Thủ tướng yêu cầu giảm giá nhiều mặt hàng thiết yếu

Chí Hiếu
Chí Hiếu
22/04/2020 08:00 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu bình ổn giá gạo, giảm giá điện , giá nước, giảm giá mặt hàng thiết yếu... để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch Covid-19 .

Ngày 21.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, đánh giá kết quả công tác điều hành giá quý 1 và định hướng công tác điều hành giá quý 2, các tháng còn lại của năm 2020.
Tại cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, phải quản lý nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả theo đúng quy định pháp luật, kiên quyết chống đầu cơ, nâng giá, phá giá thị trường, làm giàu bất chính, bởi “tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống nhân dân bị ảnh hưởng”.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt heo về trên dưới 60.000 đồng/kg. Bình ổn giá gạo, giảm giá điện, giá nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch Covid-19.
Riêng về gạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xuất khẩu có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm sai phạm.
Thủ tướng giao các bộ NN-PTNT, Công thương, Tài chính và Công an thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt heo, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để có biện pháp hữu hiệu. Ngoài việc tăng nguồn cung thịt heo trong nước thì cũng cần tăng nhập khẩu để cân đối cung cầu. Đối với việc đưa thịt heo vào danh mục hàng hóa dịch vụ cần bình ổn giá, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, đánh giá và có đề án để báo cáo cấp thẩm quyền.
Về giá xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công thương cùng các bộ rà soát, hoàn thiện, trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu. Thủ tướng cũng cho biết, vấn đề này đặt ra từ cuối nhiệm kỳ trước nhưng đến nay, gần 5 năm chưa xong, Bộ Công thương cần rút kinh nghiệm.
Về lộ trình tăng lương và điều chỉnh giá các loại dịch vụ y tế (từ ngày 1.7), dịch vụ giáo dục (từ tháng 9), Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡng các tác động, ảnh hưởng để báo cáo, đề xuất kịp thời cấp thẩm quyền về việc này, với tinh thần là chỉ tăng giá các dịch vụ khi đã kiểm soát được chỉ số giá, vào thời điểm thích hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.