Thượng tướng thầy giáo - Kỳ 2: Giáo viên cải tạo

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
20/11/2019 10:51 GMT+7

Thượng tướng, thầy giáo Nguyễn Thế Trị từng hành quân cấp tốc từ Trường quân chính B2 (Tây Ninh) về Sài Gòn làm nhiệm vụ giáo viên cải tạo sĩ quan cao cấp VNCH.

Ngày 30.4.1975, thiếu tá Nguyễn Thế Trị cấp tốc hành quân từ trường quân chính B2 (Tây Ninh) về Sài Gòn làm nhiệm vụ tiếp thu, tiếp quản một số học viện nhà trường quân sự của chế độ VNCH và trực tiếp làm giáo viên cải tạo sĩ quan cao cấp VNCH.

Tiếp quản các nhà trường

Chân ướt chân ráo về tới TP, ông nhận chỉ thị: “Tiếp thu trường cao đẳng Quốc phòng của quân lực VNCH ở đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM)”. Trường này được thành lập từ năm 1967 nhằm đào tạo cho sĩ quan QLVNCH từ cấp trung tá trở lên và hành chính cao cấp ưu tú của chính quyền VNCH. Do là trường cao cấp dành cho cấp lãnh đạo và chỉ huy cao nhất (tương ứng với Trường War College của Hoa Kỳ) nên được trang bị rất hiện đại. Ngày đầu tiên tiếp thu, việc của ông Trị và đồng đội là thu dọn bản đồ tài liệu và bảo vệ cơ sở vật chất không cho phá hoại, thâm nhập.
Thấy ông có kinh nghiệm, cấp trên lại giao ông ra Long Bình (Biên Hòa, Đồng Nai) tiếp quản trường sĩ quan chỉ huy và tham mưu. Đây là trường thuộc hệ đại học, chuyên đào tạo bổ túc và bồi dưỡng nghiệp vụ về phương diện chỉ huy và tham mưu cho sĩ quan các cấp trong quân lực VNCH nên cơ sở vật chất rất đầy đủ, từ vũ khí trang thiết bị cho đến tài liệu giáo trình và hệ thống nhà cửa, thao trường và dụng cụ dạy học.
Đóng quân ở Long Bình chưa được 2 tháng, ông lại nhận lệnh lên Đà Lạt tiếp quản Trường Võ bị Đà Lạt - trường đại học của quân lực VNCH được thành lập từ năm 1948, chuyên huấn luyện và đào tạo sĩ quan hiện dịch để trở thành quân nhân chuyên nghiệp. Khác với 2 trường trước, khu vực này rất rộng và khi ông lên mọi thứ vẫn ngổn ngang.

“Không cần cải tạo, chỉ cần thành công dân”

Cuối năm 1975, đầu năm 1976, thiếu tá Nguyễn Thế Trị cùng anh em giáo viên Trường quân chính B2 được chỉ định tham gia nhiệm vụ đặc biệt: Tham gia làm giáo viên cải tạo sĩ quan chế độ cũ (từ cấp đại úy tâm lý chiến đến cấp trung tướng) ở cơ sở Suối Râm (Long Khánh, Đồng Nai) và Q.Hóc Môn (TP.HCM).
Ông Trị kể lại: Các đối tượng cải tạo được học 10 bài theo quy định của cấp trên, sau đó viết thu hoạch cá nhân. Nếu chỉ nhìn ở góc độ kết quả trên trang giấy họ viết, ta có thể cho họ đạt giỏi tới 70 - 80%. Nhưng nhận thức của họ thì sao? Thực tế, chế độ cũ tuyên truyền rất xấu về chúng ta, cho rằng ta sẽ trả thù tàn bạo, nên những người này ác cảm với cách mạng, toàn viết thu hoạch nói tốt để đối phó, để không bị trả thù và việc “viết báo cáo” khác với họ nói bên ngoài.

Quân giải phóng làm nhiệm vụ quân quản trên đường phố Sài Gòn, tháng 5.1975

Ảnh: Tư liệu

“Sau này có dịp đọc các bài báo mà các sĩ quan chế độ cũ đi Mỹ mô tả các lớp học tập, cải tạo, họ nói khác hẳn với những gì họ viết, thậm chí còn xuyên tạc, phóng đại “sự gian khổ” trong khi cải tạo. Họ cũng mô tả sự gian khổ cường điệu, làm oai mình lên, theo mô típ yêng hùng cá nhân, hùm thiêng sa bẫy… giống hệt các tích tuồng Tàu” - thượng tướng Nguyễn Thế Trị nhớ vậy, và lắc đầu: “Họ không nói đúng sự thật mà họ biết: Chính chúng tôi - những người giảng bài, giáo dục họ và biết bao nhiêu cán bộ quản giáo, cũng phải sống trong vô vàn khó khăn. Thời ấy đất nước vừa thu về một mối, không có nguồn viện trợ như trước. Hậu phương lớn cũng dốc sức dốc lòng cho thống nhất non sông”.

