Tiêu cực thi cử có dấu hiệu can thiệp, móc nối

Lê Hiệp
Lê Hiệp
14/08/2018 08:01 GMT+7

Nhiều ĐBQH chất vấn tình trạng gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua tại một số địa phương.

ĐB Nguyễn Anh Trí (ĐBQH TP.Hà Nội) hỏi những năm trước đã có tình trạng này hay chưa, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an đưa ra giải pháp chống loại tội phạm này một cách hiệu quả.
[VIDEO] Khởi tố, bắt giam 2 cán bộ trong vụ án gian lận thi cử ở Hòa Bình - Video tư liệu
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH) đặt vấn đề: Nhiều cán bộ công an được phân công tham gia tổ chức kỳ thi nhưng lại không ngăn chặn được hành vi vi phạm pháp luật. Vậy trách nhiệm của lực lượng công an tại địa phương này như thế nào, Bộ có xử lý những cán bộ này hay không.
Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là rất nghiêm trọng, nên Bộ đã cùng công an các địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo Bộ trưởng, gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia có thể có từ những năm trước. Bộ Công an đã khảo sát một số thí sinh có điểm đầu vào rất cao nhưng khi vào trường đại học thì không học được. Tuy nhiên, do thủ tục, điểm chấm đã là quy định nên muốn thay đổi kết quả phải có kiểm tra, đánh giá cụ thể.
Sẽ không giới hạn phạm vi vụ án ở những đối tượng đã bị khởi tố, cũng không giới hạn tại 3 địa phương đã khởi tố vụ án, thậm chí không giới hạn trong kỳ thi năm 2018
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, bước đầu đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân, cơ quan công an được phân công tham gia kỳ thi trong việc can thiệp, móc nối với những người có trách nhiệm trong hội đồng thi để thực hiện hành vi gian lận hoặc bị tác động, nghe lời những người tiêu cực trong kỳ thi. Quan điểm của Bộ là ai vi phạm cũng đều bị xử lý thích đáng.
Chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Trưởng ban Dân nguyện QH) đề nghị cho biết thời hạn điều tra các vụ gian lận thi cử vì nó ảnh hưởng tới nhiều thí sinh khác. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là các vụ án nên dù lực lượng điều tra luôn muốn kết thúc nhanh nhưng phải đảm bảo vạch trần được tội phạm, nêu ra được vi phạm, chỉ ra đối tượng vi phạm, nên hiện tại không thể nói được thời gian kết thúc, cũng không thể vì áp lực tuyển sinh mà kết thúc sớm việc điều tra. Bộ trưởng khẳng định, sẽ không giới hạn phạm vi vụ án ở những đối tượng đã bị khởi tố, cũng không giới hạn tại 3 địa phương đã khởi tố vụ án, thậm chí không giới hạn trong kỳ thi năm 2018. “Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ tiến hành điều tra, không để lọt bất cứ đối tượng nào liên quan tới tội phạm này”, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.
[VIDEO] Vụ gian lận thi cử gây chấn động tại Hà Giang - Video tư liệu
Cần điều chỉnh chính sách cử tuyển
Trong phần chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, trả lời ĐBQH về vấn đề liệu có nên tiếp tục duy trì chính sách cử tuyển khi chính sách này không hiệu quả trong thời gian gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định, chính sách cử tuyển là chính sách dân tộc lớn của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn vừa qua, nhờ đó đã đào tạo một thế hệ cán bộ của nhiều ngành, lĩnh vực cho dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, ông Chiến cũng thừa nhận, trong thời gian vừa qua, chính sách này đã phát sinh một số bất cập và cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Chiến cho hay, hiện nay, trong 53 dân tộc thiểu số anh em thì có 32 dân tộc tỷ lệ tốt nghiệp đại học dưới 1%, còn 3 dân tộc chưa có người học đại học. Đây là những đối tượng cần ưu tiên trong chế độ cử tuyển. Bên cạnh đó, cần tránh ưu tiên con cán bộ, hay người có lợi thế. Bên cạnh đó, ông Chiến đề nghị thay đổi chính sách cử tuyển qua đơn vị chứ không cử tuyển như hiện nay, đồng thời không châm chước về mặt trình độ, nếu cần phải cho học dự bị để đảm bảo mặt bằng văn hóa mới học đại học được. “Ít nhất phải một tám một mười, đuối quá không học được đâu, học xong ra trường cũng không làm được việc”, ông Chiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.