫn còn nợ đọng văn bản hướng dẫn luật, dẫn đến hệ lụy làm thất thu cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, như Nghị định hướng dẫn thi hành luật Khoáng sản và luật Tài nguyên nước. Còn tình trạng ban hành văn bản không sát, không kín nên có trường hợp lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, vun vén cho bản thân, thậm chí là để đề bạt, bổ nhiệm con cháu, dòng họ vào các vị trí lãnh đạo của các cơ quan nhà nước. Việc chạy dự án, chạy nguồn vốn vẫn còn xảy ra.
Một vài bộ trưởng, trưởng ngành hay địa phương còn để xảy ra sai phạm, có dư luận không tốt trong một thời gian dài. Mặc dù các hạn chế, yếu kém này đã được báo chí phát hiện, nhân dân và cử tri bức xúc nhưng trong suốt nhiệm kỳ chưa thấy có ngành, địa phương nào có hình thức xử lý cụ thể, mà hầu hết là rút kinh nghiệm cho qua.
Cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm chưa rõ địa chỉ, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhấn mạnh, tuy “kỷ cương” là hai chữ luôn có trong phương châm hành động của Chính phủ, nhưng việc xem xét trách nhiệm không thể hiện rõ phương châm này; thể hiện ở việc báo cáo của Chính phủ khẳng định triển khai kịp thời các nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH… nhưng thực tế chưa hẳn như vậy.

Kiến nghị đầu tư cho miền Nam và Tây nguyên, tiếp tục đổi mới thể chế

Theo ĐB Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM), QH và Chính phủ cần “đầu tư cho giao thông miền Nam như với giao thông miền Bắc, đặc biệt là giao thông ĐBSCL, nơi vựa lúa lớn nhất nước, nơi sản xuất và lưu thông hàng hóa lớn nhất nước”. ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói, cần quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến giao thông đường bộ huyết mạch, kết nối các tỉnh ĐBSCL với vùng kinh tế trọng điểm TP.HCM, Đông Nam bộ. Bên cạnh việc đầu tư cho ĐBSCL, theo ông Hòa, phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn còn yếu tố thiếu bền vững. Cũng liên quan đến đầu tư hạ tầng, kết nối các vùng kinh tế, ĐB Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) thì cho rằng trong đánh giá của Chính phủ không nhắc đến Tây nguyên. Theo ĐB Tín, Tây nguyên chỉ có QL14 là con đường độc đạo, kết nối hầu hết các tỉnh của vùng với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải miền Trung nhưng hiện nay đã quá tải, gây khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Ông Tín kêu gọi Chính phủ đầu tư để có thể kết nối vùng Tây nguyên với các khu vực kinh tế khác và thúc đẩy tiềm năng kinh tế khu vực này. 

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) phát biểu tại Quốc hội chiều 29.3

ĐB Thúy dẫn chứng việc xử lý 12 đại dự án thua lỗ, dù được QH liên tục nhắc nhở, đưa cả vào Nghị quyết số 33 năm 2016, nhưng Chính phủ đã không hoàn thành việc xử lý trong năm 2020, và chưa biết đến bao giờ mới xong. Hay là việc thu phí tự động không dừng tại tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước, theo Nghị quyết số 437 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ QH, phải hoàn thành từ năm 2019, nhưng đến giờ cũng chưa xong, và cũng vẫn chưa rõ bao giờ xong. Đặc biệt, không có cá nhân nào bị xử lý. “Tiếc rằng, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ không có một địa chỉ trách nhiệm nào, vẫn là “chỉ là một số nơi, một số cá nhân”... dù rằng không ít lần tại các báo cáo thẩm tra, các cơ quan của QH đã yêu cầu phải nêu rõ địa chỉ trách nhiệm”, ĐB Thúy nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.