Cán bộ làm công tác giáo dục với sĩ quan chế độ cũ

Ảnh: Tư liệu

Thời gian này, cấp trên đồng ý cho một số cán bộ giáo viên đi thực tế tìm hiểu đời sống các gia đình sĩ quan VNCH từ cấp thiếu tá đến trung tướng. Đến từng gia đình, mọi người mới vỡ lẽ là mức sống họ cao và khá giả.
“Chúng tôi biết sĩ quan VNCH ít nhiều đều có vốn văn hóa khá cao. Không ít người là sinh viên, học sinh vào đào tạo sớm thành sĩ quan. Chế độ cũ cũng dành đặc ân, ưu ái cho sĩ quan trung, cao cấp. Sĩ quan cấp úy cũng có mặt bằng lương bổng đủ nuôi cả gia đình. Trong khi đó, sĩ quan của QĐND VN dù cao cỡ nào cũng do dân nuôi, đời sống khiêm tốn. Khi đó, ai có chiếc xe máy Honda 67 là khá giả. Rất nhiều gia đình cán bộ trung cấp chưa có tivi, nói chi tủ lạnh, máy lạnh… như gia đình sĩ quan VNCH. Chỉ cần vào khu gia binh của sĩ quan cấp úy của họ, cũng thấy 1 trời 1 vực so với sĩ quan ta” - thượng tướng Nguyễn Thế Trị nhớ lại, và trầm ngâm: “Thời điểm ấy, các sĩ quan VNCH không dễ gì quên đi và phủ định quá khứ dễ dàng. Chế độ viện trợ Mỹ và sự ưu ái nhằm tư sản hoá đội ngũ sĩ quan, ấy là căn cốt để họ trung thành, bám lấy những lợi ích vật chất được hưởng quá ưu đãi”.
Tất nhiên, sau chuyến tìm hiểu thực tế này, những giáo viên cải tạo đã nhìn kết quả học tập của sĩ quan VNCH bằng cái nhìn khách quan hơn và đề nghị cấp trên tìm giải pháp hiệu quả cải tạo họ, trở về là công dân, bình đẳng hòa hợp với cộng đồng.

Chuyện buồn trong trại cải tạo

Trong quá trình cải tạo sĩ quan VNCH, thượng tướng Nguyễn Thế Trị chứng kiến một số việc hết sức đau lòng: Một cán bộ cao cấp của của ta có cháu ngoại là trung tá VNCH đang tập trung cải tạo. Cán bộ này vào gặp cháu, phản đối quy định tiếp xúc (khi gặp gỡ gia đình, phải có đủ 3 thành phần là người đang cải tạo - gia đình - quản giáo) và buổi tối tổ chức liên hoan với cán bộ khung. Rượu vào lời ra, vi phạm quy chế của trại cải tạo. Là người sống có nguyên tắc, tôn trọng mệnh lệnh, ông Trị đã yêu cầu kỷ luật.

Dẫn giải tù binh biệt kích của QLVNCH tới khu vực giam giữ, cải tạo

Ảnh: Tư liệu

Trường hợp khác, 1 bạn chiến đấu của ông Trị sau giải phóng lên tới chức cán bộ trung đoàn, phụ trách khung cải tạo sĩ quan VNCH. Vì tật mắc rượu, đồng ý theo vợ sĩ quan VNCH về nhà họ ở TP.HCM chơi. Sau chuyến thăm đó, khi về đơn vị, anh ta nhắm mắt bảo lãnh cho anh chồng là sĩ quan VNCH ra khỏi trại và họ trốn sang Mỹ, viết thư về tố cáo. Rút cục, vị này bị khai trừ khỏi Đảng, giáng cấp từ thiếu tá xuống thượng úy, cho ra quân.
“Với chúng tôi, luôn tự nhủ dù hết chiến tranh, phải giữ đúng lập trường, bản lĩnh kiên định, không thể để vật chất mua chuộc hay một chút bả hư vinh mà sa ngã. Ngay sau chiến tranh, đã có những cán bộ hư hỏng, đó là quy luật đào thải của cuộc sống. Chiến tranh, cũng có kẻ hèn nhát quay súng, chiêu hồi, sợ chết. Ai bảo trong thời bình không còn bom đạn, không có thương vong?”, thượng tướng Nguyễn Thế  Trị trầm ngâm vậy. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.