Tiếp công dân đừng thể hiện quan cách

15/11/2018 06:29 GMT+7

Theo các đại biểu Quốc hội, nhiều vụ việc “rất nóng” nhưng nếu người tiếp dân có thái độ thực sự cầu thị, lắng nghe thì chắc chắn không khí sẽ dịu lại và người dân sẵn sàng chia sẻ.

Ngày 14.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018. Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ban Dân nguyện đánh giá việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã ở hầu hết các địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định; chưa gắn với thẩm quyền giải quyết nên chất lượng chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.
Đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định, còn 36 tỉnh chưa đạt mức quy định, 24 tỉnh không báo cáo số liệu. Đối với chủ tịch UBND cấp huyện, tiếp công dân định kỳ đạt tỷ lệ bình quân 71,8% so với quy định, còn 35 tỉnh chưa đạt mức quy định, 21 tỉnh không báo cáo số liệu. Đặc biệt, tỷ lệ tiếp công dân định kỳ trung bình của chủ tịch UBND cấp xã rất thấp, so với quy định chỉ đạt 24%, có tỉnh tỷ lệ này chỉ đạt dưới 5%; có 25 tỉnh không báo cáo số liệu.
Tôi nhận được lá đơn của cử tri phản ánh, có đồng chí chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút. Họ mô tả cụ thể nói câu gì, làm động tác gì, cuối cùng họ kết luận là đồng chí đó đi nhậu với một nhóm khác. Người ta đến tận chỗ nhậu đó nhưng họ không chụp ảnh, nếu chụp ảnh đó về đưa lên T.Ư thì chúng ta rất khó chấp nhận
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)

