Tiếp ứng cho Trường Sa

15/03/2017 06:24 GMT+7

Hôm qua 14.3, tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình) đã diễn ra cuộc hội ngộ nghĩa tình của những người lính không quân hàm tham gia chiến dịch CQ88 và CV89 để tiếp ứng, chi viện cho Trường Sa sau ngày bị xâm lược.

29 năm trước, vào ngày 14.3.1988, Trung Quốc ngang nhiên tiến đánh và chiếm đóng một số bãi cạn, đảo chìm tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của VN khiến 64 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo hy sinh.
Sau đó, thực hiện chỉ thị cả nước vì Trường Sa thân yêu, tập thể cán bộ, thuyền viên tàu Thuận An 2 thuộc Công ty vận tải đường thủy Bình Trị Thiên (cũ) xuất quân lên đường. Tàu rời bến, hướng vào Khánh Hòa để tham gia phục vụ chiến dịch xây dựng và bảo vệ Trường Sa dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy chiến dịch CQ88 (chủ quyền 88) và sau đó là CV89 (chi viện 89). Con tàu xuất phát với 15 cán bộ, thuyền viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau: Quảng Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa.
Nhớ lại những ngày tháng lịch sử đó, ông Hoàng Công Bình (63 tuổi, ở Lộc Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình; là điện báo viên hàng hải của tàu Thuận An 2) kể: “Ba ngày sau trận Gạc Ma, chúng tôi được điều động lên đường. Việc Trung Quốc ngang ngược đánh chiếm biển đảo của VN đã gây bức xúc, phẫn nộ cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ. Nên khi nhận nhiệm vụ tiếp ứng cho Trường Sa, chúng tôi ai nấy đều mạnh mẽ và quyết tâm. Gia đình vợ con tất nhiên có lo lắng nhưng không ai ngăn cản cả”. Trước khi đi, ông Bình nhận HTF (mã mật) và 6 thùng đạn tín hiệu.
“Mỗi lần vào ra đảo đều phải có tín hiệu. Thời điểm đó mọi thứ khan hiếm, thiếu thốn chứ không được như bây giờ; nước ngọt mang theo cả trăm khối nhưng cũng phải tắm rửa tằn tiện, không được phung phí”, ông nhớ lại.
Đại diện Ban liên lạc hải quân Quảng Bình gắn huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho cán bộ tàu Thuận An 2 Ảnh: T.Q.N

Thuận An 2 là tàu hàng dân sự đầu tiên của cả nước tiến hành vận chuyển quân và vật liệu xây dựng ra quần đảo Trường Sa, theo ký ức của ông Nguyễn Văn Huế - cán bộ trên tàu này. Chuyến đầu tiên, tàu đến đảo Tiên Nữ, sau đó đến nhiều điểm đảo khác như Đá Tây, Tốc Tan, Đá Đông... Tổng cộng tàu đã vượt hàng nghìn hải lý, bất chấp thời tiết khắc nghiệt và sự uy hiếp của quân Trung Quốc để vận chuyển hơn 10.000 tấn vật liệu xây dựng, đưa đón hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ hải quân, công binh ra phục vụ xây dựng đảo và chiến đấu, bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.
Mỗi chuyến đi kéo dài hàng tuần, cứ vào ra liên tục. Tàu Thuận An 2 cùng với lực lượng công binh Tỉnh đội và Sở Xây dựng Bình Trị Thiên (cũ) đã chung sức xây dựng nhà kiên cố trên đảo Đá Nam. Với thành tích trên, tàu Thuận An 2 đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Năm 1989, sau khi Bình Trị Thiên chia tách (thành 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình), Công ty vận tải đường thủy Bình Trị Thiên được chuyển giao về Công ty vận tải tỉnh Quảng Trị. Năm 2001, công ty giải thể, nhiều cán bộ, thuyền viên chuyển ngành, một số mưu sinh bằng đủ ngành nghề từ làm nông đến chụp ảnh.
Với thành tích hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ngày 3.6.2016, Quân chủng Hải quân đã ra quyết định tặng huy hiệu Chiến sĩ Trường Sa cho 15 cán bộ, thuyền viên tàu Thuận An 2.
Đà Nẵng tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma
Trưa qua 14.3, tại vịnh Mân Quang (TP.Đà Nẵng), Hội Cán bộ chiến sĩ Trường Sa E83-HQ88 tổ chức lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa vào ngày 14.3.1988. Tham dự lễ tưởng niệm có các cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác tại Lữ đoàn Công binh 83 thuộc Quân chủng Hải quân (trước đây là Trung đoàn Công binh 83) đóng tại 1 Nguyễn Phan Vinh, P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà (TP.Đà Nẵng). Thượng tá Hoàng Văn Hoan, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó chỉ huy chính trị Trung đoàn 83, đã thay mặt hội, ôn lại thời khắc lịch sử bi hùng của trận hải chiến Gạc Ma 1988.
Trong 64 chiến sĩ hy sinh ngày 14.3.1988, có 9 đồng chí tại TP.Đà Nẵng, tất cả đều vừa nhập ngũ năm 1987, huấn luyện tại Đoàn 126 hải quân, gia nhập Trung đoàn công binh 83 tháng 9.1987.
Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.