Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM sẽ càng 'gây bức xúc cho người dân'

12/12/2017 19:39 GMT+7

Ông Nguyễn Lê Ninh cho rằng, người dân đã quá ngán ngẩm việc đường một đằng, trạm thu phí đặt một nẻo của nhiều dự án BOT, nên đề xuất xây dựng trạm để thu phí sẽ lại càng gây bức xúc cho người dân.

Ngày 12.12, dự án “Thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông” do Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) đề xuất, được đưa ra Ủy ban MTTQ TP.HCM để góp ý kiến phản biện.
Theo đó, ITD đề xuất áp dụng thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HC để hạn chế ùn tắc giao thông đối với các phương tiện giao thông đi vào trung tâm TP trong giờ cao điểm từ 6 giờ đến 9 giờ và 16 giờ đến 19 giờ. Mức thu phí sẽ từ 30.000 đến 50.000 đồng/chuyến cho từng loại phương tiện, với mục tiêu là giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính; thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng (VTHKCC); giảm ô nhiễm môi trường và bổ sung nguồn ngân sách bảo trì đường bộ của TP.HCM.
Giảm ô tô, tăng xe máy?
Tại buổi phản biện, luật sư (LS) Trương Thị Hòa cho rằng dự án có nhiều bất cập về thu phí. Cụ thể, trong dự án này, ITD đã đề xuất trình với Ủy ban thường vụ Quốc hội để bổ sung thêm phí ô tô lưu thông ở trung tâm TP.HCM vào lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc luật Phí và Lệ phí số 97/2015/QH13, có hiệu lực từ ngày 1.1.2017. Việc bổ sung thêm một loại phí mới này sẽ dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”.
Ngoài ra, LS Hòa còn cho rằng nếu phát sinh thêm phí mới áp dụng cho ô tô thì lượng người sử dụng xe máy sẽ tăng. Đồng thời, việc ưu tiên giảm mức phí đối với những người dân sống trong khu vực trung tâm sẽ gây ra hiện tượng so sánh bởi những người dân sống trong khu vực khác. Vì theo quy định của pháp luật, mọi người dân đều có quyền bình đẳng.
Ông Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban MTTQ TP.HCM, cũng băn khoăn về tính khả thi của dự án. Vì theo ông, nguyên nhân gây ùn tắc giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông. Nếu người dân chấp hành đúng luật giao thông đường bộ thì sẽ không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông. Vì vậy, điều cần làm ở đây là thay đổi ý thức của người dân, chứ không phải là “móc túi” người dân.
Ông Khiêm cũng cho rằng trung tâm là nơi tập trung nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị chủ chốt và là nơi tập trung kinh doanh, du lịch, giải trí của thành phố. Vì vậy, việc sử dụng phương tiện ô tô cá nhân, xe du lịch… là điều không thể thiếu. Nếu thu phí, sẽ gây phản ứng gây gắt từ người dân. Đồng thời, thu thêm phí mới sẽ kéo theo việc các hộ kinh doanh, chợ, trung tâm thương mại… đồng loạt tăng giá thành sản phẩm. Từ đó, nâng mức giá thành lên cao, khiến người tiêu dùng càng thêm phản ứng.
LS Trương Thị Hòa cho rằng thu phí có thể hạn chế ô tô nhưng sẽ tăng thêm lượng sử dụng xe máy vào trung tâm TP.HCM Ảnh: Nguyễn Tiến
“Người dân phải chịu thêm gánh thêm nặng về phí”
Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban MTTQ TP.HCM, bày tỏ: “Dự án thu phí ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM với mục tiêu là giảm được 40% lượng xe vào trung tâm là kết luận không có cơ sở. Bởi chẳng có cơ sở nào để tiên liệu rằng con số 40% ô tô sẽ đi vào trung tâm, do có đặt các trạm thu phí xe vào trung tâm TP.HCM cả”.
Cũng theo ông Ninh, thời gian qua, người dân đã quá ngán ngẩm về việc làm đường một đằng, đặt trạm thu phí một nẻo của nhiều dự án BOT, nay có thêm đề xuất xây dựng trạm để thu phí nhằm giảm kẹt xe, sẽ lại càng gây bức xúc cho người dân.
“Theo cá nhân tôi, dự án này phần lớn là giả định, suy diễn, không có cơ sở xã hội học và quá vô lý. Bởi vì, đề xuất của dự án chỉ xuất phát từ mẹo đơn giản là đánh vào túi tiền của chủ phương tiện… Nếu thu phí, người dân lại phải thêm gánh nặng về phí. Điều đó cho thấy, đề xuất không xuất phát từ các yếu tố xã hội học của TP.HCM. Vì vậy, không đáp ứng được mục đích ban đầu là giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm”, ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường, Ủy ban MTTQ TP.HCM lo ngại việc lập trạm thu phí sẽ gây bức xúc cho người dân Ảnh: Nguyễn Tiến
Ông Ninh cũng góp ý rằng muốn giảm được lượng xe vào trung tâm để chống ùn tắc khu vực trung tâm TP.HCM thì trước hết phải quy định những loại xe nào được phép và với mục đích gì. Từ đó, mới có thể quy định thời gian cho từng loại xe vào trung tâm vì mục đích cần thiết, chính đáng.
Ông Phạm Sanh, một chuyên gia giao thông, đồng ý quan điểm trên và cho rằng đề xuất dự án này chưa có tính khả thi. Muốn khả thi, cần phải đảm bảo được tính đồng bộ với các đề án khác trong loạt các đề án giảm ùn tắc giao thông. Ngoài ra, để gây tránh phản ứng từ người dân, vấn đề thu phí và sử dụng phí cần phải được chi tiết và minh bạch. Đồng thời, nếu đề án được áp dụng cần sử dụng hệ thống thu phí hiện đại nhất, nhằm tránh gây ùn tắc tại khu vực các cổng thu phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.