Báo cáo của Ban Dân nguyện cho rằng, việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân thường xuyên, xử lý đơn thư tại một số địa phương còn bất cập; việc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ thuộc lĩnh vực này còn hạn chế. Cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều nơi còn hạn chế về nghiệp vụ, năng lực chuyên môn; tỷ lệ cán bộ có bằng chuyên ngành luật còn thấp, như ở Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 14,2%, Hà Giang chiếm tỷ lệ 19%...
Có chủ tịch tỉnh tiếp dân 9 phút rồi... đi nhậu
Thảo luận tại hội trường, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng hiện quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được ban hành tương đối đầy đủ và chặt chẽ, nhưng quy định trình tự, thủ tục về tiếp thu, giải quyết kiến nghị, phản ánh của người dân thì chưa được ban hành.
“Do đó, khi công dân thực hiện kiến nghị, phản ánh đã xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan với nhau hoặc giải quyết không tới nơi, tới chốn hoặc hướng dẫn sai địa chỉ. Dưới chỉ lên trên, trên chỉ xuống dưới, mất thời gian, lòng vòng, làm bức xúc của người dân thêm gia tăng”, ĐB Phương nhận định và đề nghị Chính phủ chỉ đạo ban hành các quy định của pháp luật để kịp thời khắc phục lỗ hổng của vấn đề này.
Băn khoăn về chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng vấn đề gốc rễ nằm ở khâu tiếp công dân. Ông Nhưỡng phản ánh thực tiễn khi đi một số nơi tiếp xúc với các vụ việc, tiếp xúc với các nhóm cử tri thì người dân không bằng lòng về cách tiếp dân, cách xử lý của cán bộ, có những trường hợp đuổi người dân. “Tôi nhận được lá đơn của cử tri phản ánh, có đồng chí chủ tịch tỉnh tiếp họ đúng 9 phút. Họ mô tả cụ thể nói câu gì, làm động tác gì, cuối cùng họ kết luận là đồng chí đó đi nhậu với một nhóm khác. Người ta đến tận chỗ nhậu đó nhưng họ không chụp ảnh, nếu chụp ảnh đó về đưa lên T.Ư thì chúng ta rất khó chấp nhận. 9 phút với một việc mà mấy năm trời người ta theo đuổi”, ĐB đoàn Bến Tre nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định) cho rằng những tồn tại, hạn chế của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua nguyên nhân không chỉ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan T.Ư mà có trách nhiệm rất lớn của chính quyền một số địa phương.
Ông Pha lấy ví dụ, một vụ án có hiệu lực 14 năm, tòa án đã xử đến 4 lần và hồ sơ đầy đủ văn bản của TAND tối cao, Viện KSND tối cao khẳng định vụ án đã xét xử đúng pháp luật, không có căn cứ để có thể xem xét kháng nghị về mặt giải quyết. Song, quá trình làm việc, vị ĐB này cho biết lý do duy nhất địa phương nêu ra, vì người phải thi hành án đó là một ông cụ năm đó 80 tuổi, lúc nào cũng tự thủ mấy can xăng ở trong nhà và nói nếu cưỡng chế sẽ đốt. Cho đến nay, vụ việc này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. “Tôi nhớ đến cuối năm 2016, khi tôi chuyển công tác khác vẫn như vậy thôi…
Thực sự nếu chúng ta có ý thức phục vụ nhân dân, bớt vô cảm đi, hãy coi những khó khăn của người dân như khó khăn của người nhà nhà mình thì chắc vụ việc không thể tồn tại lâu như thế. Vì thế, tôi đề nghị trong văn bản của Thanh tra Chính phủ, Ban Dân nguyện cần có kiến nghị đậm nét về trách nhiệm của chính quyền địa phương”, ĐB Pha đề nghị.
Đối thoại đừng chiếu lệ, cho xong chuyện
Ban Dân nguyện thẳng thắn nhìn nhận việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức; việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận,..
ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) khẳng định đối thoại là biện pháp chủ chốt để làm tốt công tác dân vận, song trên thực tế, cán bộ vẫn né tránh. “Đã có nhiều trường hợp chỉ có người đứng đầu trực tiếp giải quyết thì không còn đơn thư khiếu nại lần thứ hai. Chỉ có người đứng đầu giải quyết là xong luôn, đơn thư không còn gửi lên nữa. Điều này sẽ khắc phục tình hình đơn thư kéo dài”, ông Việt khẳng định. Từ đó, ĐB đoàn Ninh Thuận lưu ý rằng, vị trí, cách thức tiếp công dân sẽ quyết định thành công. “Vị trí tiếp công dân để làm sao người dân xem như nhà của mình. Cách thức và vị trí ngồi của người tiếp công dân cũng nên xử lý sao cho thể hiện được gần dân, đừng thể hiện quan cách với dân. Câu chuyện này nếu làm tốt sẽ xử lý được nhiều việc người dân đang rất nóng nhưng đến với tinh thần, thái độ, vị trí, cách tiếp dân sẽ làm dịu người dân”, ĐB Việt góp ý.
ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng: “Từ thực tiễn các địa phương, có những vụ việc người dân bức xúc không phải vì không hiểu, không thông với kết quả giải quyết mà bức xúc từ thái độ, phương pháp giải quyết của đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Còn ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong việc đối thoại nhằm giải quyết các vụ khiếu kiện, tố cáo chính là người đứng đầu ít đối thoại với người dân.
“Tâm lý của người đi khiếu nại, sau khiếu nại xong, trước khi ra quyết định giải quyết thì họ rất mong muốn được gặp chủ tịch huyện hoặc cao hơn là gặp chủ tịch tỉnh để đối thoại. Gặp một lần dù thua cũng được. Nhưng rất tiếc nhiều địa phương hầu như lần đối thoại để ra quyết định là ủy quyền cho cấp phó, thậm chí ủy quyền cho thanh tra là người giải quyết, nên người dân đôi lúc không hài lòng về quyết định của mình khi bị bác đơn”.
Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng người dân thường thiếu thông tin hay cập nhật thông tin không kịp thời và trong điều kiện phức tạp của mạng xã hội hiện nay thông tin có lúc có nhiều sai lệch hoặc chưa nhận thức đầy đủ các quy định pháp luật. Cho nên, qua đối thoại sẽ mang lại cho họ thông tin đầy đủ và chính xác hơn. Đồng thời cũng hiểu rõ hơn thái độ thiện chí của các bên, góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp có tính đồng thuận cao để giải quyết một cách thuyết phục và khả thi nhất”, ông Tám bày tỏ. ĐB này nhấn mạnh: “Đối thoại phải được coi như một nguyên tắc trong quá trình giải quyết, chứ không chỉ là giai đoạn đầu và phải được tôn trọng, thực hiện một cách nghiêm túc và cầu thị, chứ không phải làm theo kiểu chiếu lệ, cho xong chuyện”.
Đầu phiên làm việc buổi chiều 14.11, với đa số phiếu tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2019. Theo đó, QH quyết định tổng số thu ngân sách T.Ư là 810.099 tỉ đồng; tổng số thu ngân sách địa phương là 601.201 tỉ đồng. Tổng số chi ngân sách T.Ư là 1.019.599 tỉ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỉ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương. QH giao Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm, bổ sung vốn cho dự án có khối lượng hoàn thành cao, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật, bảo đảm không dư thừa nguồn vốn; đồng thời kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.