Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân

23/01/2017 20:26 GMT+7

Chiều 23.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với các Phó thủ tướng, Bộ trưởng đã có buổi họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.

Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM đã có chỉ đạo quyết liệt, hữu hiệu để giảm kẹt xe và ùn tắc giao thông. Tuy nhiên trên thực tế tình hình ùn tắc giao thông ở TP.HCM, đặc biệt ở sân bay Tân Sơn Nhất, ngày càng nghiêm trọng; ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh phát triển, đầu tư và môi trường sống của người dân.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP.HCM, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sớm có những biện pháp hạn chế ùn tắc, giảm kẹt xe; giải pháp nào cần thiết thì ưu tiên làm trước.

Về phục vụ giao thông dịp tết, Thủ tướng yêu cầu phải dẹp xe dù, bến cóc. Với một số điểm đen về ùn tắc cần có biện pháp khảo sát, xử lý quyết liệt hơn. Lực lượng CSGT, thanh niên xung phong, giao thông... cần tích cực kiểm tra, xử lý.

“CSGT phải tăng cường 100% lực lượng thì ùn tắc sẽ giảm, còn không thì ùn tắc nghiêm trọng hơn. Nếu có con người điều tiết sẽ giảm ùn tắc, đừng để ùn tắc nghiêm trọng trong dịp lễ, tết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến Ảnh: Trung Hiếu

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo TP.HCM, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách như: quy hoạch và quản lý đô thị, tổ chức di dời, quy hoạch để phát triển đồng bộ. Biện pháp quy hoạch đô thị TP.HCM cũng như TP.Hà Nội cần hạn chế tầm cao khi chưa có hệ thống giao thông, nếu không ùn tắc sẽ tiếp tục.

“Nguyên nhân khiến các đô thị ở Việt Nam ùn tắc là quá đông phương tiện cá nhân. TP có gần 1 triệu ô tô cộng với mấy triệu xe máy làm sao giao thông chịu nổi. Chỉ có Việt Nam mới có tình trạng quá nhiều ô tô, xe máy chen lẫn với nhau dẫn tới ùn tắc. Cái này không phải cấm quyền tự do của con người nhưng chúng ta cần có lộ trình để hạn chế”, Thủ tướng nói.

 Đừng để TP.HCM chạy ra, chạy vào
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để hạn chế phương tiện cá nhân cần phải có nhiều biện pháp quyết liệt, trong đó cần phải đẩy mạnh đầu tư xe buýt nhanh (BRT); mở thêm nhiều tuyến tạo thuận lợi cho người dân; tổ chức thêm nhiều loại hình vận chuyển công cộng để người dân lựa chọn.

Theo số liệu của UBND TP.HCM, tính đến ngày 15.12.2016, TP đang quản lý tổng cộng gần 7,9 triệu phương tiện (gồm hơn 622.000 ô tô và gần 7,3 triệu xe máy), tăng 5,86% so với cùng kỳ năm 2015.

Tính đến hết năm 2016, tổng chiều dài các tuyến đường khoảng 4.155km, đạt mật độ 1,98 km/km². (trong khi đó, một số quốc gia trong khu vực đạt 4 - 6 km/km2).

Thủ tướng cũng yêu cầu bộ ngành cần có cơ chế tốt nhất để phát triển giao thông cho TP.HCM trong thời gian ngắn nhất. Về cơ bản, Chính phủ đồng ý với đề xuất của TP.HCM về việc phân cấp, giao quyền và phải tuân thủ, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan nhất là Bộ GTVT, KH-ĐT, TN-MT, Tài chính sau khi nhận được đề nghị của TP.HCM, trong vòng 21 ngày làm việc phải có trách nhiệm trả lời cũng như báo cáo để Chính phủ quyết định, tạo điều kiện nhanh nhất, thuận lợi nhất cho địa phương.

“Không thể kéo dài như thời gian qua. Không nên để TP.HCM chạy ra, chạy vào mà bộ ngành phải tạo mọi điều kiện cho TP; phân cấp, ủy quyền cho TP đứng ra giải quyết những công trình trọng điểm...”, Thủ tướng chỉ đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.