Thủ tướng: 'Địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
18/07/2020 13:10 GMT+7

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến việc giải ngân vốn đầu tư công tại địa bàn miền Trung - Tây nguyên.

Ngày 18.7, tại TP.Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và Vùng Tây nguyên, về việc tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, miền Trung như “chiếc đòn gánh, gánh 2 đầu đất nước”. Vùng KTTĐ miền Trung đã tích cực trong phòng chống Covid-19, đóng góp vào thành công của cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch đã khiến các tỉnh, thành phố ở miền Trung - Tây nguyên bị thiệt hại lớn về kinh tế.
“Doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại, không phát triển được, nhất là những ngành thế mạnh của miền Trung, đặc biệt là du lịch miền Trung. Thiệt hại về du lịch là rất lớn”, Thủ tướng nói và cho biết, 3 địa phương, gồm: Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng âm, các tỉnh khác có tăng trưởng nhưng quy mô thấp.
Thủ tướng nhắc về tiềm năng lớn của các tỉnh, thành miền Trung - Tây nguyên với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc, có lợi thế so sánh… Miền Trung - Tây nguyên có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ trong hành động.

Lãnh đạo 12 tỉnh, TP miền Trung, Tây nguyên cũng lãnh đạo các bộ, ngành và các hiệp hội, ngân hàng... dự hội nghị tháo gỡ khó khăn về kinh tế do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì

Ảnh: Hoàng Sơn

“Không chỉ trong kháng chiến, nơi hi sinh nhiều nhất là ở khu vực này, mà trong hòa bình, trong phát triển kinh tế, chúng ta phải làm mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, không để tình trạng trì trệ, tăng trưởng thấp như vậy, âm như vậy ở khu vực chúng ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá việc các tỉnh miền Trung - Tây nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỉ lệ thấp “đã khó khăn mà còn làm chậm chạp”, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án.
Thủ tướng cũng cho biết Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng trong việc điều chuyển vốn giữa các địa phương.
Tại bài phát biểu, Thủ tướng mong muốn các đại biểu nêu rõ các giải pháp tháo gỡ, đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng; những giải pháp đột phá kết nối các tỉnh, TP, vùng, liên vùng, khu công nghiệp… khi mà sản phẩm đầu ra của Tây nguyên phải qua miền Trung.
Qua đó, Thủ tướng mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến có giá trị để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, không để tình trạng trì trệ, nhất là chính sách đột phá, táo bạo có thể thực thi ngay…
Các địa phương cần đưa ra cam kết đồng hành với Chính phủ, khắc phục tồn tại, yếu kém trong chỉ đạo điều hành để phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp.
"Địa phương nào không tiêu hết tiền, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều động hay địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, ngay vào đầu tháng 8.2020 trình Thủ tướng việc “điều động vốn từ nơi không tiêu hết sang những địa phương đang cần tiền để xử lý những công trình, hạ tầng…”.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, 6 tháng đầu năm, GRDP của vùng KTTĐ miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng KTTĐ duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là TP.Đà Nẵng giảm 3,61%; Quảng Nam và Khánh Hòa giảm nhiều nhất cả nước lần lượt là 11,51% và 12,02%. Đây cũng chính là 3 địa phương có tỉ trọng công nghiệp, du lịch, dịch vụ cao trong vùng.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tính đến 30.6.2020, 7 địa phương miền Trung đã giải ngân 13.013 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 34,2%, thấp hơn bình quân chung cả nước, số vốn còn lại khoảng 25.000 tỉ đồng, chiếm trên 60%.

Đối với Tây nguyên, tăng trưởng GRDP 6 tháng của vùng đạt 2,72%, đứng thứ 2 sau Vùng đồng bằng sông Hồng (3,74%).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.