Thúc đẩy vai trò của ASEAN trong vấn đề Biển Đông

16/11/2016 08:41 GMT+7

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục gây lo ngại trên Biển Đông và tương lai chính sách 'xoay trục' của Mỹ còn chưa rõ ràng, vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông phải được đẩy mạnh

Chiều 15.11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Nha Trang (Khánh Hòa) với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” đã khép lại với nhiều ý kiến quan ngại rằng tình hình sẽ còn nóng bỏng và nhiều thách thức hơn.
Trong bối cảnh hoạt động trên biển của Trung Quốc vẫn tiếp tục gây lo ngại và tương lai chính sách châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời tổng thống mới còn chưa rõ ràng, các đại biểu nhấn mạnh cần thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở Biển Đông.
Phát biểu tại hội nghị, tiến sĩ Francois Xavier Bonnet của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (Pháp) cảnh báo: “Việc bên nào đó kiểm soát hoàn toàn Trường Sa bằng hành động hiếu chiến sẽ là mối đe dọa tiềm tàng đối với cả khu vực”.
Cụ thể hơn, ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) chỉ rõ: “Qua nhiều hình ảnh vệ tinh, có thể nhận thấy Trung Quốc không chỉ xây đảo nhân tạo mà còn có các hành động phong tỏa một số tuyến đường xung quanh một số đảo nhân tạo do họ kiểm soát”. “Hiện Trung Quốc đã cho xây dựng, cải tạo khoảng 30 công trình trên các đảo do họ kiểm soát. Trên thực tế, một số đảo đã trở thành căn cứ hải quân, cụ thể là có máy bay chiến đấu, đường băng quân sự... Hiện việc cải tạo đảo của Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại”, ông Poling cho biết thêm.

tin liên quan

Phản ứng của VN về vấn đề Biển Đông
Tại buổi họp báo chiều 3.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã cho biết quan điểm về việc mới đây Philippines và Malaysia tỏ ý muốn giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc qua kênh song phương.
Tại hội nghị, các học giả chia sẻ nhận định tình hình có vẻ hòa dịu hơn sau phán quyết của Tòa trọng tài hồi tháng 7 nhưng mâu thuẫn trên thực địa vẫn không thay đổi về bản chất. Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trước mắt với một số nước Đông Nam Á để làm dịu tranh chấp nhưng trên thực tế vẫn duy trì, thậm chí tăng cường hiện diện và kiểm soát trên Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, lắp đặt thiết bị phục vụ mục đích quân sự và do thám ở các điểm đảo Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi không giảm tốc độ. Điều này cho thấy Trung Quốc không thay đổi mục tiêu dài hạn là giành toàn quyền kiểm soát Biển Đông và là nguyên nhân quan trọng gây ra căng thẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.