Thuê tàu ra biển câu cá giải trí, 3 người chết: Bộ đội Biên phòng nói gì?

Quế Hà
Quế Hà
18/02/2021 17:33 GMT+7

Ngày 18.2, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Thuận đã có công văn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm soát chặt hoạt động thuê tàu ra biển để câu cá giải trí.

Theo đó, Công văn (số 320) do đại tá Nguyễn Phương Nguyên - Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Bình Thuận ký, báo cáo UBND tỉnh về việc tàu cá số hiệu BTh 89272, do ông Lê Văn Một (trú TP.Phan Thiết) làm thuyền trưởng, bị nạn tại vị trí 10 độ 24 vĩ độ Bắc - 108 độ 07 độ kinh Đông, gần mỏ Sư Tử Vàng và cách TP.Phan Thiết khoảng 40 hải lý.
Lúc này trên tàu cá của ông Lê Văn Một có 7 người, trong đó có ông Một (thuyền trưởng kiêm chủ tàu cá), thuyền viên Trần Văn Bé và 5 người khách thuê tàu cá đi câu là: Võ Trung Nghĩa (59 tuổi, trú Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa), Nguyễn Thanh Tuấn (51 tuổi, trú TP.Nha Trang, Khánh Hòa), Nguyễn Văn Ngọc (60 tuổi, trú H.Diên Khánh, Khánh Hòa), Nguyễn Ngọc Thiệt (57 tuổi, trú TP.Phan Thiết, em ruột ông Nguyễn Văn Ngọc - PV) và Nguyễn Minh Hiếu (chưa rõ tuổi, trú TT.Chợ Lầu, H.Bắc Bình, Bình Thuận).
Những người này thuê tàu cá của ông Một để đi câu. Tuy nhiên, theo Bộ đội Biên phòng Bình Thuận, hiện nay vẫn chưa tìm được bản hợp đồng. Do vậy, rất có thể chỉ là “thuê miệng” chứ không có hợp đồng.

Hai người may mắn còn sống sót trên tàu cá bị nạn là ông Tuấn và ông Nghĩa đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận

Ảnh: Bộ đội biên phòng

Cũng theo Bộ đội Biên phòng Bình Thuận, cơ quan này đã chỉ đạo Đồn biên phòng Thanh Hải (ở TP.Phan Thiết), cùng gia đình các nạn nhân thuê phương tiện tàu cá của dân ra biển tìm kiếm những người mất tích và thi thể 3 người đã chết. Tuy nhiên, xuất hiện khó khăn là do nhiều tàu chưa cúng xuất hành đầu năm, nên họ không nhận lời đi biển.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng cho biết, hiện nay tình trạng thuê tàu cá đi câu cá giải trí đang có dấu hiệu gia tăng tại Bình Thuận.
Theo Bộ đội Biên phòng Bình Thuận thì hoạt động thuê tàu ra biển câu giải trí là hoạt động sai pháp luật, sai quy định về quản lý phương tiện tàu cá. Vì các du khách đi câu không có tên trong sổ danh bạ thuyền viên; không có bảo hiểm, thiếu phương tiện thông tin liên lạc và thiết bị cứu sinh.
Hoạt động câu tiêu khiển trên biển tiềm ẩn rủi ro rất cao, do người đi câu giải trí thường không có kỹ năng hoạt động trên biển, đặc biệt là trong điều kiện sóng to, gió lớn.
Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, nhưng do ven biển Bình Thuận dài (192 km) lại có nhiều bãi ngang, nhiều bến bãi neo đậu tàu cá, nên việc kiểm soát khó khăn.

Tàu cá BTh 98972-TS của ông Dương Quốc Tuấn, trú TP.Phan Thiết đã cứu vớt được hai người đi câu giải trí trên tàu cá bị nạn

Ảnh: Quế Hà

Từ tình trạng này, Bộ đội Biên phòng Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp với các Đồn Biên phòng quản lý chặt tàu cá; chủ động tuyên truyền cho ngư dân không cho thuê tàu cá ra biển câu giải trí.
Như Thanh Niên đã đưa tin, tàu cá số hiệu BTh 89272, do ông Lê Văn Một (trú TP.Phan Thiết, Bình Thuận) làm thuyền trưởng, bị nạn chìm tàu cách TP.Phan Thiết khoảng 40 hải lý.
Vụ chìm tàu này khiến 3 người tử vong trên biển (được người còn sống buộc xác vào các phao cứu sinh và thùng nhựa) và 2 người còn mất tích. Có 2 người đã được cứu sống và đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Bình Thuận.
Hiện, các lực lượng của Bộ đội Biên phòng Bình Thuận vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những người đã chết và mất tích trên tàu cá thuê đi câu nói trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.