Tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn phải thực hiện 5K

14/06/2021 05:58 GMT+7

Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân, kể cả nhân viên y tế dù tiêm đủ cả 2 mũi vắc xin, vẫn phải thực hiện 5K trên tất cả mọi công việc để đảm bảo cho mình và cộng đồng.

Trả lời câu hỏi vì sao các nhân viên Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, cho biết hiệu quả bảo vệ trên thực nghiệm của vắc xin AstraZeneca là trên 70%, nhưng thực tế có thể đạt trên 80 - 90%. Tại BV Bệnh nhiệt đới, gần 1.000 nhân viên, với 53 người nhiễm thì tỷ lệ là 5,3%, do đó chưa phải là nhiều.

Tại sao nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM tiêm vắc xin vẫn mắc Covid-19?

Theo bác sĩ Khanh, việc thấy một số người sau tiêm vắc xin nhưng mắc bệnh mà cho rằng vắc xin không có hiệu quả là sai. Vắc xin có hiệu quả là bảo vệ được người đã đã tiêm không bị bệnh, nếu bệnh thì không bệnh nặng, không tử vong, bảo vệ người được tiêm ít có khả năng lây cho người khác, bảo vệ cộng đồng. Không có vắc xin nào bảo vệ được người tiêm 100%, kể cả vắc xin Covid-19. Ngay cả Anh, Mỹ dù tiêm ngừa rồi nhưng vẫn có một số người bệnh. “Việc ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế, mục đích là đảm bảo không lây nhiều cho bệnh nhân (nếu nhân viên y tế bị bệnh); đảm bảo cho nhân viên y tế không bị bệnh nặng”, bác sĩ Khanh nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford BV Bệnh nhiệt đới (nguyên Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới), chia sẻ ở BV Bệnh nhiệt đới hay ở bất cứ cộng đồng nào đã tiêm vắc xin, nếu có xảy ra những trường hợp xét nghiệm dương tính ở mức độ 5 - 10%, thì không phải là sự thất bại của tiêm chủng... Do đó, không thể đòi hỏi vắc xin hiệu quả trên tất cả mục tiêu và 100%.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết thêm các vắc xin Covid-19 vẫn là mới, đều được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp, do đó cần có thêm thời gian để đánh giá về hiệu quả. Nhưng việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong khi mắc Covid-19. Hiện cũng chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm bao lâu là có khả năng phòng bệnh.
Ông Phu cũng cho rằng vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Với vắc xin Covid-19, trên thực tế có những loại vắc xin có hiệu lực bảo vệ 90% nhưng có vắc xin chỉ có hiệu lực bảo vệ khoảng 50 - 60% (vắc xin AstraZeneca, theo báo cáo của nhà sản xuất là 79%). Điều này có nghĩa một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang vi rút.

Quân đội phun khử khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, quyết chặn đứng Covid-19

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tiêm đủ liều vắc xin, kể cả sau 2 mũi thì hiệu quả bảo vệ chỉ mang ý nghĩa khi nhiễm bệnh thì bị nhẹ hơn và không trở nặng. Việc bảo vệ để hoàn toàn chống lại vi rút 100%, hiện chưa có nghiên cứu kỹ. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân, kể cả nhân viên y tế dù tiêm đủ cả 2 mũi, vẫn phải thực hiện 5K trên tất cả mọi công việc để đảm bảo cho mình và cộng đồng.
Trang Covid-19 Vaccine Tracker dẫn nhiều khảo sát cho thấy vắc xin của AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả cao trong việc phòng bệnh cũng như bảo vệ bệnh nhân không diễn tiến nặng một khi mắc Covid-19. Theo nghiên cứu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh và Đại học Oxford, liều vắc xin AstraZeneca đầu tiên giúp phản ứng miễn dịch tăng dần và giúp giảm 74% các ca mắc có triệu chứng sau 3 tuần.
Bên cạnh đó, kết quả từ Nhóm nghiên cứu quốc gia về vắc xin Covid-19 của Qatar cũng như Tổ chức Y tế công cộng Anh cho thấy vắc xin AstraZeneca có hiệu quả 75% đối với biến thể tại Anh và 60% đối với biến thể B.1.617.2 ở Ấn Độ (biến thể Delta). Về phần mình, AstraZeneca tuyên bố chưa có biến thể nào ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của vắc xin đối với việc giúp người mắc không bị nặng hoặc nhập viện và 2 liều vắc xin của hãng có hiệu quả như nhau đối với biến thể ở Ấn Độ và Anh.
Đối với vắc xin của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức), nghiên cứu của Tổ chức Y tế công cộng Anh cho thấy vắc xin này đạt hiệu quả phòng bệnh đến 88% đối với biến thể Delta. Tỷ lệ của AstraZeneca thấp hơn có thể do việc triển khai tiêm liều thứ 2 chậm hơn so với vắc xin của Pfizer/BioNTech.
Khánh An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.